Thứ Hai, 8 tháng 7, 2024

Cơ sở khoa học của việc phân chia thời đại

 


Chủ nghĩa Mác - Lênin đã xác định đúng đắn, khoa học và cách mạng về phân chia thời đại. Khi phân tích mâu thuẫn cơ bản của chủ nghĩa tư bản thông qua những biến đổi về kinh tế và chính trị của nó, C.Mác đã chỉ ra logic khách quan tất yếu dẫn tới sự phủ định của chính chủ nghĩa tư bản và sự ra đời của chủ nghĩa xã hội - giai đoạn đầu của hình thái kinh tế - xã hội cộng sản chủ nghĩa.

Căn cứ vào sự thay thế của hình thái kinh tế - xã hội, là cơ sở khách quan khoa học và căn bản nhất để xác định một thời đại mới. Lịch sử hình thành của xã hội loài người được phân chia thành những giai đoạn, thời kỳ khác nhau, không theo ý muốn chủ quan, tùy tiện, mà dựa trên cơ sở những đặc điểm, bản chất và những tiêu chí khoa học, khách quan. Ph.Ăngghen đã từng nói không có chế độ nô lệ cổ đại thì không có chủ nghĩa xã hội hiện đại. C.Mác viết: “Tôi coi sự phát triển của những hình thái kinh tế - xã hội là một quá trình lịch sử - tự nhiên”[1]. Ph.Ăngghen cũng chỉ rõ: “Trong mọi thời đại lịch sử, sản xuất kinh tế và cơ cấu xã hội - cơ cấu này tất yếu phải do sản xuất kinh tế mà ra, cả hai cái đó cấu thành cơ sở của lịch sử chính trị và lịch sử tư tưởng của thời đại ấy”[2]nhấn mạnh: “…trong mỗi thời đại lịch sử, phương thức chủ yếu của sản xuất kinh tế và trao đổi, cùng với cơ cấu xã hội do phương thức đó quyết định, đã cấu thành cơ sở cho lịch sử chính trị của thời đại và lịch sử sự phát triển trí tuệ của thời đại, cái cơ sở mà chỉ có xuất phát từ đó mới cắt nghĩa được lịch sử đó”[3].

C.Mác và Ph.Ăngghen xác định mỗi hình thái kinh tế - xã hội, với quá trình phát sinh, phát triển và bị thay thế của nó, đánh dấu một thời đại lịch sử. Nhân loại đã, đang và sẽ trải qua 5 thời đại tương ứng với 5 hình thái kinh tế - xã hội nối tiếp nhau là: thời đại nguyên thủy, thời đại chiếm hữu nô lệ, thời đại phong kiến, thời đại tư bản chủ nghĩa và thời đại cộng sản chủ nghĩa.

Trên cơ sở quan niệm về thời đại của C.Mác và Ph.Ăngghen, V.I.Lênin đã tiếp tục phát triển nhận thức, xem xét thời đại như một phạm trù lịch sử, từ tư duy trừu tượng đến nhận thức cụ thể về một thực tại khách quan. V.I.Lênin đã nhận thức vấn đề thời đại ngày nay trên cơ sở phân tích hiện thực cụ thể của chủ nghĩa tư bản cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, đó là bước chuyển từ giai đoạn tự do cạnh tranh lên giai đoạn đế quốc chủ nghĩa. Quy luật phát triển không đều của chủ nghĩa tư bản đế quốc làm xuất hiện các mâu thuẫn mới của thời đại, đồng thời, tạo ra các mắt khâu xung yếu trong hệ thống tư bản chủ nghĩa thế giới. V.I.Lênin gọi đây là thời đại đế quốc chủ nghĩa, với đầy nguy cơ chiến tranh thế giới khốc liệt giữa các thế lực đế quốc với nhau. V.I.Lênin nhận định các cuộc chiến tranh đế quốc là “đêm trước của cách mạng vô sản” và “phòng chờ của chủ nghĩa xã hội”. Sau thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917, V.I.Lênin nhận định rằng, nhân loại đã bắt đầu một thời đại mới, thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội.

Kế thừa và phát triển lý luận mácxít về thời đại, V.I.Lênin chia mỗi thời đại lớn theo cách phân kỳ hình thái kinh tế - xã hội của C.Mác và Ph.Ăngghen thành nhiều thời đại nhỏ, tương ứng với từng giai đoạn nhất định. Chẳng hạn, thời đại tư bản chủ nghĩa được chia thành 4 thời kỳ: thời kỳ thứ nhất trước 1789, thời kỳ thứ hai từ 1789 đến chiến tranh Pháp - Phổ (1870 - 1871), thời kỳ thứ ba từ 1871 đến chiến tranh thế giới thứ Nhất (1914), thời kỳ thứ tư từ sau 1914. Tuy nằm trong một hình thái kinh tế - xã hội, các thời đại nhỏ này khác nhau cơ bản về đặc điểm, động lực, tính chất, nội dung và phương hướng vận động. V.I.Lênin cho rằng: “... trong mỗi thời đại đều có và sẽ còn có những phong trào cá biệt, cục bộ, khi tiến, khi lùi; đều có và sẽ còn có những thiên hướng khác nhau đi chệch ra khỏi phong trào chung và nhịp độ chung của phong trào”[4].

Căn cứ vào giai cấp giữ vị trí trung tâm của thời đại. V.I.Lênin đã ch: “Chúng ta biết giai cấp nào đứng ở vị trí trung tâm của thời đại này hay thời đại khác và xác định nội dung căn bản, phương hướng phát triển chính của thời đại ấy, những đặc điểm chủ yếu của bối cảnh lịch sử của thời đại ấy”[5]. Theo V.I.Lênin, giai cấp trung tâm của thời đại phải đáp ứng được hai điều kin: một là, giai cấp ấy đại diện cho phương thức sản xuất tiên tiến, đã ra đời trong thc tế; hai là, phong trào đấu tranh của giai cấp đó phù hợp với xu hướng vận động tất yếu của xã hội, có khả năng lãnh đạo, tập hợp nhân dân đấu tranh xóa bỏ chế độ cũ lỗi thời lạc hậu, xây dựng chế độ mới tiến bộ hơn.

Giai cấp trung tâm của thời đại phải là giai cấp đại diện cho lực lượng sản xuất tiên tiến, cuộc đấu tranh của họ phản ánh xu hướng vận động tất yếu của xã hội loài người, đại biểu cho lợi ích quảng đại quần chúng, có khả năng lãnh đạo, tập hợp nhân dân đấu tranh xóa bỏ chế độ cũ lỗi thời lạc hậu, xây dựng chế độ mới tiến bộ hơn. Lịch sử đã ghi nhận những giai cấp trung tâm là giai cấp quý tộc phong kiến trong xã hội phong kiến, trong thời đại tư bản chủ nghĩa “giai cấp tư sản là giai cấp chủ yếu, ... và là giai cấp duy nhất có một sức mạnh áp đảo đấu tranh chống lại những thiết chế phong kiến và chuyên chế”[6].

Giai cấp vô sản là con đẻ của nền công nghiệp hiện đại, mang đầy đủ những phẩm chất tiên tiến, cách mạng, đại biểu cho lực lượng sản xuất tiên tiến, phương thức sản xuất hiện đại, từng bước bước lên vũ đài chính trị và trở thành giai cấp trung tâm có sứ mệnh lịch sử lãnh đạo cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa, xóa bỏ chế độ tư bản chủ nghĩa, xây dựng thành công xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa, mở ra một thời đại mới của xã hội loài người - thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội.



[1] C.Mác và Ph.Ăngghen toàn tập, Tập 23, “Lời tựa viết cho lần xuất bản thứ nhất” cho bộ Tư bản” (1867), Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 1995, tr.21.

[2] C.Mác và Ph.Ăngghen toàn tập, Tập 23, “Lời tựa viết cho lần xuất bản thứ nhất” cho bộ Tư bản” (1867), Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 1995, tr.11.

[3] C.Mác và Ph.Ăngghen toàn tập, Tập 23, “Lời tựa viết cho lần xuất bản thứ nhất” cho bộ Tư bản” (1867), Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 1995, tr.523.

[4] V.I.Lênin toàn tập, Tập 26,“Dưới ngọn cờ của người khác” (1915), Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2005, tr.174.

[5] V.I.Lênin toàn tập, Tập 26, “Dưới ngọn cờ của người khác” (1915), Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2005, tr.174.

[6] V.I.Lênin toàn tập, Tập 26, “Dưới ngọn cờ của người khác” (1915), Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2005, tr.177.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét