Thứ Ba, 30 tháng 7, 2024

NHỮNG KẺ PHÁ HOẠI CÔNG CUỘC XÂY DỰNG Ý THỨC XÃ HỘI MỚI Ở VIỆT NAM

 


 

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội phải có con người xã hội chủ nghĩa, và tư tưởng xã hội chủ nghĩa”, điều đó nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc xây dựng ý thức xã hội mới ở nước ta trong thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội. Vấn đề xây dựng ý thức xã hội XHCN đã được Đảng ta quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ. Tuy nhiên, mượn cớ “quan tâm”, “phản biện” nhiều kẻ cơ hội, thù địch đưa ra không ít luận điệu sai trái, xuyên tạc. Chẳng hạn: bài viết “Đảng Cộng sản Việt Nam có ý thức xã hội gì ?” của đối tượng Phạm Trần đăng tại trên trang thongluan-rdp.org. Bài viết cho rằng: “Chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh không thể cấu thành “ý thức xã hội mới” cho Việt Nam, chúng là xiềng xích kéo dân tộc và đất nước xuống tận đáy của tụt hậu và thua kém”…

Để có thể lột trần âm mưu chống phá của những bài viết như trên , chúng ta cần nắm vững những vấn đề cốt lõi của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về vấn đề ý thức xã hội và thực tiễn xây dựng ý thức xã hội mới ở nước ta hiện nay.

Trước hết, về lý luận, ý thức xã hội là lĩnh vực thuộc đời sống tinh thần xã hội, bao gồm toàn bộ những quan điểm, tư tưởng, tình cảm, tâm trạng, tập quán, truyền thống của cộng đồng người, được nảy sinh từ tồn tại xã hội và phản ánh tồn tại xã hội trong những giai đoạn lịch sử nhất định. Thông thường có thể nhận biết tính chất của ý thức xã hội của một xã hội cụ thể qua ba hình thức cơ bản và phổ biến: Các sinh hoạt tư tưởng mang tính học thuật như: sinh hoạt chính trị, pháp luật, khoa học… của cộng đồng xã hội; Các sinh hoạt văn hóa của cộng đồng và xã hội như: sinh hoạt lễ hội truyền thống, tôn giáo, nghệ thuật…; Các tập tục và nếp sống mang đặc trưng văn hóa của mỗi cộng đồng người.

Ý thức xã hội mới Việt Nam “là toàn bộ những tư tưởng, quan điểm, những tình cảm, tâm trạng, truyền thống tốt đẹp, v.v. của cộng đồng dân tộc Việt Nam, mà hạt nhân là chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phản ánh lợi ích căn bản của nhân dân nhằm phục vụ sự nghiệp xây dựng, bảo vệ xã hội mới. Nhìn từ góc độ tâm lý xã hội, ý thức xã hội mới chính là tình cảm, tâm trạng, thói quen, nếp sống, nếp nghĩ, phong tục, tập quán, ước muốn, khát vọng, niềm tin… của cộng đồng dân tộc Việt Nam vào sự nghiệp cách mạng, vào Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội, những đổi thay của cuộc sống hằng ngày… Nhìn từ góc độ các hình thái ý thức xã hội, quá trình xây dựng ý thức xã hội mới Việt Nam cũng chính là việc gia tăng, bồi đắp, nâng cao ý thức chính trị, ý thức pháp luật, ý thức đạo đức… cho người dân trong xã hội.

Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là hệ thống lý luận cách mạng, khoa học, là tinh hoa tư tưởng nhân loại, rất gần gũi với truyền thống tinh thần dân tộc Việt Nam, vì vậy, nó hòa hợp, thống nhất và ngày càng ăn sâu vào thói quen, nếp nghĩ của mỗi con người Việt Nam, để hình thành nên ý thức mới. Sự hòa hợp, thống nhất đó diễn ra một cách hoàn toàn tự nhiên, là nhu cầu rất tự nhiên tựa như “cơm ăn, nước uống” của người dân Việt Nam, chứ tuyệt nhiên không phải do ai xúi giục, ép buộc. Chỉ có những kẻ với cái nhìn thiển cận hoặc cố tình phá hoại mới không nhìn ra sự hoà hợp đó.

Về thực tiễn, việc xây dựng ý thức xã hội mới ở Việt Nam đã thể hiện vai trò rất quan trọng, đóng góp chung vào sự phát triển đất nước. Xây dựng ý thức mới đã tạo ra sự ổn định tư tưởng trong toàn xã hội. Đại đa số nhân dân phấn khởi, tin tưởng vào tương lai xã hội và đồng thuận cao với đường lối mà Đảng xác định. Kết quả phát triển kinh tế - xã hội phản ánh ý thức mới đang được từng bước hình thành vững chắc: Trong suốt gần 40 năm đổi mới vừa qua, tăng trưởng trung bình gần 7% mỗi năm. GDP năm 2023 đạt khoảng 430 tỉ USD, bình quân đầu người tăng 58 lần, lên mức khoảng 4.300 USD. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt gần 700 tỉ USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu đạt trên 355 tỉ USD, xuất siêu đạt mức kỷ lục 28 tỉ USD; Việt Nam đã trở thành đối tác thương mại lớn thứ 22 toàn cầu. Tỉ lệ hộ nghèo trung bình mỗi năm giảm khoảng 1,5%; giảm từ 58% theo chuẩn cũ năm 1993 của Chính phủ xuống còn 2,93% theo chuẩn nghèo đa chiều năm 2023. Hiện nay, Việt Nam có gần 99% số người lớn biết đọc, biết viết. Tuổi thọ trung bình của dân cư tăng từ 62 tuổi năm 1990 lên 73,7 tuổi năm 2023. Năm 2022, chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam đạt mức 0,737, thuộc nhóm nước có HDI cao của thế giới, nhất là so với các nước có trình độ phát triển cao hơn. Chỉ số hạnh phúc của Việt Nam năm 2023 được các tổ chức xếp thứ 65/137 quốc gia được xếp hạng[2].

Như vậy, những quan điểm sai trái của các thế lực thù địch, phản động luôn nhằm phá hoại công cuộc xây dựng ý thức xã hội mới ở Việt Nam. Tuy nhiên, những luận điệu đó của chúng chẳng những không hợp lý về mặt lý luận mà còn bị những thành tựu thực tiễn bác bỏ một cách thẳng thừng. Mỗi cúng ta phải luôn nắm vững những vấn đề cốt lõi của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, nhận diện rõ bản chất xấu xa và mục đích đen tối của các thế lực thù địch, từ đó kiên quyết đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, bảo vệ công cuộc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam trong tình hình mới./.

 

 

 



[1] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 12, Nxb CTQGST H.2011, tr.604.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét