Thứ Ba, 30 tháng 7, 2024

 Chủ tịch Hồ Chí Minh kế thừa, phát triển truyền thống dân tộc Việt Nam và chủ nghĩa Mác-Lênin về trọng dụng nhân tài. 

Tin tưởng ở sức sống mãnh liệt của nhân dân, của dân tộc Việt Nam, thời nào cũng nhất định có người tài đức, Trong Bình Ngô đại cáo, năm 1428, Nguyễn Trãi khẳng định:

                                      "Như nước Việt ta từ trước,

                                      Vốn xưng văn hiến đã lâu,…

                                      Dẫu cường nhược có lúc khác nhau,

                                      Song hào kiệt đời nào cũng có"1.

Nói về tầm quan trọng của nhân tài và trọng dụng nhân tài để xây dựng, phát triển đất nước, Hàn lâm viện thừa chỉ, kiêm Đông các Đại học sĩ, kiêm Quốc tử giám tế tửu Thân Nhân Trung, năm 1442,  khẳng định: "Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh mà hưng thịnh, nguyên khí suy thì thế nước yếu mà thấp hèn. Vì thế các bậc đế vương thánh minh không đời nào không coi việc giáo dục nhân tài, kén chọn kẻ sĩ, vun trồng nguyên khí quốc gia làm công việc cần thiết"2.

Hơn 230 năm trước, Hoàng đế Quang Trung lại nói: Dựng nước lấy việc học làm đầu; muốn thịnh trị lấy nhân tài làm gốc3. 

Chỉ ra phương hướng trọng dụng nhân tài để truyền bá, thực hiện chủ nghĩa Mác nhằm xây dựng xã hội mới trong lịch sử loài người, C. Mác vạch ra rằng:

"Muốn thực hiện tư tưởng thì cần có những con người sử dụng lực lượng thực tiễn"4.

Vạch ra phương hướng đào tạo cán bộ, trọng dụng nhân tài trong cách mạng xã hội chủ nghĩa, V.I. Lênnin khẳng định:

“Trong lịch sử, chưa hề có một giai cấp nào giành được quyền thống trị, nếu nó không đào tạo ra được trong hàng ngũ của mình những lãnh tụ chính trị, những đại biểu tiền phong có đủ khả năng tổ chức và lãnh đạo phong trào,... Chúng ta phải đào tạo những người sẵn sàng hiến cho cách mạng, không phải chỉ những buổi tối rỗi việc của họ mà tất cả cuộc đời của họ”5.

Kế thừa, phát triển truyền thống dân tộc Việt Nam và chủ nghĩa Mác-Lênin về trọng dụng nhân tài để kiến thiết đất nước, xây dựng chế độ xã hội mới, với cương vị Chủ tịch đầu tiên của nước Việt Nam mới, ngày 3-11-1946, sau khi Chính phủ mới được thành lập theo tinh thần đại đoàn kết, không phân biệt đảng phái của Quốc hội nước ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc lời tuyên bố trước Quốc hội. Trong đó khẳng định: “Chính phủ này là Chính phủ toàn quốc, có đủ nhân tài Trung, Nam, Bắc tham gia”6. Tiếp theo đó, Ngày 20-11-1946, Người đăng lời kêu gọi TÌM NGƯỜI TÀI ĐỨC trên báo Cứu quốc.

Người nêu rõ niềm tin tưởng vào đồng bào Việt Nam và chỉ ra tầm quan trọng phải có nhân tài trong xây dựng đất nước: "Nước nhà cần phải kiến thiết. Kiến thiết cần phải có nhân tài. Trong số 20 triệu đồng bào chắc không thiếu người có tài có đức"7. Hơn ai hết, Người khiêm tốn, hạ mình để cầu hiền tài giúp dân, giúp nước. Người giãi bầy tâm can cùng nhân dân và yêu cầu chính quyền các cấp tiến cử hiền tài cho chính phủ:

"E vì Chính phủ nghe không đến, thấy không khắp, đến nỗi những bực tài đức không thể xuất thân. Khuyết điểm đó tôi xin thừa nhận.

Nay muốn sửa đổi điều đó, và trọng dụng những kẻ hiền năng, các địa phương phải lập tức điều tra nơi nào có người tài đức, có thể làm được những việc ích nước lợi dân, thì phải báo cáo ngay cho Chính phủ biết"8.

Không chỉ ra lời kêu gọi, Chủ tịch Hồ Chí Minh là một tấm gương lớn về trọng dụng nhân tài trong xây dựng Chính phủ, xây dựng bộ máy Đảng, Nhà nước ta và trọng dụng các chuyên gia lớn đầy tài năng. Khi dùng nhân tài, Người đánh giá tài đức của cán bộ ở trong công việc. Coi kết quả công việc với tinh thần vì dân, vì nước là căn cứ chính để phát hiện, trọng dụng nhân tài, chứ không hẹp hòi, không câu nệ là người trong Đảng hay ngoài Đảng. Ngay sau Cách mạng Tháng Tám thành công, khi thành lập chính phủ, dù còn nhiều ý kiến khác nhau, Người vẫn sẵn sàng sử dụng các cán bộ, công chức, quan chức trong chính quyền cũ.

Cụ Huỳnh Thúc Kháng, một trí thức Hán học, từng là Viện trưởng Viện Dân biểu Trung kỳ thời thuộc Pháp, một người ngoài Đảng nhưng nổi tiếng tài năng, đức độ và lòng yêu nước, Hồ Chí Minh đã tìm mọi cách mời cụ ra làm Bộ trưởng Bộ Nội vụ mặc dù cụ đã 70 tuổi. Khi Người đi Pháp năm 1946, tuy trong Chính phủ có nhiều cán bộ là đảng viên, nhưng Người không giao mà quyết định giao cụ Huỳnh Thúc Kháng làm quyền Chủ tịch nước với lời nhắn nhủ nổi tiếng: "Dĩ bất biến ứng vạn biến".

Cụ Bùi Bằng Đoàn, vốn là quan Thượng thư Bộ Hình dưới triều Nguyễn nhưng Hồ Chí Minh vẫn mời ra làm Trưởng ban Thanh tra đặc biệt của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa rồi sau này làm tới chức Trưởng ban Thường trực Quốc hội. Gíao sư Nguyễn Văn Huyên, dù là người ngoài Đảng nhưng vẫn được Người giao trọng trách Bộ trưởng Bộ Giáo dục tới 29 năm. Một thời kỳ nền giáo dục nước nhà cung cấp được nhiều nhân tài cho cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, cứu nước và kiến thiết nước nhà thắng lợi.

Chủ tịch Hồ Chí Minh là một tài năng xuất chúng, mẫu mực về sử dụng nhân tài ngoài Đảng. Người khẳng định: “Phong trào giải phóng sôi nổi, nảy nở ra rất nhiều nhân tài ngoài Đảng. Chúng ta không được bỏ rơi họ, xa cách họ. Chúng ta phải thật thà đoàn kết với họ, nâng đỡ họ. Phải thân thiết với họ, gần gụi họ, đem tài năng của họ giúp ích vào công cuộc kháng chiến cứu nước. Chúng ta phải tẩy sạch các bệnh kiêu ngạo, bệnh hẹp hòi, bệnh bao biện”9 Trọng dụng nhân tài ngoài Đảng không những góp phần tạo ra đội ngũ cán bộ đầy tài năng mà còn củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo nên sức mạnh vĩ đại trong công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.

Hàng loạt trí thức tây học còn rất trẻ nhưng có tài năng cũng được Hồ Chí Minh trọng dụng, giao trọng trách trong bộ máy Đảng, Nhà nước từ rất sớm như Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Trần Văn Giàu, Đặng Thai Mai,v,v...Đồng chí Võ Nguyên Giáp khi mới 34 tuổi đã là Bộ trưởng Bộ Nội vụ, khi 37 tuổi  là đại tướng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng tư lệnh quân đội nhân dân Việt Nam.

Có tâm đức trọng dụng nhân tài lại có tài năng và nghệ thuật trong dùng người, dùng cán bộ, nên Hồ Chí Minh đã xây dựng được các Chính phủ đại đoàn kết toàn dân tộc và hội tụ được nhân tài ở tất cả các miền Trung, Nam, Bắc nước ta, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đưa cách mạng Việt Nam đi đến thắng lợi. Hồ Chí Minh đã để lại nhiều bài học quý báu về trọng dụng nhân tài trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét