Chủ Nhật, 28 tháng 7, 2024

Dấu ấn thời bình

Trung tướng Nguyễn Thanh Tuấn quê ở Quảng Nam nên khí chất ngay thẳng, thấy đúng là bảo vệ, thấy sai là đấu tranh, không nể nang, thỏa hiệp. Cấp trên sớm nhận ra ông có tố chất về chính trị nên luôn cân nhắc bố trí những cương vị “đứng mũi chịu sào”.

Trò chuyện cùng các đồng chí cán bộ, cựu chiến binh TP Đà Nẵng, tôi biết thêm nhiều câu chuyện thú vị, hiểu thêm những việc làm để lại dấu ấn đậm nét của Trung tướng Nguyễn Thanh Tuấn... Cuối năm 1989, ông được cấp trên điều từ Phòng Tuyên huấn Quân khu 5 sang giữ chức Phó chỉ huy trưởng về Chính trị Thành đội Đà Nẵng (Tỉnh đội Quảng Nam-Đà Nẵng). Với nhãn quan chính trị sâu sắc và kinh nghiệm tích lũy từ thực tiễn, đồng chí Nguyễn Thanh Tuấn đã vận dụng sáng tạo, linh hoạt trong quá trình công tác. Thời gian ở Thành đội Đà Nẵng, ông mạnh dạn đề xuất nhiều chủ trương, biện pháp có tính đột phá, chủ động làm trước, góp phần xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện.

Dấu ấn đầu tiên là khi ông đề xuất phương án tổ chức giao ban chính trị viên và chính trị viên phó ở cấp phường. Chuyện là thế này, ngày mới về công tác, qua nắm tình hình, đồng chí Nguyễn Thanh Tuấn nhận thấy mối liên kết giữa cấp phường và Thành đội còn chưa chặt chẽ, thiếu thông tin từ cơ sở. Thế nên, đầu năm 1990, ông đã báo cáo Thành ủy Đà Nẵng đề xuất phương án tổ chức giao ban chính trị viên, chính trị viên phó trên toàn địa bàn, luân phiên định kỳ mỗi tháng một lần. Thành phần tham dự gồm 28 bí thư đảng ủy phường kiêm chính trị viên phường đội, cán bộ lãnh đạo của Thành đội và Phó bí thư Thành ủy Đà Nẵng tham dự với tư cách đại biểu cấp trên. Phương án này được Thành ủy chấp thuận và bắt đầu từ năm 1990, Thành đội tiến hành giao ban chính trị viên và chính trị viên phó. Nhờ vậy, mối quan hệ trên, dưới thông suốt. Theo đó, mọi thông tin từ cơ sở được phản ánh kịp thời, các quy định, chỉ thị, hướng dẫn... của cấp trên được triển khai đồng bộ, chặt chẽ. Thông qua việc giao ban chính trị, sự phối hợp giữa Thành ủy và Thành đội tốt hơn. Hai đơn vị tổ chức được nhiều hoạt động có ý nghĩa, nhất là trong công tác giáo dục, tuyên truyền...

Dấu ấn thứ hai là ông chủ động “kết nối” với Ban Văn hóa-Thông tin TP Đà Nẵng phối hợp cùng Thành đội Đà Nẵng tổ chức chương trình liên hoan văn nghệ với chủ đề: “Hát về chiến sĩ-chiến sĩ hát”, thiết thực chào mừng Ngày hội Quốc phòng toàn dân và tập hợp quần chúng trong dịp lễ Noel. Được UBND thành phố tán thành, chương trình diễn ra trong không khí sôi nổi, thắm tình quân dân. “Sản phẩm đầu tay” do Thiếu tá Nguyễn Thanh Tuấn khởi xướng từ ngày ấy được duy trì cho đến nay và được nhân rộng trong các cơ quan, đơn vị trên địa bàn Quân khu 5 và phạm vi cả nước.

Vốn một thời là lính biển nên tôi biết Đại tá Phan Văn Cúc (nguyên Phó chỉ huy trưởng về Chính trị Vùng 3 Hải quân) có mối quan hệ thân thiết với Trung tướng Nguyễn Thanh Tuấn. Khi tôi tìm đến nhà riêng thì được Đại tá Phan Văn Cúc nhắc lại chuyện cũ: “Ngày anh Nguyễn Thanh Tuấn sang Vùng 3 Hải quân đặt vấn đề cử lực lượng tham gia Chương trình “Hát về chiến sĩ-chiến sĩ hát”, ban đầu tôi còn lưỡng lự. Nhưng sau vài phút trao đổi thông tin về ý tưởng và nội dung, tôi đồng ý ngay. Ngày đó, các đơn vị phối hợp tổ chức được một “sân chơi” thu hút đông đảo quần chúng nhân dân và cán bộ, chiến sĩ đón nhận như vậy là rất ý nghĩa, thiết thực!”.

Dấu ấn thứ ba là khi ông trở thành người đầu tiên đề xuất phương án tổ chức ngày chính trị cơ sở, định kỳ mỗi quý một lần gồm tất cả 28 phường trên địa bàn TP Đà Nẵng. Thành phần tham dự gồm toàn bộ dân quân tự vệ và khu đội do cán bộ được Ban chỉ huy Thành đội phân công chủ trì, bí thư đảng ủy phường dự với tư cách chính trị viên. Với mục đích mở rộng dân chủ ở cơ sở, kịp thời nắm bắt thông tin, nhờ vậy những khúc mắc của cán bộ cơ sở từng bước được tháo gỡ, mối quan hệ đoàn kết trên dưới ngày càng được củng cố.

Dấu ấn thứ tư của đồng chí Nguyễn Thanh Tuấn đối với công tác xây dựng Đảng chính là triển khai thành lập chi bộ quân sự cấp xã (phường). Ông kể: “Ngày mới về nhận công tác, tôi được nghe báo cáo có đồng chí cán bộ phường đội phẩm chất đạo đức tốt, lý lịch trong sạch, năng nổ, nhiệt tình, nhưng chi bộ địa phương nơi cứ trú nhất định không làm thủ tục đề nghị kết nạp Đảng. Thấy có vấn đề, tôi trực tiếp xuống địa bàn tìm hiểu nguyên nhân. Đến nơi, đồng chí bí thư chi bộ khu dân cư trả lời một cách nặng nề, máy móc: “Ông đó sáng mô cũng phì phèo thuốc lá, cà phê. Dân đang nghèo, tiền đâu mà tiêu hoang phí như rứa, kết nạp Đảng răng được!”. Từ câu nói của đồng chí bí thư chi bộ, tôi xuống ngay cơ sở và biết được tình hình đa số đảng viên ở khu dân cư đều lớn tuổi, rất khó tạo nguồn cán bộ cho địa phương. Mặt khác, tôi thấy cấp phường, xã không có tổ chức đảng là một sự khiếm khuyết trong hệ thống lãnh đạo của Đảng ta. Vì vậy, tôi trực tiếp sang Ban Tổ chức Thành ủy Đà Nẵng trao đổi tình hình và đề xuất phối hợp tổ chức thành lập chi bộ quân sự cấp phường. Kiến nghị của tôi được Thành ủy Đà Nẵng chấp thuận và ra quyết định thành lập hai chi bộ quân sự ở phường Hải Châu 2 và Chi bộ Quân sự phường An Hải Tây làm thí điểm. Sau đó một thời gian ngắn, Thành ủy quyết định thành lập thêm chi bộ quân sự ở phường Chính Gián. Đến đầu năm 1990, các chi bộ quân sự chính thức đi vào hoạt động và phát huy tốt hiệu quả...”.

Nói về những dấu ấn của Trung tướng Nguyễn Thanh Tuấn, Trung tướng Tạ Nhân, nguyên Phó chủ nhiệm Thường trực Ủy ban kiểm tra Quân ủy Trung ương, nguyên Chủ nhiệm Chính trị Quân khu 5, tâm sự: “Anh Nguyễn Thanh Tuấn là thủ trưởng cũ của tôi. Anh là người từng trải, từng qua nhiều vị trí công tác. Dù ở cương vị nào, anh cũng đều nhiệt tình và trách nhiệm. Gần anh ấy, tôi học tập từ anh đức tính chân thành, giản dị và ngay thẳng. Những điều anh nói, những việc anh làm đều vì sự thành công của tập thể đơn vị!”. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét