Thứ Tư, 31 tháng 7, 2024

Bản chất của công nghiệp lần thứ tư

 


Bản chất của công nghiệp lần thứ tư là sự hình thành của thế giới số, vốn dĩ là sự phản ảnh sinh động, tồn tại song song với thế giới vật lý. Sự kết nối giữa hai thế giới vật lý và thế giới số tạo ra những tác động “mang tính cách mạng” trên mọi mặt của đời sống kinh tế, chính trị, văn hóa và xã hội của loài người. Số hóa và dữ liệu hóa ngày nay không chỉ giúp nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp mà làm thay đổi một cách căn bản mô hình kinh doanh của doanh nghiệp. Trong thời đại của công nghiệp lần thứ tư, toàn cầu hóa trở nên sâu sắc hơn, sự thay đổi diễn ra với phạm vi, cường độ và tốc độ lớn hơn và khó dự báo hơn, các ngành công nghiệp được định hình lại xoay quanh các nhu cầu của con người, vì lợi ích và vì mục tiêu tối thượng là hạnh phúc của con người.

Công nghệ số, công nghệ sinh học và vật lý là ba nền tảng chủ đạo tạo nên cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Những yếu tố cốt lõi của kỹ thuật số trong cuộc cách mạng này sẽ là: Trí tuệ nhân tạo (AI), Vạn vật kết nối - Internet of Things (IoT) và dữ liệu lớn (Big Data). Trên lĩnh vực công nghệ sinh học, Cách mạng công nghiệp lần thứ tư tập trung vào nghiên cứu để tạo ra những bước nhảy vọt trong Nông nghiệp, Thủy sản, Y dược, chế biến thực phẩm, bảo vệ môi trường, năng lượng tái tạo, hóa học và vật liệu. Lĩnh vực Vật lý với thành tựu chủ yếu là robot thế hệ mới, máy in 3D, xe tự lái, các vật liệu mới (graphene, skyrmions…) và công nghệ nano. Cách mạng công nghiệp lần thứ tư tạo điều kiện thuận lợi cho sự ra đời của các nhà máy thông minh. Trong các nhà máy này, các hệ thống vật lý không gian ảo sẽ giám sát các quá trình vật lý, tạo ra một bản sao ảo của thế giới vật lý. Với Internet của vạn vật, các hệ thống vật lý không gian ảo này tương tác với nhau và với con người theo thời gian thực, và thông qua Internet của các dịch vụ thì người dùng sẽ được tham gia vào chuỗi giá trị thông qua việc sử dụng các dịch vụ này.

 Có thể nói, Cách mạng công nghiệp lần thứ tư không chỉ tạo ra “môi trường cộng sinh” giữa người và robot mà còn tạo ra “môi trường cộng sinh” giữa thế giới ảo và thế giới thực. So sánh với các cuộc cách mạng công nghiệp trước đây, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư phát triển với tốc độ ở cấp số nhân chứ không phải cấp số cộng. Hơn nữa, nó đang làm biến đổi mọi nền công nghiệp ở mọi quốc gia. Bề rộng và chiều sâu của những thay đổi này tạo nên sự biến đổi của toàn bộ các hệ thống sản xuất, quản lý và quản trị.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét