Thứ Tư, 31 tháng 7, 2024

Khái niệm nền dân chủ xã hội chủ nghĩa

 


Nền dân chủ xã hội chủ nghĩa là hình thức chính trị của xã hội, trong đó toàn bộ những thể chế, thiết chế, cơ chế, quy chế được thể chế hóa thành luật pháp, thể hiện và bảo đảm quyền lực thực sự thuộc về nhân dân trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Đó là một hệ thống các tổ chức, nguyên tắc hoạt động và cơ chế vận hành, dựa trên pháp luật của nhà nước xã hội chủ nghĩa, đặt dưới sự lãnh đạo của đảng cộng sản, bảo đảm quyền lực thực tế thuộc về nhân dân trên mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội.

Cấu trúc của nền dân chủ xã hội chủ nghĩa gồm 3 thành tố cơ bản: Một là, chủ thể quyền lực, là toàn thể nhân dân, trước hết là giai cấp công nhân và nhân dân lao động. Hai là, hệ thống tổ chức, thiết chế chính trị lãnh đạo, quản lý và đại diện cho nhân dân, như đảng cộng sản, nhà nước xã hội chủ nghĩa và các tổ chức chính trị - xã hội. Ba là, hệ thống cơ chế, công cụ, phương tiện để thực hành dân chủ, bảo đảm sự thống nhất giữa quan hệ trao quyền lực và nhận quyền lực; giữa thực thi quyền lực với giám sát thực thi quyền lực.

Thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và các cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa khác đã đưa giai cấp công nhân và quần chúng lao động từ địa vị những người nô lệ bị bóc lột và áp bức lên địa vị những người chủ của xã hội. Với sự xuất hiện nhà nước xã hội chủ nghĩa đầu tiên trên thế giới - Nhà nước Xô viết, xây dựng nền dân chủ phục vụ lợi ích cho đa số nhân dân lao động - nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ra đời.

Việc thiết lập chính quyền nhà nước của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, đảng cộng sản khẳng định trong thực tế vai trò lãnh đạo nhà nước và xây dựng xã hội mới - xã hội xã hội chủ nghĩa là những tiền đề, nguyên tắc dẫn tới xác lập nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, một nền dân chủ mới về chất, cao hơn so với nền dân chủ tư sản và các nền dân chủ trước đó. Theo V.I.Lênin: “Xô-viết tựu trung là một hình thức và một kiểu chế độ dân chủ vô cùng cao hơn, chính là vì do chỗ nó tập hợp được quần chúng công nông và lôi cuốn họ tham gia sinh hoạt chính trị, nên nó là cơ quan gần “nhân dân” nhất”[1]. Dân chủ xã hội chủ nghĩa xuất hiện trong thắng lợi của cách mạng chính trị giành chính quyền về tay giai cấp công nhân, nhân dân lao động, gắn liền với sự ra đời của nhà nước kiểu mới - nhà nước xã hội chủ nghĩa. Nền dân chủ này có một quá trình phát triển và hoàn thiện cùng với quá trình lịch sử đấu tranh lâu dài mà giai cấp công nhân, nhân dân lao động dựa trên nhà nước của mình để xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội.



[1] V.I.Lênin toàn tập, Tập 37, “Cách mạng vô sản và tên phản bội Cau-xky” (1918), Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2005, tr.383.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét