Mường Lát là huyện nghèo vùng cao biên giới của tỉnh Thanh Hóa với khoảng 90% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), đời sống người dân rất khó khăn và lạc hậu.
Những năm qua, cùng với chính sách của Đảng, Nhà nước, sự nỗ lực của chính quyền địa phương và người dân trong triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, đồng thời thực hiện nhiều chính sách dân tộc thiết thực, hiệu quả đã giúp Mường Lát từng bước vươn lên thoát nghèo.
Huyện Mường Lát có tổng diện tích đất hơn 81.200ha, trong đó, đất quy hoạch 3 loại rừng (rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, rừng sản xuất) là gần 75.000ha, do vậy, đất sản xuất có nhiều hạn chế, người dân có tâm lý trông chờ, ỷ lại. Theo đồng chí Hoàng Văn Dũng, Phó chủ tịch UBND huyện Mường Lát, thực hiện các chính sách về phát triển kinh tế-xã hội, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa đã ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 29-9-2022 về xây dựng và phát triển huyện Mường Lát đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, qua đó tạo cơ sở để Mường Lát vươn lên. Ngay sau đó, huyện đã tập trung chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ, cả hệ thống chính trị vào cuộc để tuyên truyền, vận động bà con thực hiện các chính sách ưu tiên phát triển nông-lâm nghiệp, phát triển chăn nuôi. Huyện cũng xác định phát triển lúa nếp Cay Nọi-một loại lúa nếp đặc sản, cũng là sản phẩm OCOP 3 sao-trở thành sản phẩm đặc trưng của địa phương.
Đến nay, toàn huyện có khoảng 800ha trồng lúa nước, trong đó có 600ha trồng lúa nếp Cay Nọi. Đây là giống lúa nếp được trồng nhiều nhất ở xã Quang Chiểu, mặc dù mỗi năm chỉ trồng được một vụ, thời gian gieo trồng khá dài (khoảng 5 tháng) nhưng lúa cho năng suất cao. Đồng chí Hà Văn Hoàn, Bí thư Đảng ủy xã Quang Chiểu cho biết: “Lúa nếp Cay Nọi là giống lúa đặc trưng của địa phương, giá trị giống lúa này cao hơn so với các loại lúa khác, nhờ đó đã nâng cao thu nhập cho người dân. Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng nghiên cứu, sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP gắn với liên kết, bao tiêu sản phẩm, từ đó góp phần nâng cao chất lượng, thương hiệu cho lúa nếp Cay Nọi, mở ra cơ hội thoát nghèo cho nhiều hộ dân”.
Để giúp bà con thoát nghèo, huyện Mường Lát cũng xác định vấn đề quan trọng nhất là thay đổi tư duy, nhận thức, nếp nghĩ, cách làm của bà con. Giờ đây, đa số người dân không còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước mà mỗi người dân đã tự lực vươn lên phát triển kinh tế. Như gia đình ông Hà Văn Kim ở bản Xim, xã Quang Chiểu trước đây rất khó khăn, nhưng nhờ sự tuyên truyền, hướng dẫn của chính quyền địa phương, ông đã triển khai mô hình kinh tế trang trại để tăng thêm thu nhập. Ban đầu chỉ là nuôi vài con gà, con vịt, giờ đây, ông đã có đàn gia cầm hàng trăm con, 6-7 con bò và trồng nhiều loại cây có giá trị. Ông Kim cho biết: “Nhờ phát triển mô hình trang trại đã giúp gia đình tôi có thu nhập khoảng 50 triệu đồng/năm. Mong ước lớn nhất của tôi là có thể tiếp tục mở rộng hơn nữa diện tích đồi trống, tạo thành những thửa ruộng bậc thang để trồng lúa”.
Nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị trong việc xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới mà tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện Mường Lát giảm theo từng năm. Tính đến hết năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo ở Mường Lát còn khoảng 39% (giảm 16,8% so với năm 2021), trong đó, thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 25 triệu đồng/năm. Sản xuất công nghiệp, xây dựng cơ bản và dịch vụ thương mại trên địa bàn từng bước phát triển; kết cấu hạ tầng như điện, đường, trường, trạm, nhà văn hóa... được quan tâm đầu tư. Cùng với đó là dịch vụ thương mại cũng phát triển đa dạng, phong phú, đáp ứng nhu cầu sản xuất và đời sống sinh hoạt của người dân.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét