Thứ Tư, 31 tháng 7, 2024

Giải quyết tốt mối quan hệ hiện nay.

 


Thứ nhất, Thực tiễn công cuộc đổi mới đang đặt ra việc giải quyết mối quan hệ giữa đổi mới, ổn định và phát triển. Đổi mới là tất yếu song không để xảy ra mất ổn định; đổi mới trong sự ổn định để phát triển đất nước. Ba phạm trù này luôn luôn tác động qua lại lẫn nhau cần phải quán triệt đầy đủ sâu sắc và giải quyết trên tất cả các lĩnh vực, trong hệ thống chính trị các cấp, từ Trung ương đến cơ sở.

Thứ hai, giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị. Đây là mối quan hệ giữa hai lĩnh vực then chốt nhất của sự phát triển đất nước. Đổi mới kinh tế luôn luôn được coi trọng nhưng không thể không đổi mới chính trị (hiểu chính trị theo nghĩa rộng nhất của nó). Mặt khác lại phải giải quyết mối quan hệ này trên cơ sở khoa học - thực tiễn. Tránh những quan điểm tả khuynh hoặc cực đoan trong đổi mới kinh tế lẫn chính trị. Đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị phải được nhận thức, cụ thể hóa một cách phù hợp, thường xuyên và lâu dài.

Thứ ba, giữa tuân thủ các quy luật thị trường và bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa. Quan điểm này của Đảng thể hiện nhất quán chủ trương: Việt Nam quyết tâm chuyển đổi sang cơ chế thị trường, vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của kinh tế thị trường song không chấp nhận phát triển kinh tế thị trường bằng mọi giá, mà sự phát triển kinh tế thị trường phải hướng tới mục tiêu phục vụ con người, nâng cao chất lượng sống của con người cả về vật chất và tinh thần - tức là mục tiêu của chủ nghĩa xã hội.

Thứ tư, giữa phát triển lực lượng sản xuất và xây dựng, hoàn thiện từng bước quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa. Trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường, đa dạng hóa các hình thức sở hữu, công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam phải coi trọng phát triển lực lượng sản xuất mới, hiện đại đồng thời phải tính đến từng bước phát triển quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa tiến bộ, phù hợp tương ứng với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất.

Thứ năm, giữa Nhà nước, thị trường và xã hội. Đây là mối quan hệ mới so với Đại hội XI. Trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội, Đảng khẳng định trong nền kinh tế thị trường, kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế…; thị trường đóng vai trò chủ yếu trong huy động và phân bổ có hiệu quả các nguồn lực phát triển, là động lực chủ yếu để giải phóng sức sản xuất; các nguồn lực nhà nước được phân bổ theo chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phù hợp với cơ chế thị trường. Nhà nước đóng vai trò định hướng, xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, minh bạch và lành mạnh; sử dụng các công cụ, chính sách và các nguồn lực của Nhà nước để định hướng và điều tiết nền kinh tế, thúc đẩy sản xuất kinh doanh và bảo vệ môi trường…

Thứ sáu, giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, bảo vệ môi trường. Trong phương châm phát triển, Việt Nam chủ trương phát triển đồng bộ các lĩnh vực. Tăng trưởng kinh tế trong xã hội xã hội chủ nghĩa phải đặt trong mối quan hệ phát triển hài hòa các lĩnh vực văn hóa, xã hội, đảm bảo tiến bộ và công bằng xã hội. Điều đó mới thể hiện đúng bản chất ưu việt của xã hội xã hội chủ nghĩa mà Việt Nam phấn đấu xây dựng, do vậy các cấp, các ngành, các địa phương phải quán triệt và giải quyết tốt đúng đắn mối quan hệ này để đảm bảo phát triển nhanh và bền vững.

Thứ bảy, giữa xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Trong điều kiện mở rộng hội nhập quốc tế và những diễn biến phức tạp trong quan hệ quốc tế, nhất là các tranh chấp chủ quyền biển, đảo đã và đang đặt ra vấn đề phải giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Giải quyết mối quan hệ này không chỉ dừng lại ở nhận thức mà còn phải hiện thực hóa các phương châm chiến lược, cụ thể hóa trong các chính sách, chương trình quốc gia, bảo đảm các điều kiện để xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.

 Thứ tám, giữa độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế. Xu thế tăng cường hội nhập quốc tế là xu thế chung đang lôi cuốn hầu hết quốc gia trên thế giới tham gia. Song, quá trình hội nhập quốc tế cũng đặt ra nhiều khó khăn, thách thức cho Việt Nam. Vì vậy để đảm bảo vững chắc cho công cuộc đổi mới, phát triển đất nước, Việt Nam phải thường xuyên giải quyết quan hệ giữa độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế. Tích cực, chủ động hội nhập quốc tế gắn với giữ vững độc lập, tự chủ trong xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.

           Thứ chín, giữa Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ. Công cuộc đổi mới đã cho Đảng những nhận thức mới về dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Để mở rộng dân chủ, thực thi các quyền dân chủ của công dân thì phải giải quyết tốt các quan hệ Đảng lãnh đạo - Nhà nước quản lý - Nhân dân làm chủ. Trong đó Đảng lãnh đạo là để Nhà nước phát huy vai trò quản lý và để Nhân dân tham gia tích cực vào quản lý các lĩnh vực của đời sống xã hội. Mối quan hệ này phải được thể chế thành pháp luật để cụ thể hóa các chức năng, nhiệm vụ của các thành viên trong hệ thống chính trị xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.

Thứ mười, giữa thực hành dân chủ và tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội. Mối quan hệ giữa thực hành dân chủ và tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội giữ vị trí quan trọng trong hệ thống 10 mối quan hệ lớn. Mặc dù, quan hệ giữa thực hành dân chủ và tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội mới được bổ sung, nhưng là quan hệ nền tảng, căn cốt để thực hiện các quan hệ lớn khác.

Thực hành dân chủ chính là việc thực hiện cơ chế, chính sách, quy định, nguyên tắc của Đảng, Nhà nước để bảo đảm nhân dân thực hiện được quyền làm chủ trên thực tế. Xét đến cùng, các mối quan hệ lớn còn lại không thể được thực hiện nếu như mối quan hệ giữa thực hành dân chủ và tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội không được nhận thức và giải quyết tốt. Bởi lẽ, nếu thực hành dân chủ mà không có pháp chế (những chế định cụ thể hóa bằng pháp luật, bảo đảm tôn ti trật tự của pháp luật), thì xã hội sẽ mất ổn định. Có thể hiểu kỷ cương xã hội là những phép tắc làm nên trật tự xã hội. Ở đây có phép tắc về pháp luật, phép tắc về văn hóa, phép tắc về đạo đức,... để vừa điều chỉnh, vừa giám sát xã hội đối với hoạt động của tổ chức, cá nhân. Nếu kỷ cương xã hội không bảo đảm, thì mỗi cá nhân và toàn thể xã hội không thể phát triển. Vì vậy, phải tăng cường, bảo đảm kỷ cương xã hội để mọi thành viên, mọi tổ chức trong xã hội đều tuân thủ Hiến pháp và pháp luật.

Đây là sự phát triển nhận thức lý luận rất quan trọng của Đảng vì một mặt, nếu xử lý tốt các mối quan hệ này trong quá trình đổi mới thì nó sẽ góp phần khơi thông những “điểm nghẽn”, những rào cản và tạo động lực thúc đẩy và huy động mọi nguồn lực cho phát triển đất nước.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét