Cơn mưa chiều bất chợt khiến phố biển Đà Nẵng như dịu mát hơn. Trung tướng Nguyễn Thanh Tuấn tiếp tôi trong căn phòng nhỏ trên phố Nguyễn Trác...
Câu chuyện ông kể giúp tôi hiểu sâu hơn về những năm tháng khốc liệt của chiến tranh... Tuổi thơ của ông lớn lên trong nghèo đói và khói lửa đạn bom. Năm 1967, ba, má ông hy sinh. Quyết trả thù nhà, tròn 14 tuổi, Nguyễn Thanh Tuấn đã làm chiến sĩ liên lạc của Tiểu đoàn Đặc công 91 Lam Sơn, có nhiệm vụ chuyển công văn của đơn vị sang Trung đoàn 36 và trinh sát nắm tình hình địch trên địa bàn. Tổ chức biết ông là con liệt sĩ, nhà có 7 người thân hy sinh trong kháng chiến, Mặt trận 44-Quảng Đà không muốn mất một “hạt giống đỏ” nên cho ra Bắc học tập. Thế nhưng ngày ấy ông nhất quyết xin ở lại miền Nam để chiến đấu. Cuối cùng đơn vị đành phải cho ông đi học Trường Đặc công Quân khu 5, rồi giữ lại làm giáo viên đến 3 khóa. Xác định lý tưởng cao đẹp của người thanh niên là trên trận tuyến chống quân thù nên Nguyễn Thanh Tuấn kiên quyết xin được trực tiếp tham gia chiến đấu. Xét thấy nguyện vọng chính đáng nên cấp trên phân công Nguyễn Thanh Tuấn về Hội An (Quảng Nam) nắm tình hình xây dựng lực lượng, một thời gian sau thì chuyển về quận Nhì (Đà Nẵng) tham gia lực lượng biệt động...
Trung tướng Nguyễn Thanh Tuấn nhớ lại: “Trung tuần tháng 8-1973, tôi đang là mũi trưởng biệt động quận Nhì được phân công về hoạt động tại khu vực B1 Hồng Phước. Để thuận tiện cho nhiệm vụ, tôi ở căn hầm bí mật trong khuôn viên nhà bà Phạm Thị Dĩ để chuẩn bị công tác tham gia huấn luyện, xây dựng lực lượng biệt động của quận. Thời kỳ này, xóm Hồng Phước (nay thuộc quận Liên Chiểu) cách trung tâm TP Đà Nẵng khoảng 10km. Địa bàn hoạt động khá thuận lợi bởi 64 hộ dân trong xóm đều là cơ sở cách mạng. Tuy kẻ địch thường xuyên lùng sục, vây ráp nhưng bà con vẫn mưu trí, tranh thủ ban đêm đào được 46 hầm bí mật dưới lòng đất. Điều khiến kẻ thù không ngờ tới là vùng đất ngay sát nách TP Đà Nẵng với dày đặc mật vụ, thám báo, gián điệp lùng sục, thế nhưng bà con vẫn kiên trung nuôi giấu cán bộ, bộ đội, du kích. Đêm đêm bà con vẫn đưa đón hàng trăm cán bộ, chiến sĩ về hoạt động; vận chuyển hàng chục tấn vũ khí, đạn dược, hàng trăm tấn lương thực, hàng hóa và nhiều công văn, tài liệu cách mạng mà không hề bị lộ.
Trầm ngâm giây lát, Trung tướng Nguyễn Thanh Tuấn nhỏ nhẹ: “Ngày xưa chiến tranh khốc liệt, gian khổ là thế, hiểm nguy là vậy, nhưng chúng tôi không hề đơn độc, không hề nao núng tinh thần, bởi có lòng dân đùm bọc, chở che. Hình ảnh ngọn đèn của mẹ Dĩ ở Hồng Phước là một minh chứng sống cho sức mạnh toàn dân đánh giặc. Ở mảnh đất này, nhà mẹ Dĩ và một số mẹ đêm đêm thắp sáng ngọn đèn dầu để chỉ lối cho chúng tôi về hoạt động. Cứ thấy ánh đèn le lói trong đêm là chúng tôi thêm ấm lòng, vững dạ. Đó là tín hiệu báo an toàn, để từ đây sẽ có tin từ nội thành ra, gặp cơ sở để nắm tình hình, huấn luyện cấp tốc kỹ thuật cách đánh cho đội viên biệt động, hướng dẫn những vấn đề cần thiết khác. Có thể nói người dân Hồng Phước và nhiều vùng quê khác trên khắp miền Nam đã làm nên những chiến công thầm lặng, nếu không có lòng dân Hồng Phước, lòng dân miền Nam thì không thể có chiến công của lực lượng biệt động và Quân Giải phóng, làm tiền đề cho ngày giải phóng Đà Nẵng 29-3-1975 và ngày 30-4 lịch sử”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét