“Đạo đức cách mạng” vốn đã được lãnh tụ
Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh chỉ ra, yêu cầu người cán bộ cách mạng phải chú
trọng rèn luyện từ thời dựng Đảng, vì trong tư tưởng của Người thì “đức” là
gốc. Trong quá trình chuẩn bị về mặt chính trị, tư tưởng và tổ chức cho sự ra
đời của Đảng Cộng sản Việt Nam, tại Quảng Châu, Trung Quốc, những học viên của
lớp Huấn luyện chính trị đã được học về “Tư cách một người cách mệnh”. Đó chính
là chuẩn mực đạo đức cần phải có mà Người yêu cầu mỗi người cách mạng phải thực
hành; trong đó, “Tự mình phải: Cần kiệm. Hòa mà không tư. Cả quyết sửa lỗi
mình. Cẩn thận mà không nhút nhát. Hay hỏi. Nhẫn nại (chịu khó). Hay nghiên
cứu, xem xét. Vị công vong tư. Không hiếu danh, không kiêu ngạo. Nói thì phải
làm. Giữ chủ nghĩa cho vững. Hy sinh. Ít lòng tham muốn về vật chất. Bí mật.
Đối người phải: Với từng người thì khoan thứ. Với đoàn thể thì nghiêm. Có lòng
bày vẽ cho người. Trực mà không táo bạo. Hay xem xét người. Làm việc phải: Xem
xét hoàn cảnh kỹ càng. Quyết đoán. Dũng cảm. Phục tùng đoàn thể”.
Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời,
xuất phát từ yêu cầu và nhiệm vụ của sự nghiệp cách mạng, trong từng hoàn cảnh
cụ thể, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã điều chỉnh, bổ sung một cách phù hợp những yêu
cầu về phẩm chất đạo đức cách mạng để cán bộ, đảng viên tu dưỡng, phấn đấu và
coi đó một trong những biện pháp quan trọng hàng đầu nhằm phòng, chống và đấu
tranh “quét sạch” chủ nghĩa cá nhân. Vì thế, không lâu sau khi Cách mạng Tháng
Tám thành công, Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, Người không chỉ quan
tâm xây dựng một Nhà nước kiểu mới của dân, do dân, vì dân, mà còn đặc biệt chú
trọng vấn đề rèn luyện đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên. Trong
một số tác phẩm như: Thư gửi các đồng chí tỉnh nhà (17/9/1945); Chính phủ là
công bộc của dân (19/9/1945); Sao cho được lòng dân (12/10/1945); Thư gửi Ủy
ban nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng (17/10/1945)... Người yêu cầu cán bộ,
đảng viên phải là những người “công tâm, trung thành, sốt sắng với quyền lợi
dân chúng”, phải chú trọng rèn luyện đạo đức cách mạng, phòng và chống những
“lầm lỗi rất nặng nề” như “trái phép”, “cậy thế”, “hủ hóa”, “tư túng”, “chia
rẽ”, “kiêu ngạo” để “việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến
dân, ta phải hết sức tránh. Chúng ta phải yêu dân, kính dân thì dân mới yêu ta,
kính ta”...
Để phù hợp với yêu cầu thời kỳ cả nước
tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954), trong mục III “Tư
cách và đạo đức cách mạng” của tác phẩm Sửa đổi lối làm việc (10/1948), Chủ
tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Người đảng viên, người cán bộ tốt muốn trở nên
người cách mạng chân chính, không có gì là khó cả. Điều đó hoàn toàn do lòng
mình mà ra. Lòng mình chỉ biết vì Đảng, vì Tổ quốc, vì đồng bào thì mình sẽ
tiến đến chỗ chí công vô tư. Mình đã chí công vô tư thì khuyết điểm sẽ ngày
càng ít, mà những tính tốt như sau ngày càng thêm” - các đức tính đó chính là
“nhân, nghĩa, trí, dũng, liêm”. Theo đó, những cán bộ, đảng viên có đủ “nhân,
nghĩa, trí, dũng, liêm” là những người có đạo đức mới, không phải đạo đức “thủ
cựu” - tức là “không phải vì danh vọng của cá nhân, mà vì lợi ích chung của
Đảng, của dân tộc, của loài người”. Đồng thời, Người cũng yêu cầu “mỗi đảng
viên, trước hết là cán bộ, đảng viên phải thật thà tự phê bình, tự sửa chữa
những khuyết điểm của mình. Đặt lợi ích của Đảng, của dân tộc lên trên hết.
Kiên quyết chống bệnh tự mãn tự túc, tự tư tự lợi, kiêu ngạo, ba hoa. Phải thực
hành khẩu hiệu: chí công vô tư; cần, kiệm, liêm, chính!”...
Được bổ sung phù hợp với thời kỳ cả nước
cùng đồng thời tiến hành 2 nhiệm vụ chiến lược (xây dựng CNXH ở miền Bắc và
tiến hành cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975) để giải phóng miền
Nam, thống nhất Tổ quốc), nội dung về đạo đức cách mạng được Chủ tịch Hồ Chí
Minh trình bày cụ thể, rõ ràng và toàn diện trong tác phẩm Đạo đức cách mạng (12/1958).
Theo Người, “đạo đức cách mạng là: Quyết tâm suốt đời đấu tranh cho Đảng, cho
cách mạng. Đó là điều chủ chốt nhất. Ra sức làm việc cho Đảng, giữ vững kỷ luật
của Đảng, thực hiện tốt đường lối, chính sách của Đảng. Đặt lợi ích của Đảng và
của nhân dân lao động lên trên, lên trước lợi ích riêng của cá nhân mình. Hết
lòng hết sức phục vụ nhân dân. Vì Đảng, vì dân mà đấu tranh quên mình, gương
mẫu trong mọi việc. Ra sức học tập chủ nghĩa Mác - Lênin, luôn luôn dùng tự phê
bình và phê bình để nâng cao tư tưởng và cải tiến công tác của mình và cùng
đồng chí mình tiến bộ”; “là hòa mình với quần chúng thành một khối, tin quần
chúng, hiểu quần chúng, lắng nghe ý kiến của quần chúng...”; là “đặt lợi ích
của Đảng lên trên hết” và “lợi ích cá nhân phải tuyệt đối phục tùng lợi ích của
Đảng”…
Đặc biệt, trong tác phẩm Nâng cao đạo
đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân (2/1969), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã
thêm một lần khẳng định rằng “mỗi cán bộ, đảng viên phải đặt lợi ích của cách
mạng, của Đảng, của nhân dân lên trên hết, trước hết. Phải kiên quyết quét sạch
chủ nghĩa cá nhân, nâng cao đạo đức cách mạng, bồi dưỡng tư tưởng tập thể, tinh
thần đoàn kết, tính tổ chức và tính kỷ luật. Phải đi sâu đi sát thực tế, gần
gũi quần chúng, thật sự tôn trọng và phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân
dân. Phải cố gắng học tập, rèn luyện, nâng cao trình độ hiểu biết để làm tốt
mọi nhiệm vụ”. Cuối cùng, trong Di chúc, Người căn dặn “Đảng ta là một đảng cầm
quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật
sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch,
phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đày tớ thật trung thành của nhân
dân”...
Tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức cách
mạng nêu trên và hiển hiện trong những bài nói, phát biểu, tác phẩm khác của
Người là minh chứng cho thấy rằng: luận điệu “chẳng mấy ai” có thể hiểu được
ngọn ngành cái gọi là “đạo đức cách mạng”, vì khái niệm đó “mông lung, chung
chung” mà các phần tử cơ hội, bất mãn, phản động suy diễn chỉ là sự quy chụp,
xảo biện cá nhân; chỉ là chiêu trò nói lấy được. Thực tế, với những người cộng
sản nói chung, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam nói riêng, thì đạo đức là “gốc”
và rèn luyện đạo đức cách mạng là yêu cầu không thể thiếu để mỗi người kiên định
lý tưởng cách mạng, tận tâm, tận lực phụng sự Tổ quốc và nhân dân, chứ không
phải chỉ để “phụng sự Đảng” như các thế lực thù địch bẻ cong sự thật. Và cũng
vì thế, luận điệu phản động “đạo đức là thứ xa lạ” với Đảng Cộng sản Việt Nam
và đội ngũ cán bộ, đảng viên chính là xuyên tạc sự thật, là cố tình bôi nhọ
những người cộng sản, cần phải bác bỏ.
Sưu tầm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét