Xác định vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi còn nhiều khó khăn, trình độ dân trí không đồng đều, nhận thức về chính trị, pháp luật của bà con còn hạn chế, thời gian qua, các ngành chức năng huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên luôn chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho đồng bào DTTS, từ đó giúp bà con nâng cao nhận thức, góp phần bảo vệ, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.
Là huyện miền núi của tỉnh Thái Nguyên, Võ Nhai có hơn 70% đồng bào DTTS sinh sống. Tại nhiều vùng đồng bào DTTS còn tồn tại một số hủ tục, tình trạng bạo lực gia đình hay các hoạt động phá rừng, thậm chí một số người bị các đối tượng xấu lợi dụng, lôi kéo, dụ dỗ tham gia vào các hoạt động vi phạm pháp luật.
Chính vì vậy, để nâng cao kiến thức pháp luật cho người dân, huyện Võ Nhai đã phối hợp với Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Thái Nguyên và cơ quan chuyên môn thường xuyên tổ chức các hội nghị tuyên truyền pháp luật tại các xóm, xã trên địa bàn huyện.
Xác định để giáo dục, nâng cao kiến thức pháp luật cho người dân thì việc đi sâu, đi sát, nắm địa bàn cơ sở là rất quan trọng, ngoài tổ chức họp thôn, bản, các cơ quan, ban, ngành huyện Võ Nhai còn kết hợp với những người uy tín trong cộng đồng tới tận các hộ gia đình để tuyên truyền, vận động bà con chấp hành nghiêm quy định của pháp luật, chung tay tham gia bảo vệ an ninh trật tự
Cùng với đó, mỗi khi có văn bản pháp luật mới, Trung tâm Văn hóa, Thể thao-Truyền thông huyện phối hợp với Phòng Tư pháp hoặc lực lượng chức năng liên quan tổ chức triển khai tuyên truyền trực tiếp hoặc thông qua hệ thống loa truyền thanh. Cách làm này đã mang lại hiệu quả tích cực khi bà con ở những vùng sâu, vùng xa vẫn được tiếp cận, lắng nghe các kiến thức tuyên truyền về pháp luật theo từng chủ đề.
Xóm Khuổi Mèo, xã Sảng Mộc là một trong những xóm người Mông khó khăn nhất của huyện Võ Nhai. Với người Mông, hủ tục tảo hôn vẫn còn tồn tại trong cộng đồng. Vì thế, để bà con, đặc biệt là phụ nữ hiểu hơn về những hệ lụy mà tảo hôn gây ra, các cán bộ Phòng Tư pháp huyện và chính quyền xã đã chuẩn bị rất nhiều tờ rơi để phát cho người dân, cũng như giải thích việc làm này là hành vi trái pháp luật.
Đồng chí Hoàng Văn Thảo, Phó trưởng phòng Tư pháp huyện Võ Nhai cho biết: “Thông qua các hình thức tuyên truyền, giáo dục pháp luật tại các xóm, bản, tổ dân cư đã giúp bà con chấp hành tốt hơn những quy định của pháp luật, hạn chế những vụ việc vi phạm pháp luật mà trước đây bà con không nắm rõ”.
Đặc biệt, để đa dạng hình thức phổ biến pháp luật cho người dân, huyện Võ Nhai đã áp dụng việc chuyển đổi số vào tuyên truyền, từ đó mang lại hiệu quả tích cực. Trong đó, huyện đã xây dựng trang điện tử “Toàn dân Podcast”, trung bình mỗi tuần ra một bản tin về pháp luật, trong đó có số còn phát sóng bằng tiếng DTTS để bà con dễ hiểu, dễ nắm bắt hơn. Nội dung chủ yếu của các bản tin là tuyên truyền chính sách, pháp luật của Nhà nước cũng như thủ đoạn của các loại tội phạm để người dân nắm bắt.
Trước đây, thực hiện chủ trương “4 cùng” với đồng bào, chủ yếu đội ngũ cán bộ ở Võ Nhai mới thực hiện được “3 cùng” (cùng ăn, cùng ở, cùng làm), còn cùng nói tiếng đồng bào dân tộc thì hạn chế, vì ít cán bộ biết tiếng các dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, việc xây dựng thành công kênh tuyên truyền “Toàn dân Podcast” đã giúp đội ngũ cán bộ phần nào thực hiện được “4 cùng” với đồng bào. Bởi chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh có kết nối internet thì người dân trên địa bàn huyện Võ Nhai đều có thể nghe và hiểu về những chính sách, pháp luật hiện nay.
Có thể thấy, việc phổ biến, giáo dục, nâng cao kiến thức pháp luật cho đồng bào DTTS ở Võ Nhai có ý nghĩa quan trọng để thực thi hiệu quả chính sách dân tộc, từ đó không chỉ nâng cao trình độ, nhận thức của người dân mà còn góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét