Thứ Ba, 23 tháng 7, 2024

PHẠM TRẦN ĐỪNG ĐỒNG NHẤT “TRẮNG – ĐEN”

 


Trong học thuyết của mình, trên cơ sở lý luận khoa học và thực tiễn vận động của xã hội, C.Mác và Ph.Ăngghen đã khẳng định: Nhân loại nhất định sẽ tiến lên chủ nghĩa xã hội. Đó là điều không phải bàn cãi. Từ khi ra đời cho đến nay, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn khẳng định, chủ nghĩa xã hội là mục tiêu, lý tưởng của Đảng và Nhân dân ta, đi lên chủ nghĩa xã hội là con đường tất yếu của cách mạng Việt Nam. Thực tiễn cách mạng Việt Nam hơn 90 năm qua đã chứng tỏ con đường đi lên chủ nghĩa xã hội là sự lựa chọn đúng đắn phù hợp với thực tiễn của Việt Nam và xu thế phát triển của thời đại. Đó là một thực tiễn không thể phủ nhận.

Ấy vậy mà, trên trang Danlambao, Phạm Trần có bài viết: “Quá độ đi về đâu”. Trả lời câu hỏi này, Phạm Trần cho rằng “quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam là một sai lầm lịch sử” “là nguyên nhân của đói nghèo, tụt hậu”. Điều đáng nói, Phạm Trần đã đồng nhất “trắng – đen” cho rằng: Sự sụp đổ của Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu là sự sụp đổ của chủ nghĩa Mác – Lênin. Phạm Trần “khuyên” Việt Nam “đừng đi vào vết xe đổ” của Liên Xô và Đông Âu. Phải chăng, đó là lời khuyên “có tình, có lý”?

Chúng ta đều biết, dưới sự tác động của các thế lực thù địch và sự sai lầm có tính chất “phản bội” của một số người lãnh đạo, ngày 15-3-1990 tại Đại hội bất thường của các đại biểu nhân dân, Điều 6 Hiến pháp của Liên Xô quy định về vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản đã bị xóa bỏ. Đây là “dấu mốc” quan trọng dẫn đến hình thành cơ chế đa nguyên, đa đảng với việc ra đời của nhiều tổ chức, đảng phái chính trị đối lập cạnh tranh vai trò lãnh đạo. Ngay lập tức, ngoài Đảng Cộng sản Liên Xô còn có tới 153 tổ chức đảng phái khác ra đời và cạnh tranh vai trò lãnh đạo với Đảng Cộng sản Liên Xô. Đến đầu năm 1991, sự tồn tại của Đảng Cộng sản Liên Xô chỉ còn trên danh nghĩa và sự sụp đổ của Liên Xô vào tháng 8-1991 là một tất yếu khi Đảng Cộng sản đã mất quyền lãnh đạo.

Không tốn một viên đạn, nhưng “đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập” đã có sức “công phá” và “hủy diệt” chưa từng có, đã làm cho một siêu cường quốc, một Đảng với hơn 20 triệu đảng viên, một quân đội với hơn 4 triệu quân nhân được trang bị vũ khí hiện đại và tinh nhuệ bậc nhất thế giới đã nhanh chóng mất sức chiến đấu, quay súng “bắn tan” thành quả cách mạng. “Thành trì vĩ đại” bị sụp đổ, kéo theo sự sụp đổ của cả một hệ thống xã hội chủ nghĩa trên toàn thế giới mà hệ lụy của nó còn ảnh hưởng nhiều năm, ở nhiều quốc gia và qua nhiều thế hệ.

Thực tiễn trên đã cho thấy, sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội hiện thực ở Liên Xô và các nước Đông Âu không phải là sự “cáo chung” của chủ nghĩa xã hội, nó cũng không phải do chủ nghĩa Mác -Lênin đã lỗi thời mà đó là sự sụp đổ của một mô hình chủ nghĩa xã hội không còn phù hợp do đã hiểu sai, vận dụng sai những quan điểm của các nhà sáng lập chủ nghĩa Mác -Lênin trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội. Sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội hiện thực ở Liên Xô và các nước Đông Âu càng không phải là thực tiễn để khẳng định “quá độ đi về đâu”, “đi về đói nghèo, tụt hậu” như Phạm Trần đã khẳng định.

Hiện nay “chủ nghĩa tư bản còn tiềm năng phát triển, nhưng về bản chất vẫn là một chế độ áp bức, bóc lột và bất công. Những mâu thuẫn cơ bản vốn có của chủ nghĩa tư bản, nhất là mâu thuẫn giữa tính chất xã hội hóa ngày càng cao của lực lượng sản xuất với chế độ chiếm hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa, chẳng những không giải quyết được mà ngày càng trở nên sâu sắc. Khủng hoảng kinh tế, chính trị, xã hội vẫn tiếp tục xảy ra”. Tất cả điều đó là những minh chứng cho thấy cách thức phát triển kiểu tư bản chủ nghĩa đang chứa đựng nhiều nguy cơ bất ổn. Những tiền đề cho sự phủ định chủ nghĩa tư bản đang ngày càng chín muồi trong lòng chủ nghĩa tư bản.

Thực tiễn sau hơn 37 năm đổi mới, công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu rất quan trọng, khá toàn diện, tạo nhiều dấu ấn nổi bật. Điều này đã được cả thế giới thừa nhận. Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay là một minh chứng để khẳng định “con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của nước ta là phù hợp với thực tiễn Việt Nam và xu thế phát triển của thời đại”.

Như vây, thực chất luận điểm của Phạm Trần là đòi Việt Nam phải đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập nhằm ý đồ xấu xa là xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam, xóa bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Phạm Trần đừng lợi dụng sự kiện chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và các nước Đông Âu sụp đổ để đồng nhất “trắng – đen”. Mọi người hãy hết sức cảnh giác với âm mưu thâm độc này và kiên quyết đấu tranh bảo vệ thành quả cách mạng, bảo vệ sự lựa chọn đúng đắn của lịch sử, của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh” cũng như nguyện vọng và khát vọng của nhân dân Việt Nam./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét