Thứ Tư, 31 tháng 7, 2024

Quan niệm nền dân chủ

 


Trong các nghiên cứu khoa học ở nước ta về vấn đề dân chủ, nền dân chủ hay chế độ dân chủ là hai khái niệm không đồng nhất, nhưng có cùng bản chất, tùy theo từng trường hợp cụ thể có thể sử dụng thay thế cho phù hợp.

Chế độ dân chủ, là khái niệm dùng để chỉ thiết chế xã hội nhằm thực hiện quyền lực của nhân dân; còn khái niệm nền dân chủ phản ánh trạng thái dân chủ trong tính chỉnh thể với hệ thống các thiết chế dân chủ được xác lập và thực thi trong hiện thực từ kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội theo mục tiêu thực hiện quyền lực và bảo đảm lợi ích của giai cấp cầm quyền.

Theo đó, nền dân chủ là khái niệm phản ánh chỉnh thể xã hội được tổ chức, vận hành theo các nguyên tắc, yêu cầu và chuẩn mực xã hội nhằm thực thi quyền lực, bảo đảm lợi ích của giai cấp cầm quyền, xã hội và cá nhân.

Với tư cách là một chỉnh thể xã hội hoàn chỉnh, nền dân chủ là một phạm trù lịch sử, vì nó có sự ra đời, tồn tại và phát triển trong một giai đoạn nhất định và sẽ mất đi khi trong xã hội không còn giai cấp. Tính lịch sử của nền dân chủ còn thể hiện qua quá trình hình thành, phát triển, vận động từ chỗ chưa có dân chủ đến có dân chủ, đến tồn tại, phát triển và tiêu vong. Chủ nghĩa Mác - Lênin nêu rõ quá trình phát triển của dân chủ là: “từ chuyên chế đến dân chủ tư sản; từ dân chủ tư sản đến dân chủ vô sản; từ dân chủ vô sản đến không còn dân chủ nữa”[1]. Do vậy, hình thức của các nền dân chủ là đa dạng, vì chính thể của mỗi quốc gia không chỉ chịu sự chi phối của thể chế chính trị mà còn chịu sự kiềm chế của các điều kiện thực tế của các chính thể khác nhau. Không có mô hình dân chủ và chế độ chính trị chung cho mọi quốc gia, dân tộc.

Xét về cấu trúc, nền dân chủ được cấu thành bởi nhiều yếu tố, bộ phận, cả khía cạnh vật chất, tinh thần, yếu tố kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa, pháp luật dân chủ; yếu tố thể chế và thiết chế dân chủ; cơ chế, nguyên tắc và các giá trị, chuẩn mực dân chủ... Trong xã hội có giai cấp, nền dân chủ là một chỉnh thể hiện thực trong đó có chế độ chính trị, nhà nước, pháp luật dân chủ; sự làm chủ và chi phối giá trị dân chủ của giai cấp thống trị; sự đấu tranh, vươn lên không ngừng của nhân dân lao động chống lại các biểu hiện phản tiến bộ, phi dân chủ; sự tồn tại, hoạt động tự chủ, tự quản của các tổ chức chính trị - xã hội; sự hiện hữu của các nguyên tắc, giá trị, chuẩn mực dân chủ phản ánh trạng thái, mức độ giải phóng con người.



[1] V.I.Lênin toàn tập, Tập 33, “Nhà nước và cách mạng” (1918), Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2005, tr.206.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét