Trong suốt 10 năm quân ngũ, Vũ Xuân đã có 3 cuộc hành quân từ Bắc vào Nam để góp mình vào cuộc chiến đấu giải phóng dân tộc. Cuốn nhật ký của anh ghi lại khá chi tiết 2 trong 3 cuộc hành quân ấy, đặc biệt nhất là cuộc hành quân thứ ba, từ quê hương Thái Nguyên qua Lào, Campuchia đến mảnh đất cực Nam Tổ quốc để chiến đấu trong đội hình Đoàn 6 Pháo binh.

Thảo thơm những dòng nhật ký
 Bìa cuốn sách.

Suốt chặng đường hành quân dọc dài đất nước, bằng cảm quan tinh tế, Vũ Xuân đã giúp người đọc cảm nhận được vẻ đẹp của giang sơn Tổ quốc: “Ra đường Tỉnh lộ 1, xuống bến phà sông Gianh nhớ lần trước mình qua ngang dòng sông tím ngát, bên bờ những khối núi đá đồ sộ đâm sầm đến mép nước thì dừng lại và nghiêng mình soi bóng ở vùng Xuân Tiến-Minh Tiến-Minh Hóa bằng con đò lịch sử hai đầu cong vút lướt nước... Đứng trên đỉnh đèo phóng tầm mắt ra xa trong nắng nhạt của hoàng hôn đục mờ thấp thoáng những cánh buồm trắng trên mặt biển xanh bao la, những rừng thông trơ trụi vì bom đạn Mỹ mới đốt cháy bám sát hai mép đường”. Phải là người yêu quê hương, đất nước lắm, tác giả cuốn nhật ký mới có thể chắt lọc những câu chữ tươi nguyên vẻ đẹp chân thực như vậy.

Tuy vậy, những người lính phải đối diện với bao gian truân, khó khăn trên chặng đường hành quân, chiến đấu gian khổ. Cuốn nhật ký khắc họa: “Bộ đội ốm như ngả rạ. Những cậu thanh niên trẻ măng, má bụ sữa phinh phính như con gái bỗng nhiên sốt li bì, sờ trán nóng ran. Có cậu sốt 40 độ vẫn lội suối, leo đèo”. Hay cả những hy sinh, mất mát: “Hòa ơi! Vĩnh biệt nhé! Nhớ mãi ngày nào Hòa còn ước mong “sang chỗ Xuân cùng Liên uống nước chè tâm sự”...

Là cán bộ chính trị (từ chính trị viên đại đội đến chính trị viên phó và chính trị viên tiểu đoàn), Vũ Xuân luôn xác định là người đi đầu trong mọi hoàn cảnh, phải là tấm gương sáng để đồng đội noi theo. Những nỗi buồn thương, những giây phút yếu lòng đều được anh kìm giữ trong khoảnh khắc nhỏ bên trang nhật ký, để rồi đọng lại là một Vũ Xuân nhiệt huyết, quyết tâm giương cao ngọn cờ cách mạng trong rèn luyện và chiến đấu. Bởi theo anh: “Để có tất cả phải có những con người dám cống hiến và hy sinh tất cả”.

Vượt qua những khó khăn, trở ngại, Vũ Xuân luôn toát lên ý chí cách mạng cao cả và tình yêu Tổ quốc, yêu quê hương da diết, cháy bỏng: “Tự đáy lòng riêng vẫn thầm ước vọng có một ngày sau khi hoàn thành nhiệm vụ trở lại quê hương dù sức lực chẳng còn là bao để cống hiến”. Nhưng rồi, ước vọng ấy đã vĩnh viễn gửi lại nơi miền Tây mênh mang sóng nước, Vũ Xuân hy sinh trong trận đánh đồn Kênh 2, huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang. Đó là ngày 13-5-1974, trước ngày miền Nam giải phóng gần một năm trời. Khi hy sinh, Vũ Xuân vừa tròn 28 năm tuổi đời, 10 năm tuổi quân.

Khép lại trang cuối của cuốn nhật ký, người đọc vẫn có thể cảm nhận được giữa những vườn thơm ngát hoa trái, những cánh rừng tràm bát ngát vi vu, những dòng kênh chằng chịt dọc ngang nơi miền Tây mênh mang mà ngoan cường, tưởng như Vũ Xuân vẫn đâu đây bên đồng đội thân thương. Lời anh như còn vang mãi đến thế hệ mai sau một ước nguyện đã trở thành hiện thực: “Bàn giao nguyên vẹn giang sơn Việt Nam cho thế hệ tương lai là trách nhiệm của chúng mình, của thế hệ thanh niên đang sống và chiến đấu chống Mỹ này”.