Thứ Hai, 8 tháng 7, 2024

Nội dung của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư

 


Nội dung của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư là dựa trên nền tảng công nghệ số và tích hợp tất cả các công nghệ thông minh để tối ưu hóa quy trình, phương thức sản xuất; nhấn mạnh những công nghệ đang và sẽ có tác động lớn nhất là công nghệ in 3D, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới, công nghệ tự động hóa, người máy... Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư là xu hướng hiện tại của tự động hóa và trao đổi dữ liệu trong công nghệ sản xuất. Nó bao gồm các hệ thống mạng vật lý, mạng Internet kết nối vạn vật và điện toán đám mây.

Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư không chỉ là về các máy móc, hệ thống thông minh và được kết nối, mà còn có phạm vi rộng lớn hơn nhiều. Đồng thời là các làn sóng của những đột phá xa hơn trong các lĩnh vực khác nhau từ mã hóa chuỗi gen cho tới công nghệ nano, từ các năng lượng tái tạo tới tính toán lượng tử. Cách mạng công nghiệp lần thứ tư tạo điều kiện thuận lợi cho việc tạo ra các nhà máy thông minh hay “nhà máy số”. Trong các nhà máy thông minh này, các hệ thống vật lý không gian ảo sẽ giám sát các quá trình vật lý, tạo ra một bản sao ảo của thế giới vật lý. Với IoT, các hệ thống vật lý không gian ảo này tương tác với nhau và với con người theo thời gian thực, và thông qua IoS thì người dùng sẽ được tham gia vào chuỗi giá trị thông qua việc sử dụng các dịch vụ này. Như vậy, thế giới đã trải qua ba cuộc cách mạng công nghiệp và đang trong giai đoạn Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Nếu như Cách mạng công nghiệp lần thứ nhất là cơ khí hóa với máy chạy bằng thủy lực và hơi nước, thì Cách mạng công nghiệp lần thứ hai sử dụng động cơ điện và dây chuyền lắp đặt, sản xuất hàng loạt, tiếp đến là kỷ nguyên máy tính và tự động hóa trong Cách mạng công nghiệp lần thứ ba, và hiện nay là các hệ thống liên kết thế giới thực và ảo của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Có thể tóm lược lại, Cách mạng công nghiệp lần thứ tư là sự hội tụ của một loạt các công nghệ mới xuất hiện dựa trên nền tảng kết nối và công nghệ số và được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực. Các công nghệ, lĩnh vực mới có thể kể đến như: Internet kết nối vạn vật (IoT); Cơ sở dữ liệu tập trung (Big data); Trí tuệ nhân tạo (AI); Năng lượng tái tạo/Công nghệ sạch (Renewable energy/ Clean tech); Người máy (Robotics); Công nghệ in 3D (3D printing); Vật liệu mới (graphene, skyrmions, bio-plastic,...); Blockchain; Kết nối thực ảo (Virtual/Augmented Reality); Thành phố thông minh (Smart cities); Công nghệ màng mỏng (Fintech); Các nền kinh tế chia sẻ (Shared economics); v.v.

Khác với các cuộc cách mạng trước đó, Cách mạng công nghiệp lần thứ tư có sự khác biệt rất lớn về tốc độ, phạm vi và sự tác động. Cuộc cách mạng này có tốc độ phát triển và lan truyền nhanh hơn rất nhiều so với trước đó. Phạm vi của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư diễn ra rộng lớn, bao trùm, trong tất cả các lĩnh vực, không chỉ trong sản xuất chế tạo mà trong cả dịch vụ, bao gồm dịch vụ công. Cách mạng công nghiệp lần thứ tư dự báo sẽ làm thay đổi toàn bộ hệ thống sản xuất, quản lý và quản trị trên toàn thế giới, tác động mạnh mẽ tới mọi mặt đời sống, kinh tế, chính trị, xã hội, nhà nước, chính phủ, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân... Do đó, để duy trì lợi thế cạnh tranh, và có thể bắt kịp được các nước tiên tiến, các quốc gia, trong đó có Việt Nam, đều đang tập trung phát triển và ứng dụng các thành tựu công nghệ của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Cuộc cách mạng lần này tạo cơ hội cho các nước đi sau, tuy nhiên cũng tạo ra nhiều thách thức đối với những nước đi chậm.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét