Ngày nay thực lực kinh tế quyết định vị thế của một
quốc gia dân tộc trong quan hệ quốc tế và đời sống chính trị thế giới. Ưu tiên
kinh tế đã trở thành trào lưu thế giới và là tất yếu phát triển của lịch sử
đương đại. Phát triển kinh tế - xã hội hiện nay không chỉ liên quan đến vấn đề
quốc tế dân sinh, đến ổn định chính trị lâu dài của một đất nước mà còn liên
quan đến hòa bình và an ninh của khu vực và thế giới. Sự suy thóai - phản phát
triển không chỉ diễn ra ở cục bộ một nước mà sẽ nhanh chóng ảnh hưởng và liên lụy
đến khu vực và thế giới. Phát triển kinh tế thị trường là định hướng chủ yếu của
các quốc gia hiện nay. Hàng loạt các vấn đề kinh tế - xã hội hiện nay đang đặt
ra cho các quốc gia mà con đường giải quyết chỉ có thể là hòa bình và hợp tác
phát triển. Phát triển và những cơ hội phát triển trong công bằng, bình đẳng giữa
các dân tộc sẽ tạo ra thực lực đảm bảo cho hòa bình và hướng tới một nền hòa
bình vững chắc.
Trong quan hệ quốc tế hiện nay, hợp tác và đấu tranh luôn là hai mặt cùng tồn tại trong quan hệ quốc
tế. Đây là một tất yếu khách quan. Nó đòi hỏi phải được nhận thức đúng và có sự
kết hợp hài hòa khi xem xét đến các quyền lợi của mỗi quốc gia và cả cộng đồng.
Tuyệt đối hóa mặt này hay mặt kia đều có thể dẫn đến đổ vỡ trong quan hệ giữa
các quốc gia cũng như giữa quốc gia với cộng đồng quốc tế. Trong quá trình xem
xét, phải xuất phát từ nguyên tắc hợp tác để đấu tranh và đấu tranh để hợp tác
chặt chẽ hơn, bền vững hơn. Xuất phát từ quyền lợi cụ thể của mỗi chủ thể quan
hệ quốc tế trong quan hệ đối ngoại, phải thấy luôn tồn tại đối tác và đối
tượng. Vấn đề đặt ra cho các đảng cộng sản là phải nhấn mạnh, phải chú ý tìm
thấy đối tác để khắc phục đối tượng, tìm thấy điểm tương đồng để hạn chế, khắc
phục bất đồng gắn với bối cảnh lịch sử cụ thể trong từng thời điểm của quan hệ
quốc tế.
Trong bối cảnh của thế giới đương đại sẽ không có
mối quan hệ nào chỉ là đối tượng và ngược lại chỉ là đối tác. Xuất phát từ lợi
ích của mỗi quốc gia, của mỗi khu vực cần tìm thấy các điểm tương đồng, các lợi
ích chung để khắc phục bất đồng. Hợp tác và đấu tranh là hai mặt luôn song
hành. Điều quan trọng nhất trong quan hệ giữa các quốc gia là giải quyết theo
nguyên tắc đồng thuận khắc phục bất đồng; cố gắng biến những bất đồng lớn theo
hướng giảm nhẹ, và tuyệt đối tránh làm cho bất đồng nhỏ thành bất đồng lớn.
Thống nhất hợp tác và đấu tranh, đối tượng và đối tác là một xu thế đang tồn
tại trong quan hệ quốc tế hiện nay, đang nổi lên trong sự lựa chọn của các dân
tộc. Đây là một xu thế, một nguyên tắc trong ứng xử giữa các nước, “hợp tác và
đấu tranh vì lợi ích quốc gia, vì hòa bình - phát triển và cùng giải quyết
những thách thức toàn cầu là xu hướng chung của nhân loại”[1].
[1] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ
XII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2016, tr.266.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét