Thứ Hai, 8 tháng 7, 2024

Giai cấp công nhân- lực lượng tiên phong của xã hội

 


Khi nghiên cứu về giai cấp công nhân, các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác - Lênin đã dùng nhiều thuật ngữ khác nhau để chỉ giai cấp công nhân như: Giai cấp vô sản, giai cấp lao động làm thuê, giai cấp công nhân. Các ông cũng dùng những thuật ngữ có nội dung hẹp hơn để chỉ các loại công nhân trong các ngành khác nhau: công nhân nông nghiệp, công nhân công nghiệp, công nhân khai khóang… Tuy giai cấp công nhân có nhiều tên gọi khác nhau, nhưng theo C.Mác và Ph.Ăngghen có hai tiêu chí cơ bản để phân biệt người công nhân với những người lao động khác.

Một là, về phương thức lao động: Công nhân là những lao động trực tiếp hay gián tiếp vận hành các công cụ sản xuất có tính chất công nghiệp ngày càng hiện đại và xã hội hóa cao. Trong đó, lực lượng công nhân hiện đại gắn với nền đại công nghiệp là bộ phận cơ bản và là hạt nhân của giai cấp công nhân. C.Mác và Ph.Ăngghen khẳng định: “Các giai cấp khác đều suy tàn và tiêu vong cùng với sự phát triển của đại công nghiệp; còn giai cấp vô sản lại là sản phẩm của bản thân nền đại công nghiệp”[1]; “Công nhân cũng là một phát minh của thời đại mới, giống như máy móc vậy…Công nhân Anh là đứa con đầu lòng của nền công nghiệp hiện đại”[2].

Hai là, về vị trí trong quan hệ sản xuất. Dưới chủ nghĩa tư bản, công nhân là những người lao động không có tư liệu sản xuất, phải làm thuê, bán sức lao động cho nhà tư bản và bị nhà tư bản bóc lột giá trị thặng dư. C.Mác và Ph.Ăngghen chỉ rõ: “Giai cấp tư sản, tức tư bản, mà lớn lên thì giai cấp vô sản, giai cấp công nhân hiện đại - tức là giai cấp chỉ có thể sống với điều kiện là kiếm được việc làm, và chỉ kiếm được việc làm, nếu lao động của họ làm tăng thêm tư bản - cũng phát triển theo. Những công nhân ấy, buộc phải tự bán mình để kiếm ăn từng bữa một, là một hàng hóa, tức là một món hàng đem bán như bất cứ một món hàng nào khác, vì thế, họ phải chịu hết mọi sự may rủi của cạnh tranh, mọi sự lên xuống của thị trường”[3]. Tiêu chí này phản ánh đặc trưng cơ bản của người công nhân dưới chế độ tư bản chủ nghĩa, khiến cho những người công nhân trở thành giai cấp đối kháng trực tiếp với giai cấp tư sản.

Dưới chủ nghĩa xã hội, giai cấp công nhân trở thành giai cấp cầm quyền và lãnh đạo công cuộc cải tạo xã hội cũ, xây dựng xã hội mới, cùng toàn thể nhân dân lao động làm chủ những tư liệu sản xuất chủ yếu. Tuy nhiên, trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội vẫn còn một bộ phận công nhân làm thuê trong các doanh nghiệp tư bản tư nhân, họ vẫn bị bóc lột nhưng địa vị xã hội của họ đã hoàn toàn khác người công nhân làm thuê dưới chế độ tư bản chủ nghĩa.

Từ hai tiêu chí trên đi đến khái niệm: Giai cấp công nhân là một tập đoàn xã hội ổn định, hình thành và phát triển cùng với quá trình phát triển của nền công nghiệp hiện đại, với nhịp độ phát triển của lực lượng sản xuất có tính chất xã hội hóa ngày càng cao; là lực lượng sản xuất cơ bản tiên tiến, trực tiếp hoặc tham gia vào quá trình sản xuất, tái sản xuất ra của cải vật chất và cải tạo các mối quan hệ xã hội; là lực lượng chủ yếu của tiến trình lịch sử quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản trên phạm vi toàn thế giới.


[1] C.Mác và Ph.Ăngghen toàn tập, Tập 4, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 1995, tr.610.

[2] C.Mác và Ph.Ăngghen toàn tập, Tập 12, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 1995, tr.11.

[3] C.Mác và Ph.Ăngghen toàn tập, Tập 4, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 1995, tr.605.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét