Thứ Năm, 18 tháng 7, 2024

Quy định số 144 là sự chắt lọc tư tưởng hồ chí minh về đạo đức cách mạng

Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiền phong của giai cấp và dân tộc; là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội nên muốn xứng đáng với vị thế của mình - Đảng phải thường xuyên tự đổi mới và chỉnh đốn về mọi mặt. Một điều không thể phủ nhận là, nếu người cán bộ, đảng viên xa rời đạo đức cách mạng, thiếu sự tu dưỡng thì tất yếu sẽ trở thành thoái bộ, lạc hậu, suy thoái. Cho nên, trong tập thể của những con người ưu tú đó, việc có những người thụt lùi, thiếu trau dồi đạo đức cách mạng rồi sa vào chủ nghĩa cá nhân, vi phạm Điều lệ Đảng, kỷ luật Đảng, vi phạm pháp luật đã phải chịu sự xử lý nghiêm minh của pháp luật; đã bị khai trừ khỏi Đảng cũng là điều không tránh khỏi. Những phần tử thoái hóa biến chất đó (dù là cán bộ, đảng viên ở cấp nào) thì cũng không phải đại diện cho toàn Đảng, cho nên họ không thể làm lu mờ hình ảnh một Đảng chân chính không có mục tiêu nào khác là vì nước, vì dân.

Hơn nữa, trong cuộc đời hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh dù sử dụng nhiều bí danh, bút danh khác nhau, trong đó có Nguyễn Ái Quốc, Trần Lực, T. L, XYZ, CB… thì những tác phẩm mà Người đề cập vấn đề đạo đức cách mạng; yêu cầu đội ngũ cán bộ, đảng viên phải tu dưỡng phù hợp với yêu cầu của từng thời điểm, tình hình, nhiệm vụ cách mạng đều rất quan trọng, đều có ý nghĩa lịch sử và giá trị hiện thực không thể bôi đen. Dù có những điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp bối cảnh cụ thể, song những chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đạo đức cách mạng trong những thời điểm khác nhau đều là những tiêu chuẩn quan trọng, cần thiết; là yêu cầu bắt buộc mỗi người cán bộ, đảng viên phải chú tâm, thường xuyên rèn luyện, tự soi, tự sửa trong mọi hoàn cảnh, để “giàu sang không thể quyến rũ, Nghèo khó không thể chuyển lay, Uy lực không thể khuất phục”.

Vì thế, việc các thế lực thù địch lợi dụng vào một số sự vụ, cá nhân liên quan đến suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống để quy chụp cả đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng “là hư hỏng, là cơ hội, là chủ nghĩa cá nhân” chỉ là thủ đoạn chia rẽ để chống phá Đảng. Cũng không ngoài ý đồ xấu khi chúng tung ra luận điệu cho rằng sau hơn 60 năm rèn luyện đạo đức cách mạng (kể từ khi Chủ tịch Hồ Chí Minh viết tác phẩm Đạo đức cách mạng, tháng 12/1958) đội ngũ cán bộ, đảng viên vẫn chỉ là những người “đua nhau tham nhũng”, nên việc ban hành Quy định số 144 chỉ là “bình cũ mà rượu… không mới”(!).

Cần khẳng định, với 5 Điều quy định (Điều 1. Yêu nước, tôn trọng Nhân dân, tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc; Điều 2. Bản lĩnh, đổi mới, sáng tạo, hội nhập; Điều 3. Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; Điều 4. Đoàn kết, kỷ cương, tình thương, trách nhiệm; Điều 5. Gương mẫu, khiêm tốn, tu dưỡng rèn luyện, học tập suốt đời và từng nội dung cụ thể của mỗi Điều, cùng với Điều 6. Tổ chức thực hiện), Quy định số 144 được ban hành là hoàn toàn đáp ứng yêu cầu của thực tiễn. Đây không chỉ là mệnh lệnh cần phải thực hiện để vun bồi đạo đức cách mạng phù hợp yêu cầu cụ thể của sự nghiệp cách mạng, mà còn là cơ sở để đánh giá bản lĩnh, trách nhiệm, sự trung thành, tâm huyết, trong sạch, trung thực, thẳng thắn, khách quan, công tâm; sự dấn thân, hăng hái, vì nước, vì dân, nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ; uy tín, sự gương mẫu, nêu cao lòng tự trọng, danh dự, sự đề kháng... của người cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới.

5 Điều với 19 nội dung cụ thể, quy định về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới trong Quy định số 144 chính là sự chắt lọc, kế thừa, làm mới những yêu cầu, tiêu chuẩn về đạo đức cách mạng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nêu ra. Nội dung các quy định này không chỉ thể hiện đầy đủ, toàn diện những chuẩn mực đạo đức cách mạng theo tư tưởng Hồ Chí Minh về mục tiêu, lý tưởng, bản lĩnh chính trị, tinh thần đổi mới, sáng tạo; sự nhất quán vể lòng yêu nước, thương dân, trách nhiệm, tinh thần đoàn kết trên mọi lĩnh vực, mà còn là thực thi nguyên tắc, biện pháp tu dưỡng đạo đức cách mạng có tính vừa cấp bách, vừa thường xuyên và lâu dài đối với mỗi người cán bộ, đảng viên nói chung, đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu mỗi địa phương, cơ quan, đơn vị nói riêng. 5 Điều trong Quy định số 144 thể hiện rõ mối quan hệ giữa xây và chống (xây là nhiệm vụ cơ bản, chiến lược, lâu dài, thường xuyên; chống là nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết) trong rèn luyện đạo đức cách mạng; trong tổng thể xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, đảm bảo để Đảng và hệ thống chính trị luôn trong sạch, vững mạnh.

Quy định số 144 và những chuẩn mực đạo đức cách mạng được xác định cụ thể, thiết thực và phù hợp hơn với bối cảnh đất nước thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế sâu rộng. Những nội dung trong đó chắc chắn không phải là một “đòi hỏi trái ngược với thực tế” như các thế lực thù địch quy kết, bởi, với mỗi cán bộ, đảng viên thì nội dung thứ nhất của Điều 1: “Suốt đời phấn đấu cho mục đích, lý tưởng cách mạng của Đảng; nêu cao tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với sự nghiệp cách mạng của Đảng; hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân” là yêu cầu tất yếu, không hề mẫu thuẫn. Đồng thời, khi người cán bộ, đảng viên thực hiện 5 nội dung tại Điều 3 của Quy định số 144 mọi lúc, mọi nơi, mọi hoàn cảnh thì cũng tất yếu “nâng cao sức đề kháng” trước sự cám dỗ của vật chất, quyền lực, đủ tự trọng để “thực hiện văn hóa từ chức khi không đủ khả năng, uy tín”. Sự từ chức được nêu trong nội dung 5 của Điều 3 tại Quy định số 144 là sự kế thừa, phát triển từ Quy định số 41-QĐ/TW ngày 3/11/2021 của Bộ Chính trị về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ; trong đó có việc cán bộ “tự nguyện xin thôi giữ chức vụ” do “hạn chế về năng lực hoặc không còn đủ uy tín để hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao” được nêu tại mục 1 Điều 6 của Quy định. Văn hóa từ chức vừa cho thấy sự “nhẹ nhàng, nhân văn, tiến bộ. Từ đó có sức răn đe, cảm hóa lớn” như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh, vừa đồng thời khẳng định một sự thật là, trong công tác cán bộ và công tác nhân sự đều sẽ “có lên, có xuống”, “có vào, có ra” chứ không phải là tranh giành, đấu đá, triệt hạ nhau vì phe cánh như các thế lực thù địch xuyên tạc.

Vì thế, khi cả hệ thống chính trị đẩy mạnh đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực gắn với công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng như hiện nay thì với việc thực thi Quy định số 144, đội ngũ cán bộ, đảng viên đảm nhiệm trọng trách của mình trong các cơ quan công quyền càng phải nghiêm khắc hơn với bản thân trong tu dưỡng và phấn đấu, nhất là phải biết “giữ mình” - tự mình kiểm soát quyền lực được giao với tinh thần tự soi, tự sửa và gương mẫu trong thực thi công vụ để xứng đáng vừa là người lãnh đạo, vừa là người đày tớ thật trung thành của nhân dân như Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dăn. Đồng thời, tin tưởng chắc chắn rằng, việc nghiêm túc thực hiện những chuẩn mực đạo đức cách mạng theo Quy định số 144 không chỉ tạo ra bước chuyển biến mới, tích cực về cả nguyên tắc và hành động trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng trước thềm Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội XIV của Đảng, mà còn thiết thực bác bỏ luận điệu phản động cho rằng “đạo đức cách mạng không có thật”, “chỉ là những câu khẩu hiệu cửa miệng...” mà các thế lực thù địch và phần tử xấu tung lên mạng xã hội./.

Sưu tầm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét