Thứ Tư, 31 tháng 7, 2024

Thách thức từ bên trong trong công cuộc đổi mới hiện nay

 


Nguy cơ tụt hậu, rơi vào bẫy thu nhập trung bình còn lớn[1]. Kinh tế vĩ mô ổn định chưa vững chắc; năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp. Hơn nữa, do tác động hết sức lớn của suy thóai kinh tế toàn cầu đến nền kinh của Việt Nam đang là một thách thức to lớn. Nhu cầu bảo đảm quốc phòng, an ninh lớn. Nhiều doanh nghiệp nhà nước làm ăn kém hiệu quả, lãng phí; việc cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước chậm trễ. Hội nhập quốc tế sâu rộng đặt ra nhiều vấn đề mới, nhất là các vấn đề cạnh tranh thu hút đầu tư và xuất nhập khẩu, lao động, việc làm, bảo vệ môi trường, luật pháp... Trên một số lĩnh vực, một bộ phận nhân dân chưa được hưởng các thành quả của phát triển kinh tế - xã hội, đời sống còn nhiều khó khăn, khoảng cách giàu - nghèo còn lớn. Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và sự cạnh tranh gay gắt về vốn đầu tư, thị trường, nhiều quốc gia mới trỗi dậy có thể đẩy kinh tế nước ta tụt hậu xa hơn so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Phát triển kinh tế về cơ bản vẫn phụ thuộc nhiều vào khai thác tài nguyên, vào vốn và lao động trình độ thấp, thiếu nghiêm trọng nguồn nhân lực chất lượng cao.

Nguy cơ chệch hướng xã hội chủ nghĩa còn tiềm ẩn. Về chính trị, phải cảnh giác với nguy cơ sai lầm về đường lối. Về tư tưởng, vẫn không thể xem thường những biểu hiện suy thóai tư tưởng chính trị mà Nghị quyết Trung ương 4, (khóa XII) đã chỉ ra. Về văn hóa, trong phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa rất dễ xảy ra xu hướng coi nhẹ văn hóa, không giữ gìn và phát huy được bản sắc, truyền thống văn hóa của dân tộc, để đạo đức xã hội bị suy đồi... Về kinh tế, kinh tế tư nhân được xác định là một trong những động lực quan trọng để phát triển kinh tế. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, kinh tế tư nhân không tránh khỏi nguy cơ tự phát đi chệch định hướng xã hội chủ nghĩa và thóat ly khỏi sự quản lý của Nhà nước, có những mặt tiêu cực, như “lợi ích nhóm”, thao túng chính sách, cạnh tranh không lành mạnh, vi phạm pháp luật để trục lợi bất chính… Bên cạnh đó, kinh tế nhà nước và kinh tế tập thể chưa thể hiện được vai trò chủ đạo và nòng cốt trong phát triển và giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa của nền kinh tế.

         Tình trạng tham nhũng, lãng phí. Tham nhũng ngày càng diễn biến phức tạp, tinh vi, liên kết thành các nhóm lợi ích. Chúng đang tận dụng đến mức tối đa những kẽ hở, những yếu kém trong lãnh đạo quản lý, những bất cập của hệ thống pháp luật, cùng với sự buông lỏng trong định hướng chính trị - xã hội để vơ vét làm giàu bất chính; làm cạn kiệt tài nguyên và gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; hoặc chà đạp lên lợi ích quốc gia và đạo lý dân tộc; lơ là trong công tác lãnh đạo quản lý, vi phạm dân chủ và quyền lợi, lợi ích của dân; làm suy giảm niềm tin của nhân dân đối với chế độ, đối với sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước, gây ra những hậu họa khôn lường. Đó là một trong những nguy cơ đe dọa sự tồn vong của chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, là yếu tố cản trở phát triển xã hội. Cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí đang là một thách thức lớn đối với con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam hiện nay.

Thách thức từ biểu hiện suy thóai về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ cũng như những mâu thuẫn xã hội còn diễn biến phức tạp. Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII, Đảng ta nhận định hết sức sâu sắc và mạnh mẽ: Sự suy thóai về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống dẫn tới “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” chỉ là một bước ngắn, thậm chí rất ngắn, nguy hiểm khôn lường, có thể dẫn tới tiếp tay hoặc cấu kết với các thế lực xấu, thù địch, phản bội lại lý tưởng và sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam hiện nay đặt ra sứ mệnh đối với Đảng ta, nhân dân ta và dân tộc ta là phải giữ vững và phát triển đi tới mục tiêu cuối cùng. Đại hội XIII của Đảng đã xác định một trong những nhiệm vụ trọng tâm là: “Tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu, tội phạm và tệ nạn xã hội”[2], xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, nhất là cán bộ cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ....



[1] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.108.

[2] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.118.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét