Thứ Hai, 8 tháng 7, 2024

Giai cấp công nhân Việt Nam sớm trở thành lực lượng chính trị độc lập, thống nhất lợi ích giai cấp, dân tộc và nhân dân lao động

 


Giai cấp công nhân sớm được trang bị chủ nghĩa Mác - Lênin - một vũ khí tinh thần mác xít, cùng với truyền thống đấu tranh bất khuất, kiên cường của dân tộc, trở thành nền tảng tinh thần cho toàn giai cấp.

Ngay từ khi mới ra đời và phát triển, họ được soi sáng bởi Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 - một cuộc cách mạng điển hình, triệt để, do giai cấp vô sản lãnh đạo, thông qua đội tiền phong là Đảng Bônsêvích Nga, mở ra một thời đại mới, thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội trên phạm vi toàn thế giới. Cách mạng Tháng Mười đã giác ngộ, cổ vũ giai cấp công nhân Việt Nam hình thành ý thức giai cấp, tính tổ chức, tính kỷ luật và tinh thần cách mạng triệt để.

Giai cấp công nhân Việt Nam đã sớm tổ chức ra chính đảng tiền phong của mình là Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930), đánh dấu bước ngoặt của cách mạng Việt Nam. Từ đây, họ đã đứng lên vũ đài chính trị, lãnh đạo dân tộc đánh tan hai đế quốc to là Pháp và Mỹ giành lại độc lập dân tộc, từng bước xây dựng Việt Nam trở thành một quốc gia ngày càng giàu mạnh. Do ra đời trong hoàn cảnh đầu thế kỷ XX khi Quốc tế II bị phá sản nên giai cấp công nhân Việt Nam không chịu ảnh hưởng chủ nghĩa cơ hội trong Đảng và trong phong trào công nhân. Sự trưởng thành của giai cấp công nhân gắn liền với công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Trên hành trình tìm đường cứu nước, Nguyễn Ái Quốc đã tiếp thu lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin và truyền bá vào Việt Nam, trong đó có giai cấp công nhân Việt Nam làm cho họ chuyển biến về ý thức, tư tưởng, từ đấu tranh một cách tự phát thành đấu tranh tự giác; từ giai cấp “tự mình”, phát triển thành giai cấp “cho mình”. C.Mác đã viết: “Trong cuộc đấu tranh... quần chúng ấy tập hợp nhau lại, tự hợp thành “giai cấp vì nó”. Những lợi ích mà nó bảo vệ, trở thành những lợi ích giai cấp. Mà cuộc đấu tranh giữa giai cấp với giai cấp là cuộc đấu tranh chính trị”[1]. Tức là, chỉ khi nào công nhân nhận thức được yêu cầu phải đấu tranh để bảo vệ lợi ích giai cấp, giai cấp công nhân mới trở thành “giai cấp cho mình”. Đặc biệt, Nguyễn Ái Quốc đã trực tiếp chỉ đạo hợp nhất ba tổ chức cộng sản đảng, thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam - đội tiền phong của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc.



[1] C.Mác và Ph.Ăngghen toàn tập, Tập 4, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.256.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét