Thứ Hai, 8 tháng 7, 2024

Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với giai cấp công nhân Việt Nam

 


Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với giai cấp công nhân Việt Nam là vấn đề có tính nguyên tắc, là nhân tố quyết định đến sự phát triển toàn diện giai cấp công nhân, bảo đảm cho họ hoàn thành nội dung sứ mệnh lịch sử của mình. Không thể có một đảng cầm quyền vững mạnh, giữ vị trí lãnh đạo mà giai cấp công nhân yếu kém và ngược lại. Mặt khác, sự phát triển và hoạt động của giai cấp công nhân không phải là biệt lập, đứng ngoài hệ thống chính trị, mà nó hoạt động trong sự vận hành thống nhất theo cơ chế đảng lãnh đạo, nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ thông qua các tổ chức chính trị - xã hội và các đoàn thể nhân dân.

 Trong lịch sử xã hội có giai cấp, giai cấp nào khi giữ vai trò lãnh đạo xã hội đều thông qua chính đảng của mình. Đảng chính trị đó là tổ chức cao nhất, đại biểu trung thành cho trí tuệ và lợi ích của toàn thể giai cấp. Đối với giai cấp công nhân, chính đảng của mình là Đảng cộng sản, không chỉ đại biểu cho trí tuệ và lợi ích của giai cấp công nhân mà còn đại biểu cho toàn thể nhân dân lao động và của cả dân tộc. Giai cấp công nhân phải có một đảng chính trị thật sự vững vàng, kiên định và sáng suốt, có đường lối chiến lược và sách lược đúng đắn thể hiện lợi ích của giai cấp và toàn thể dân tộc mới có thể hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình.

Đảng Cộng sản Việt Nam là lãnh tụ chính trị, đội tiền phong của giai cấp công nhân Việt Nam. Vị thế, vai trò này của Đảng được quy định từ mối quan hệ khách quan vốn có giữa Đảng với giai cấp công nhân, trong đó giai cấp công nhân chính là cơ sở chính trị - xã hội trung tâm, tiêu biểu nhất của Đảng, nơi xuất phát hình thành ra các tổ chức cộng sản tiền thân cho sự ra đời của Đảng; đồng thời họ là nguồn bổ sung lực lượng bảo đảm cho Đảng tồn tại và phát triển về mọi mặt. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, giai cấp công nhân mới thể hiện được vai trò to lớn ấy. Các nhà kinh điển chủ nghĩa Mác - Lênin đã chỉ ra: Mục đích và lợi ích của đảng cộng sản và giai cấp vô sản là thống nhất, “Tuyệt nhiên không có một lợi ích nào tách khỏi lợi ích của toàn thể giai cấp vô sản”[1]. “Về mặt thực tiễn, những người cộng sản là bộ phận kiên quyết nhất trong các đảng công nhân ở tất cả các nước, là bộ phận luôn luôn thúc đẩy phong trào tiến lên; về mặt lý luận, họ hơn bộ phận còn lại của giai cấp vô sản ở chỗ họ hiểu rõ những điều kiện, tiến trình và kết quả chung của phong trào vô sản”[2]. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh quan hệ không thể tách rời giữa Đảng và giai cấp: “Giai cấp mà không có Đảng lãnh đạo thì không làm cách mạng được. Đảng mà không có giai cấp công nhân cũng không làm được gì”[3].

Đối với giai cấp công nhân Việt Nam là giai cấp trung tâm của xã hội, là cơ sở chính trị - xã hội quan trọng nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam, thì lợi ích của giai cấp công nhân được thể hiện tập trung ở mục tiêu lý tưởng của Đảng. Bởi vì, “Đảng ta đại biểu cho lợi ích chung của giai cấp công nhân, của toàn thể nhân dân lao động, chứ không phải mưu cầu lợi ích riêng của một nhóm người nào, của cá nhân nào”[4] và “Ngoài lợi ích của giai cấp, của nhân dân, của dân tộc, Đảng ta không có lợi ích nào khác”[5]. Công cuộc đổi mới do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng và lãnh đạo vì mục tiêu của xã hội xã hội chủ nghĩa đáp ứng được những lợi ích cơ bản giai cấp, tầng lớp trong xã hội, trong đó có giai cấp công nhân. Văn kiện Đại hội IX, Đảng ta nhấn mạnh, xã hội Việt Nam tuy có sự biến đổi về cơ cấu xã hội - giai cấp, song được thống nhất bởi tính lợi ích, do Đảng lãnh đạo: “Lợi ích giai cấp công nhân thống nhất với lợi ích toàn dân tộc trong mục tiêu chung: độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”[6]. Mục tiêu phấn đấu của giai cấp công nhân là mục tiêu lý tưởng của Đảng, là ý nguyện của nhân dân lao động và toàn thể dân tộc. Quá trình thực hiện mục tiêu lý tưởng đó, giai cấp công nhân Việt Nam không hề có lợi ích riêng với nghĩa là tư hữu, nó chỉ có thể tìm thấy lợi ích chân chính của mình khi phấn đấu cho lợi ích của toàn xã hội. Như các nhà kinh điển của chủ nghĩa xã hội khoa học đã chỉ ra, khi mục tiêu của chủ nghĩa cộng sản hoàn thành, giai cấp công nhân sẽ xóa bỏ chính bản thân nó với tư cách là một giai cấp. Khi đó, giai cấp công nhân trong đó có giai cấp công nhân Việt Nam mới hoàn thành trọn vẹn mục tiêu sứ mệnh lịch sử của mình, mà Đảng của nó là đại biểu trung thành, là người đi đầu trong việc thực hiện mục tiêu, lý tưởng ấy.



[1] C.Mác và Ph.Ăngghen toàn tập, Tập 4, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 1995, tr.614.

[2] C.Mác và Ph.Ăngghen toàn tập, Tập 4, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 1995, tr.615.

[3] Hồ Chí Minh toàn tập, Tập 7, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.477.

[4] Hồ Chí Minh toàn tập, Tập 9, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.88.

[5] Hồ Chí Minh toàn tập, Tập 10, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.4.

[6] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2001, tr.85-86.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét