Huyện Mèo Vạc (Hà Giang) là một trong những huyện nghèo của cả nước, nơi đây có 17 dân tộc cùng sinh sống, trong đó đồng bào Mông chiếm 78% dân số. Là địa phương có điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, địa hình phức tạp, giao thông đi lại khó khăn, thiếu đất sản xuất, thiếu nước sinh hoạt... nên đời sống của người dân còn nhiều khó khăn. Trước thực trạng đó, để nâng cao đời sống người dân, ngoài những chính sách hỗ trợ của Nhà nước, huyện Mèo Vạc đã triển khai phong trào cán bộ, đảng viên đi đầu giúp đỡ các hộ nghèo cũng như phát triển kinh tế một cách hiệu quả, thực chất.

Phong trào đảng viên giúp đỡ hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Mèo Vạc bắt đầu từ năm 2014, khi triển khai Kế hoạch số 127-KH/HU của Ban Thường vụ Huyện ủy về việc thực hiện giúp đỡ hộ nghèo thoát nghèo, phân công cho từng cơ quan, đơn vị, cán bộ công chức, viên chức, đảng viên giúp đỡ, theo dõi trực tiếp từ 1 hộ nghèo trở lên. Theo đó, để phong trào “đỡ đầu” hộ nghèo đạt hiệu quả cao, thiết thực, bền vững thì tất cả các cấp, cơ quan, ban, ngành của huyện đều thực hiện quy trình giúp đỡ hộ nghèo bài bản, cụ thể từ khâu khảo sát đến trao vốn, theo dõi quá trình sản xuất, làm ăn của từng hộ.

Cùng với đó, cán bộ, đảng viên đến từng hộ để khảo sát thực tế nhu cầu của các hộ nghèo để có phương hướng giúp đỡ thiết thực. Đến nay, tại huyện Mèo Vạc đã có hơn 6.000 hộ dân thoát nghèo nhờ phong trào cán bộ, đảng viên giúp đỡ hộ nghèo. Gia đình anh Châu Văn Bình, người dân tộc Mông, ở thôn Nà Tiềng, xã Niêm Sơn, từ một hộ nghèo trước đây, nhờ được sự giúp đỡ của cán bộ xã, bí thư chi bộ thôn, cùng sự nỗ lực, cố gắng vươn lên của bản thân mà giờ đây cuộc sống gia đình anh đã thay đổi rất nhiều. Anh Bình cho biết: “Đồng chí Hoàng Thế Diện, Bí thư chi bộ thôn đã hướng dẫn gia đình tôi vay vốn ngân hàng chính sách xã hội để mua trâu, lợn sinh sản, thường xuyên đến hướng dẫn gia đình cách chăn nuôi. Nhờ đó, mỗi năm gia đình tôi có thu nhập 50-60 triệu đồng và đến nay đã thoát nghèo”.

Không chỉ gia đình anh Châu Văn Bình, ở Mèo Vạc còn có rất nhiều gia đình được hưởng lợi từ phong trào cán bộ, đảng viên giúp đỡ hộ nghèo. Theo đồng chí Hồng Mí Sinh, Phó chủ tịch UBND huyện Mèo Vạc, ngoài việc tuyên truyền về các chính sách của Đảng và Nhà nước, cán bộ, đảng viên được giao nhiệm vụ còn phải giúp đỡ người dân về cách thức làm ăn để các hộ dân biết cách phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu. Nhờ thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó có chính sách phân công cán bộ, đảng viên giúp đỡ hộ nghèo nên tính đến hết năm 2023, tổng số hộ nghèo toàn huyện là 9.035 hộ, giảm 1.171 hộ so với năm 2022, vượt 6,7% kế hoạch đề ra.