Thứ Tư, 31 tháng 7, 2024

Tác động đến sự biến đổi cơ cấu xã hội - giai cấp của cách mạng công nghiệp lần thứ tư

 


Cách mạng công nghiệp lần thứ tư phát triển làm cho cơ cấu kinh tế thay đổi dẫn đến sự thay đổi cơ cấu xã hội và cơ cấu xã hội - giai cấp. Xu hướng giảm bớt lao động nông nghiệp, tăng thêm lực lượng lao động công nghiệp (đã diễn ra trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa) do tác động của khoa học và công nghệ diễn ra ngày càng mạnh mẽ hơn. Trong nông nghiệp, tính chất lao động và trình độ kỹ thuật cũng đạt tới trình độ hiện đại. Đặc biệt cuộc cách mạng trong lĩnh vực sinh học, kỹ thuật gen và việc ứng dụng ngày càng rộng rãi những thành tựu khoa học và công nghệ vào nông nghiệp đã cho phép từng bước xóa bỏ sự khác biệt giữa lao động công nghiệp và lao động nông nghiệp.

Cách mạng công nghiệp lần thứ tư thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Tốc độ phát triển của các ngành mà đồng thời còn làm cho hoạt động phân công lao động trong xã hội ngày một sâu sắc hơn, từ đó dẫn đến hệ quả của việc phân chia ngành kinh tế thành nhiều ngành nhỏ, có nhiều ngành nghề mới xuất hiện cùng với nhiều lĩnh vực kinh tế mới. Kết quả cuối cùng là làm cho cơ cấu kinh tế được thay đổi theo chiều hướng tích cực. Cơ cấu ngành nghề, từ những ngành nghề cổ truyền chuyển thành các ngành nghề có ưu thế, có sự độc quyền cao, bảo đảm lợi nhuận cao, nhất là kinh tế số.

Việc áp dụng những công nghệ hoàn toàn mới đã tạo điều kiện cho sản xuất phát triển theo chiều sâu, giảm hẳn tiêu hao năng lượng và nguyên nhiên vật liệu, nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của sản xuất. Các ngành dịch vụ phát triển như: dịch vụ sản xuất, dịch vụ công nghiệp, dịch vụ du lịch (ngành công nghiệp không khói).

Cách mạng công nghiệp lần thứ tư hiện nay làm thay đổi cơ cấu giai cấp công nhân cả về số lượng, chất lượng, tính chất lao động và mức thu nhập. Công nhân lao động trực tiếp giảm, lao động gián tiếp tăng; trình độ ngày càng được nâng cao, như ở Nhật Bản 90% công nhân có trình độ đại học; từ lao động cơ bắp chuyển thành lao động kỹ thuật, lao động trí tuệ; xuất hiện nhiều loại hình công nhân như: công nhân áo trắng, công nhân áo xanh, công nhân áo vàng Về số lượng: thế kỷ XIX trên thế giới có 19 triệu công nhân, nay gần 2 tỷ công nhân.

Cách mạng công nghiệp lần thứ tư hiện nay làm cho lao động trí óc, lao động chân tay, nông thôn và thành thị xích lại gần nhau. Do đó tỉ lệ thất nghiệp và nguy cơ thất nghiệp của công nhân cũng tăng lên. Trong cuộc khủng hoảng kinh tế vừa qua của các nước Mỹ, Nhật Bản, Anh, Châu Âu và Trung Quốc, số người thất nghiệp lên tới hàng chục triệu người; phân hóa giàu nghèo giữa các giai cấp, tầng lớp diễn ra nhanh chóng hơn, làm cho số dân ở đô thị và các khu công nghiệp gia tăng nhanh chóng kéo theo hàng loạt các vấn đề cần phải giải quyết về công ăn việc làm, thu nhập.

C.Mác và Ph.Ăngghen đã dự báo: Sự phát triển của đại công nghiệp tư bản chủ nghĩa ngày càng làm phá sản hàng loạt những người sản xuất nhỏ, ngày càng tập trung tư liệu sản xuất vào tay các nhà tư bản, làm cho đội ngũ những người lao động làm thuê ngày càng đông.

Cách mạng công nghiệp lần thứ tư không giúp cho xã hội tư bản khắc phục được những mâu thuẫn cơ bản, vốn có của nó, trái lại càng làm cho những mâu thuẫn đó tích tụ và ngày càng gay gắt hơn. Ngược lại, vấn đề thất nghiệp cũng đang là một vấn đề xã hội phức tạp ở các nước xã hội chủ nghĩa. Nhưng mục đích và bản chất của chủ nghĩa xã hội là hướng tới cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho người lao động. Sự tồn tại những người thất nghiệp là do trình độ thấp kém về kinh tế, tài chính chưa đủ điều kiện tạo ra nhiều chỗ làm việc để thu hút hết người có sức lao động, mặt khác cũng phải tính đến cả sự yếu kém trong việc quản lý kinh tế - xã hội của nhà nước và các ngành kinh tế mà chủ nghĩa xã hội đang từng bước khắc phục, giải quyết. Trong xã hội xã hội chủ nghĩa, việc ứng dụng những thành tựu khoa học và công nghệ hiện đại cho phép rút ngắn thời gian lao động, tăng thêm chỗ làm việc, giải quyết triệt để vấn đề thất nghiệp và không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân lao động.

Cách mạng công nghiệp lần thứ tư còn tác động sâu sắc đến cơ cấu dân cư nông thôn và đô thị theo xu hướng tăng nhanh dân số đô thị. Điều đó cũng đặt ra nhiều vấn đề xã hội phải giải quyết thỏa đáng hiện nay.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét