Thứ Tư, 31 tháng 7, 2024

Tác động đến giáo dục - đào tạo của cộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư


Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đặt ra nhiều vấn đề mới mẻ đối với sự nghiệp giáo dục và đào tạo, đồng thời cung cấp những điều kiện vật chất - kỹ thuật ngày càng tốt hơn để nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục và đào tạo.

Sự phát triển mạnh mẽ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư hiện nay đòi hỏi người lao động phải được đào tạo và tự đào tạo, không ngừng nâng cao trình độ văn hóa, kỹ năng nghề nghiệp và trình độ khoa học công nghệ. Nguồn lao động có trình độ khoa học công nghệ và kỹ năng nghề nghiệp cao là nhân tố quan trọng, quyết định nhất để phát triển nền kinh tế tri thức của các quốc gia. Do vậy, thách thức cũng đặt ra đối với nội dung, chương trình, mô hình đào tạo, phát triển nguồn nhân lực đối với các quốc gia.

Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đặt ra những yêu cầu mới cao hơn đối với cải cách giáo dục, nhằm tạo lên ở con người khả năng thích ứng cao trước sự phát triển của khoa học và công nghệ. Điều này đặt ra yêu cầu cho giáo dục là cần phải đào tạo nguồn nhân lực có đủ chuyên môn để thích nghi được với môi trường kỹ thuật mới. Chính yêu cầu đó đã biến môi trường giáo dục vốn chỉ tập trung truyền tải những kiến thức hàn lâm thì nay đã đổi mới bằng việc cung cấp cho người học cả những kiến thức về kỹ năng bao gồm kỹ năng thực hành, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng tư duy sáng tạo, kỹ năng phản biện... Tác động của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong lĩnh vực giáo dục cũng buộc người học phải chủ động thay đổi và chủ động hơn trong việc học tập của mình.

Cũng do tính chất hoàn toàn mới mẻ của tiến bộ khoa học và công nghệ, nhiệm vụ giáo dục ngày nay không thể theo hướng biến con người thành đối tượng thụ động tiếp nhận kiến thức, mà phải làm cho họ trở thành chủ thể tích cực của giáo dục, biến quá trình giáo dục thành quá trình tự giáo dục của mỗi con người. Tự học trở thành nhu cầu bắt buộc đối với mỗi người. Tự học không chỉ ở trường lớp mà tự học còn ở xã hội.

Tuy nhiên, Cách mạng công nghiệp lần thứ tư cũng tạo ra những tác động tiêu cực nhất định đối với lĩnh vực giáo dục - đào tạo. Đối với các quốc gia đang phát triển, việc chuyển đổi sang một nền giáo dục hiện đại đòi hỏi phải đồng bộ cả về nhận thức, định hướng chiến lược, phương châm, phương thức và cơ sở vật chất, trang thiết bị bảo đảm, trong khi tiềm lực của nền kinh tế chưa đủ khả năng đáp ứng. Điều đó có thể gây ra nguy cơ về sự tụt hậu trong giáo dục so với mặt bằng chung của thế giới. Trong từng nền giáo dục, cơ hội tiếp cận với những thành tựu mới của khoa học và công nghệ hiện đại để phục vụ cho quá trình học tập của các đối tượng xã hội có sự khác nhau, dẫn đến nguy cơ về tình trạng bất công, bất bình đẳng về giáo dục, kéo theo nhiều hệ lụy xã hội tiêu cực khác.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét