Thứ Tư, 10 tháng 7, 2024

Nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống diễn biến hòa bình trên không gian mạng

     Không gian mạng là “môi trường đặc biệt”, nơi kết nối, chia sẻ thông tin toàn cầu, mang lại lợi ích, mặt tích cực trong nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, nhưng cũng có nhiều mối nguy hại đan xen. Việc người dùng có thể tự do đăng tải, chia sẻ thông tin không giới hạn lên không gian mạng khiến nơi đây đã, đang trở thành mảnh đất “màu mỡ” để các thế lực thù địch lợi dụng, tuyên truyền chống phá sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Vì vậy, nghiên cứu, đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả đấu tranh chống “diễn biến hòa bình” trên không gian mạng cần được đẩy mạnh cả về lý luận và thực tiễn.

Thực chất chiến lược “Diễn biến hòa bình” mà các thế lực thù địch đang ráo riết đẩy mạnh ở Việt Nam là nhằm phá hoại Đảng, Nhà nước, tiến tới lật đổ chế độ chính trị ở nước ta. Đó là tổng hợp các hoạt động nhằm lôi kéo, dẫn dắt tư tưởng, hành động của quần chúng nhân dân, nhất là lớp trẻ; làm cho họ chạy theo những ham muốn tầm thường, xa rời lý tưởng cách mạng và bị sai khiến; làm cho nội bộ ta “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Và một trong những thủ đoạn mà chúng thường sử dụng là lợi dụng không gian mạng để đăng tải các bài viết, hình ảnh, video,... mang nội dung xuyên tạc, kích động có chủ đích.

Theo khuyến cáo của lực lượng chức năng, các thông tin xấu độc được phát tán với nhiều thủ đoạn tinh vi khác nhau, nhất là trên các trang mạng lớn như Google, Facebook, kênh Youtube... làm công cụ phát tán thông tin xuyên tạc, bịa đặt. Để thu hút người truy cập, trong giai đoạn đầu tiên, những phần tử quản trị các trang web, các diễn đàn này rất nỗ lực tổng hợp tin tức từ các nguồn báo chí chính thống và các nguồn tin từ nước ngoài khách quan.

Khi đã thu hút một lượng công chúng truy cập thường xuyên, chúng cài dần các thông tin xấu độc, theo tỷ lệ tăng dần cả về số lượng và mức độ bịa đặt, bóp méo sự thật. Luận điệu phản động, sai trái cũng sẽ tăng dần. Chính vì thế, nhiều người truy cập mạng, rất dễ dàng “mắc mưu” của các thế lực thù địch và phản động, bị dẫn dắt và bị động trong việc tiếp nhận thông tin xấu độc trên các trang mạng và các diễn đàn đã nêu trên.

Qua quan sát thói quen sử dụng Internet của nhiều người, chúng ta không khó để nhận thấy không ít người đã và đang bị mạng xã hội “dẫn dắt” một cách thái quá, dẫn đến sự “tha hóa”, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” - thường xuyên có cái nhìn tiêu cực và quy mọi vấn đề, sự kiện, hiện tượng xã hội thành “màu xám”.

Thời gian qua, công tác đấu tranh phòng, chống “diễn biến hòa bình” trên không gian mạng của huyện đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Cấp uỷ, tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên đã quán triệt và thực hiện nghiêm các quy định về sử dụng công nghệ thông tin, bảo đảm an toàn thông tin trong cơ quan, đơn vị. Cán bộ, đảng viên đã nhận thức rõ được những âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” trên không gian mạng của các thế lực thù địch, cơ hội chính trị; tổ chức lực lượng, tiến hành đa dạng bằng nhiều nội dung, hình thức đấu tranh đạt hiệu quả khá cao. Công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái thù địch được quan tâm triển khai, từng bước nâng cao hiệu quả.

 Thực tế cho thấy, những năm gần đây, các bài viết tuyên truyền, chống phá sự nghiệp cách mạng Việt Nam trên không gian mạng rất nhiều. Theo thống kê của Ban Chỉ đạo 35 Quân ủy Trung ương, trong 06 tháng đầu năm 2023, mỗi tháng có hàng chục nghìn bài viết tiêu cực, xuyên tạc, bịa đặt trên không gian mạng, thu hút hàng chục triệu lượt bình luận, chia sẻ với tỷ lệ bình luận tiêu cực rất cao. Khi tìm kiếm trên mạng những vấn đề nóng, nhạy cảm đang được xã hội quan tâm sẽ cho hàng triệu kết quả. Trong đó, trên 05 trang đầu tiên luôn có hàng chục bài viết tiêu cực từ các trang mạng VOA, BBC, RFA, RFI, Báo Tiếng dân, v.v. Các bài tiêu cực tồn tại rất nhiều trên các website, YouTube, Facebook, Instagram,… do được đăng tải từ nhiều tài khoản; đăng tải nhắc lại không hạn chế ở các thời điểm khác nhau; nội dung chống phá rất linh hoạt, tiếp cận từ nhiều góc độ, không cần tiêu đề rõ ràng, mang tính ám chỉ việc xấu, hoặc chỉ nêu những bất bình trong cuộc sống…; từ đó, đặt câu hỏi, khêu gợi tư tưởng tiêu cực cho người đọc, người nghe, nên tốc độ phát tán và tương tác rất cao.

 Nhận thức rõ điều đó, những năm qua, Đảng, Nhà nước đã triển khai nhiều giải pháp nhằm ngăn chặn thông tin xấu độc, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, chống diễn biến hòa bình trên các loại hình thông tin, truyền thông, nhất là môi trường mạng; tạo nên phong trào sôi nổi, thu hút nhiều đối tượng tham gia và đạt hiệu quả tích cực. Tuy nhiên, quá trình đấu tranh vẫn còn những tồn tại, bất cập: Số lượng cơ quan truyền thông, báo, tạp chí có chuyên mục đấu tranh chuyên biệt chưa nhiều, chủ yếu nằm trong lực lượng vũ trang; Lượng tương tác bình luận, chia sẻ đối với các bài này còn thấp, chỉ đạt từ 2% - 4%; Chưa có nhiều ‘kênh” đăng tải, chủ yếu là các bài viết dạng văn bản trên web, Facebook, khá ít trên YouTube; các trang Fanpage của các đơn vị cũng chỉ thu hút tương tác chủ yếu đối với tài khoản của nhóm bạn có cùng sở thích, nặng tính nội bộ, giáo dục lẫn nhau,... nên hiệu quả còn hạn chế.

Để nâng cao chất lượng đấu tranh phòng, chống “diễn biến hòa bình” trên không gian mạng trước hết cần đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị tư tưởng, nâng cao trình độ giác ngộ chính trị, tinh thần cảnh giác, ý chí, quyết tâm cho cán bộ, đảng viên. Phải kết hợp chặt chẽ giữa “xây” và “chống”, lấy xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, môi trường internet trong sạch là chính. Cùng với đó, phải huy động sức mạnh tổng hợp của các tổ chức, các lực lượng, của mọi cán bộ, đảng viên; khơi dậy tinh thần yêu nước, ý thức cảnh giác cách mạng, ý thức tự giác, hành động tích cực trong đấu tranh chống quan điểm sai trái, phê phán những tư tưởng lệch lạc, mơ hồ, dao động; lên án những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét