Thứ Ba, 30 tháng 7, 2024

 Những tố chất cần có và các căn bệnh phải chữa để trọng dụng nhân tài theo khoa học-nghệ thuật trọng dụng  nhân tài Hồ Chí Minh

Biết mình mới biết người, mới biết phát hiện nhân tài ngang tầm nhiệm vụ. Bởi như Chủ tịch Hồ Chí Minh phân tích: "Biết người, cố nhiên là khó. Tự biết mình, cũng không phải là dễ. Đã không tự biết mình thì khó mà biết người, vì vậy muốn biết đúng sự phải trái ở người ta, thì trước phải biết đúng sự phải trái của mình. Nếu không biết sự phải trái ở mình, thì chắc không thể nhận rõ người cán bộ tốt hay xấu"18; không thể phát hiện và trọng dụng được nhân tài.

Muốn dùng đúng và khéo dùng nhân tài, cán bộ, cán bộ lãnh đạo, nhất là người đứng đầu phải có những phẩm chất tốt. Đó là:

Có độ lượng vĩ đại thì mới có thể đối với cán bộ một cách chí công vô tư, không có thành kiến, khiến cho nhân tài, cán bộ khỏi bị bỏ rơi. Phải có tinh thần rộng rãi, mới có thể gần gụi những người mình không ưa. Phải chống lại bệnh hẹp hòi. Vì căn bệnh này, trong thì ngăn trở Đảng thống nhất và đoàn kết. Ngoài, thì nó phá hoại sự đoàn kết toàn dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: "Vì bệnh hẹp hòi mà không biết dùng nhân tài"19.

Công việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hay kém. Do vậy, Cấp ủy Đảng các cấp và người đứng đầu "Phải trọng nhân tài, trọng cán bộ, trọng mỗi một người có ích cho công việc chung của chúng ta"20. phải chăm sóc nhân tài, cán bộ, như người làm vườn vun trồng những cây cối quý báu. Tài to ta dùng vào việc to, tài nhỏ ta cắt làm việc nhỏ. Trong cách mạng thường hao tổn một số cán bộ quý báu. Vì vậy, chúng ta càng phải trọng nhân tài, quý cán bộ, phải bổ sung cán bộ, phải giữ gìn cán bộ cũ và đào tạo cán bộ mới.     

Cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu phải có tính chịu khó dạy bảo cấp dưới, mới có thể nâng đỡ những đồng chí còn kém, giúp cho họ tiến bộ. Khiến cho cán bộ cả gan nói, cả gan đề ra ý kiến. Khiến cho cán bộ có gan phụ trách, có gan làm việc.

Cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu phải sáng suốt, mới khỏi bị bọn vu vơ bao vây, mà cách xa nhân tài, cán bộ tốt. Phải tránh các căn bệnh một số người có quyền, có chức thường mắc. Đó là: Ưa người ta nịnh mình. Ham dùng những kẻ khéo nịnh hót mình, mà chán ghét những người chính trực, tài giỏi hơn mình. Cho nên dẫn đến: "Thân cận là những kẻ vô tài bất lực, nhưng khéo nịnh hót a dua. Xa cách hoặc dìm hãm những người có tài có đức hay bàn ngay nói thẳng"21.     

Phải tránh bệnh do lòng yêu, ghét của mình mà đối với người. Ham dùng những người tính tình hợp với mình, mà tránh những người tính tình không hợp với mình. Ham dùng người bà con, anh em quen biết, bầu bạn, cho họ là chắc chắn hơn người ngoài. Nếu lãnh đạo có những căn bệnh đó, chẳng những nhân tài bị bỏ rơi, mà như Chủ tịch Hồ Chí Minh vạch rõ: "Vì những bệnh đó, kết quả những người kia đã làm bậy, mình cũng cứ bao dung, che chở, bảo hộ, khiến cho chúng càng ngày càng hư hỏng. Đối với những người chính trực thì bới lông tìm vết để trả thù. Như thế, cố nhiên là hỏng cả công việc của Đảng, hỏng cả danh giá của người lãnh đạo"22.

Cán bộ lãnh đạo cần có thái độ vui vẻ, thân mật, các đồng chí, nhân tài, chuyên gia mới vui lòng gần gụi mình. Không nên tự tôn, tự đại, mà phải nghe, phải hỏi ý kiến của cấp dưới. Nếu ý kiến các đồng chí cấp dưới đúng, của chuyên gia đúng, ta phải nghe theo, khuyên họ thường đề thêm ý kiến, để nâng tinh thần và sáng kiến của họ. Nếu ý kiến của họ không đúng, ta nên dùng thái độ thân thiết, giải thích cho họ hiểu. Quyết không nên phùng mang trợn mắt, quở trách, giễu cợt họ. Nhất là nên tránh kiểu cách khó gần, xa cách quần chúng, chuyên gia, thậm chí coi thường quần chúng, chuyên gia. Chủ tịch Hồ Chí Minh phân tích: Nếu cán bộ, chuyên gia không nói năng, không đề ý kiến, không phản biện, thậm chí lại tâng bốc mình, thế là một hiện tượng rất xấu. Người khẳng định: "Không phải họ không có gì nói, nhưng vì họ không dám nói, họ sợ. Thế là mất hết dân chủ trong Đảng. Thế là nội bộ của Đảng âm u, cán bộ trở nên những cái máy, trong lòng uất ức, không dám nói ra, do uất ức mà hoá ra oán ghét, chán nản. Như thế mà muốn cán bộ công tác cho giỏi thì sao được?"23.

Chủ tịch Hồ Chí Minh còn chỉ ra một căn bệnh nguy hiểm nữa trong  bộ máy Đảng, Nhà nước, khiến cho Đảng mất nhân tài. Đó là bệnh kéo bè, kéo cánh. Ai hợp với mình thì dù người xấu cũng cho là tốt, việc dở cũng cho là hay, rồi che đậy cho nhau, ủng hộ lẫn nhau. Ai không hợp với mình thì người tốt cũng cho là xấu, việc hay cũng cho là dở, rồi tìm cách dèm pha, nói xấu, tìm cách dìm người đó xuống. "Bệnh này rất tai hại cho Đảng. Nó làm hại đến sự thống nhất. Nó làm Đảng bớt mất nhân tài và không thực hành được đầy đủ chính sách của mình. Nó làm mất sự thân ái, đoàn kết giữa đồng chí. Nó gây ra những mối nghi ngờ "24.

Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu Đảng, các cấp ủy Đảng, cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp, nhất là người đứng đầu rằng: " Muốn tránh khỏi sự hao phí nhân tài, chúng ta cần phải sửa chữa cách lãnh đạo"3. Thì nhân tài nước ta dù chưa có nhiều lắm song nếu Đảng, Nhà nước khéo lựa chọn, khéo phân phối, khéo dùng thì nhân tài càng ngày càng phát triển mạnh mẽ hơn. Đó chính là kết quả to lớn Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đạt được trong lãnh đạo cách mạng, lãnh đạo Đảng, Nhà nước mở ra một thời đại mới trong lịch sử Việt Nam - Thời đại Hồ Chí Minh. Bởi Khoa học nghệ thuật thu hút, phát hiện, bồi dưỡng, trọng dụng nhân tài Hồ Chí Minh.                                                                 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét