Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương sáng
ngời về việc nêu gương, gương mẫu, nói đi đôi với làm... Điều đó được minh
chứng trong cả cuộc đời của Người.
Thứ nhất, Chủ
tịch Hồ Chí Minh cho rằng, cán bộ, đảng viên phải luôn luôn gương mẫu đi đầu.
Trong tác phẩm “Đường Cách mệnh” (năm 1927), Người nêu ra 23 điều về “Tư cách
một người cách mệnh”, trong đó có điều: “Nói thì phải làm”. Người còn nhấn
mạnh: “Cán bộ xung trước,/Làng nước theo sau,/Việc khó đến đâu,/Cũng làm được hết”.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, nêu gương
trước hết là phải làm gương trong mọi công việc, từ nhỏ đến lớn, thể hiện
thường xuyên về mọi mặt, nhất là nêu gương về đạo đức, phải cần, kiệm, liêm,
chính, chí công vô tư. Đó là phẩm chất đạo đức cách mạng chủ yếu, là nhân cách
của con người. Theo Người, kẻ thù của lòng chí công vô tư chính là chủ nghĩa cá
nhân, chỉ muốn tự tư tự lợi, chỉ thấy lợi ích riêng của mình, không thấy lợi
ích chung của tập thể, của đất nước. Vì vậy, mỗi cán bộ, đảng viên phải kiên
quyết chống chủ nghĩa cá nhân, hình thành phẩm chất đạo đức đúng đắn, để “giàu
sang không thể quyến rũ, nghèo khó không thể chuyển lay, uy lực không thể khuất
phục”.
Thứ hai, cần
nêu gương trên ba mối quan hệ: với mình, với người, với việc. Đối với mình, người
cán bộ, đảng viên không được tự cao tự đại, tự mãn, kiêu ngạo, mà phải luôn học
tập cầu tiến bộ, luôn tự kiểm điểm để phát triển điều hay, sửa đổi điều dở của
bản thân, phải tự phê bình như rửa mặt hằng ngày. Đối với người, cán bộ, đảng
viên luôn giữ thái độ chân thành, khiêm tốn, đoàn kết, thật thà, không dối trá,
lừa lọc, khoan dung, độ lượng. Đối với việc, dù trong hoàn cảnh nào, cán bộ,
đảng viên cũng phải giữ nguyên tắc “dĩ công vi thượng” (đặt việc công lên trên,
lên trước việc tư).
Thứ ba, muốn
nêu gương được thì nói phải đi đôi với làm. Trong suốt cuộc đời hoạt động cách
mạng đầy gian khổ hy sinh, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn là một tấm gương đạo đức
mẫu mực cho mọi người học tập và noi theo. Ở Người đã đạt tới sự thống nhất
chặt chẽ giữa nói và làm, giữa đạo đức và nêu gương, đạt tới sự nhất quán giữa
công việc và đời tư, giữa đạo đức vĩ nhân và đạo đức đời thường, địa vị càng
cao, uy tín càng lớn, ra sức hoàn thiện, trở thành tấm gương đạo đức trọn vẹn.
Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: “... một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm
bài diễn văn tuyên truyền”. Cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản
lý, theo yêu cầu của Người, là những người ưu tú nhất trong nhân dân, lời nói
phải đi đôi với việc làm để nêu gương cho quần chúng nhân dân noi theo. Nói đi
đôi với làm là sự nêu gương tốt của thế hệ đi trước với thế hệ đi sau, của lãnh
đạo với cấp dưới, của cán bộ, đảng viên với quần chúng nhân dân...
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng dạy: “Nói
miệng, ai cũng nói được. Ta cần phải thực hành... Trước hết, mình phải làm
gương, gắng làm gương trong anh em, và khi đi công tác, gắng làm gương cho dân.
Làm gương về cả ba mặt: Tinh thần, vật chất và văn hóa. Không có gì là khó. Khó
như cách mạng mà ta đã làm được và đã thành công. Muốn làm được, ta phải: Quyết
tâm, tín tâm và đồng tâm. Ta nhớ ba chữ ấy, thực hành làm gương nêu ba chữ ấy
lên, tất là các đồng chí phải thành công”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc nhở đảng viên:
“Trước mặt quần chúng, không phải ta cứ viết lên trán chữ “cộng sản” mà ta được
họ yêu mến. Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức. Muốn hướng
dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước”. Tự mình phải
“chính” trước mới giúp người khác chính. Mình không “chính”, mà muốn người khác
“chính” là vô lý.
Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, đối với
cán bộ, đảng viên, thì sự thống nhất chặt chẽ giữa nói và làm, giữa đạo đức và
nêu gương cần đạt tới sự nhất quán trong công việc và trong đời sống riêng,
giữa đạo đức của người lãnh đạo và đạo đức đời thường. Địa vị càng cao càng
phải ra sức hoàn thiện về đạo đức, thống nhất giữa nói và làm. Người đòi hỏi
mỗi cán bộ, đảng viên làm kiểu mẫu trong công tác và lối sống; trong mọi lúc,
mọi nơi, nói đi đôi với làm để quần chúng nhân dân noi theo. Việc nói đi đôi
với làm mang lại cho quần chúng nhân dân lòng tin và sự tôn trọng đối với người
cán bộ; do đó, người cán bộ dễ dàng thực thi quyền lãnh đạo của mình. Người phê
phán những cán bộ “chỉ biết nói là nói, nói giờ này qua giờ khác, ngày này qua
ngày khác. Nhưng một việc gì thiết thực cũng không làm được”. Nhân dân không
bao giờ tin cậy cán bộ nói mà không làm, nói nhiều làm ít, nói hay làm dở, nói
một đằng làm một nẻo. Muốn rèn luyện được phong cách nói đi đôi với làm, người
cán bộ phải thường xuyên tự kiểm điểm, soi xét chính mình; đồng thời, phải
khuyến khích cấp dưới và quần chúng nhân dân nhận xét, phê bình, góp ý cho
mình, nhắc nhở mình về những điều đã hứa. Người cán bộ cũng phải biết tránh căn
bệnh hình thức, bệnh “hữu danh, vô thực”, chạy theo những thứ hào nhoáng bên ngoài.
Cán bộ, đảng viên tự tu dưỡng hằng ngày
để trở thành con người có đời tư trong sáng, là tấm gương giúp nhân dân nhìn
vào đó mà noi theo; qua đó, mà làm tăng những điều đúng, điều thiện, chống thói
hư, tật xấu.
Thứ tư, để
giáo dục bằng nêu gương đạt hiệu quả cao, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trương: “Lấy
gương người tốt, việc tốt để hàng ngày giáo dục lẫn nhau là một trong những
cách tốt nhất để xây dựng Đảng, xây dựng các tổ chức cách mạng, xây dựng con
người mới, cuộc sống mới”.
Trong các nội dung nêu gương, cán bộ,
đảng viên phải luôn luôn nêu gương về tinh thần phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân
dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh trách nhiệm phục vụ nhân dân từ một triết
lý sâu xa rằng, “dân là chủ”, “dân làm chủ” và “cơm chúng ta ăn, áo chúng ta
mặc, vật liệu chúng ta dùng, đều do mồ hôi nước mắt của nhân dân mà ra. Vì vậy
chúng ta phải đền bù xứng đáng cho nhân dân”. Do đó, cán bộ, đảng viên phải
xông xáo, nhiệt tình, sâu sát nhân dân, gương mẫu và dám chịu trách nhiệm trước
nhân dân cả về lời nói và việc làm; phải luôn quyết tâm, bền bỉ, chịu đựng gian
khổ, quan tâm và tìm mọi cách giải quyết kịp thời, hiệu quả những nhu cầu mà
nhân dân đặt ra, kể cả chấp nhận sự hy sinh để bảo vệ nhân dân, phấn đấu vì sự
ấm no, hạnh phúc của nhân dân. Tư tưởng đạo đức ấy đã tạo nên một phong cách
nêu gương, tự giác gương mẫu của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người lãnh tụ kính yêu
của cách mạng Việt Nam, người suốt đời phấn đấu, hy sinh vì đất nước, vì dân
tộc, đời tư trong sáng, cuộc sống riêng giản dị; vì vậy, cả cuộc đời Người là
một tấm gương lớn cho các thế hệ người Việt Nam mãi mãi noi theo.
Sưu tầm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét