Thứ Ba, 23 tháng 7, 2024

NHỮNG THÀNH TỰU CỦA CÁCH MẠNG VIỆT NAM DƯỚI SỰ LÃNH ĐẠO CỦA ĐẢNG NGHỊ QUYẾT TRUNG ƯƠNG 15 - SOI SÁNG CON ĐƯỜNG CÁCH MẠNG VIỆT NAM

 


Hiệp định Giơnevơ được ký kết, Việt Nam tuân thủ đúng theo những điều khoản đã được ký kết, giữ gìn lực lượng; tích cực đấu tranh chính trị để 2 năm sau tiến hành tổng tuyển cử thống nhất đất nước. Tuy nhiên, Hiệp định ký chưa ráo mực, Mỹ đã lật lọng rằng, Mỹ không ký vào Hiệp định nên không có trách nhiệm phải thi hành.

Trước đó, ngày 7/7/1954, có Mỹ trợ giúp, Ngô Đình Diệm đã thay Bửu Lộc làm thủ tướng bù nhìn. Chính quyền Ngô Đình Diệm đã đơn phương tiến hành đàn áp, khủng bố nhân dân và tàn sát những người kháng chiến cũ bằng chính sách “chiến dịch tố cộng”, “diệt cộng” trên toàn miền Nam, coi đây là “quốc sách”. Chính quyền họ Ngô còn ban hành “Luật 10-59” vào tháng 5/1959, đặt những người cộng sản, những người yêu nước ngoài vòng pháp luật. Chính sách độc tài phát xít của Diệm đã đẩy mâu thuẫn dân tộc dâng cao, nhân dân miền Nam không thể đấu tranh chính trị, đòi chúng thực thi các điều khoản đã ký kết, mà phải nhất tề đứng lên, quyết tâm chống lại ách thống trị của gia đình trị họ Ngô.

Trước tình hình đó, tháng 1/1959, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá II) họp Hội nghị lần thứ 15, ra Nghị quyết lãnh đạo cách mạng Việt Nam trong giai đoạn mới. Trong đó, Hội nghị đặc biệt bàn về nhiệm vụ và phương pháp cách mạng miền Nam:

“1- Nhiệm vụ cơ bản là giải phóng miền Nam khỏi ách thống trị đế quốc và phong kiến, thực hiện độc lập dân tộc và người cày có ruộng, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh.

2- Nhiệm vụ trước mắt là đoàn kết toàn dân, kiên quyết đấu tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược và gây chiến, đánh đổ tập đoàn thống trị độc tài Ngô Đình Diệm, tay sai của đế quốc Mỹ, thành lập một chính quyền liên hợp dân tộc dân chủ ở miền Nam, thực hiện độc lập dân tộc và các quyền tự do dân chủ, cải thiện đời sống của nhân dân, giữ vững hoà bình, thực hiện thống nhất nước nhà trên cơ sở độc lập và dân chủ, tích cực bảo vệ hoà bình ở Đông Nam Á và thế giới” .

3- Con đường phát triển cơ bản của cách mạng ở miền Nam là khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân, là con đường “lấy sức mạnh của quần chúng, dựa vào lực lượng chính trị của quần chúng là chủ yếu, kết hợp với lực lượng vũ trang để đánh đổ quyền thống trị của đế quốc và phong kiến, dựng lên chính quyền cách mạng của nhân dân” .

Nghị quyết 15 của ban Chấp hành Trung ương được cán bộ, đảng viên và nhân dân miền Nam khao khát đón nhận. Đã giải tỏa được những đắng cay, uất ức, những thắc mắc, lo âu, cùng với niềm mong đợi của quần chúng bị dồn nén suốt hơn 4 năm. Cán bộ, quần chúng ít ai nghĩ đấu tranh chính trị hay vũ trang là chủ yếu, mà đều bí mật truyền cho nhau tin “Đảng đã cho đánh rồi!”, “phải làm tới” . Như vậy, Nghị quyết 15 đã thổi bùng ngọn lửa cách mạng âm ỉ lâu nay thành khí thế đấu tranh sục sôi khắp nông thôn, thành thị và rừng núi của quần chúng. Hoạt động vũ trang phát triển rộng khắp đã hỗ trợ tích cực cho phong trào đấu tranh chính trị, chấm dứt thời kỳ bị động trước sự khủng bố dã man của địch, thổi bùng ngọn lửa “đồng khởi” trên toàn miền Nam.

Ngày 17/1/1960, tại Bến Tre cuộc “Đồng khởi” nổ ra ở 3 xã điểm (Định Thủy, Bình Khánh và Phước Hiệp) rồi lan nhanh ra toàn huyện, hàng vạn quần chúng nhân dân xuống đường vũ trang, quét sạch các tổ chức kìm kẹp của địch, chỉ trong tuần lễ đầu “nhân dân 47 xã đã đồng loạt nổi dậy đập tan bộ máy kìm kẹp của địch, giải phóng 150 ấp, bức rút 47 đồn bốt, giết 300 tên” .

Các thôn được giải phóng đã tổ chức Đại hội nông dân, tịch thu ruộng đất chia cho dân cày, thanh niên tham gia lực lượng vũ trang cách mạng. Ngày 26/1/1960, tại Tua Hai, ta nổ súng tấn công địch, diệt 500 tên địch, bắt 500 tên, thu hồi hàng nghìn súng… Chiến thắng này cổ vũ mạnh mẽ nhân dân Nam Bộ vùng dậy giành chính quyền. Đến cuối năm 1960: “tại các tỉnh Nam Bộ, cách mạng đã làm chủ 600 xã trong tổng số 1.298 xã, trong đó có 116 xã hoàn toàn giải phóng. Ở các tỉnh đồng bằng ven Trung Bộ, có 904 trong tổng số 3.829 thôn được giải phóng. Còn ở Tây Nguyên thì có tới 3.200 trong tổng số 5.721 thôn không còn chính quyền ngụy” . Cùng với phong trào “đồng khởi” ở nông thôn đã thúc đẩy phong trào đấu tranh ở thành thị, chỉ trong năm 1960 đã có hơn 10 triệu lượt người tham gia đấu tranh chính trị...

Phong trào “Đồng khởi” thắng lợi, đánh dấu bước phát triển mới của cách mạng miền Nam, chuyển từ thế giữ gìn lực lượng sang thế tiến công liên tục, kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang, lực lượng chống Mỹ tăng lên nhanh chóng, hình thái lực lượng vũ trang 3 thứ quân xuất hiện từ phong trào “Đồng khởi”.

Phong trào “Đồng khởi” thắng lợi không chỉ đánh bại chiến tranh đơn phương hay "chiến lược Aixenhao" của Mỹ, Diệm, mà còn có ý nghĩa chiến lược, để ngày 20/12/1960, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam thành lập tại Tân Lập - Châu Thành - Tây Ninh. Chủ trương của Mặt trận đoàn kết toàn dân, kiên quyết đấu tranh chống đế quốc Mỹ và tay sai Ngô Đình Diệm, thành lập chính quyền liên minh dân tộc dân chủ ở miền Nam, thực hiện hòa bình, trung lập, tiến tới thống nhất nước nhà.

Nghị quyết Trung ương 15 (khoá II) đến hôm nay vẫn còn nguyên giá trị, cơ sở, tiền đề, ngọn đuốc soi đường để Đảng ta từng bước tổng kết thực tiễn, bổ sung lý luận, hoạch định đường lối sát, đúng với thực tiễn cách mạng Việt Nam và xu thế phát triển của thời đại, chống lại các quan điểm sai trái thù địch chống phá Đảng, Nhà nước ta, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đề ra.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét