Tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954, tôi là y tá đại đội thuộc Trung đoàn 209, Đại đoàn 312. Đêm trước ngày kết thúc chiến dịch, trận chiến còn diễn ra rất ác liệt ở trung tâm lòng chảo Mường Thanh. Ở đây, tôi đã có kỷ niệm khó quên.
Hôm ấy, tôi cùng y tá Si liên tục lội dưới giao thông hào, bùn nước ngập đến đầu gối để về trạm cứu thương ngã ba Noong Bua. Pháo nổ liên hồi. Đạn lửa bay vèo vèo trên đầu. Sao đêm nay có nhiều thương binh nặng thế? Thương binh về dồn dập, hầu hết đều chưa kịp băng bó, chỉ có thể quan sát vết thương của các anh dưới ánh pháo sáng và chớp đạn. Chúng tôi cứ lặp đi lặp lại động tác sờ mò từng thương binh, lau tạm bùn, máu, băng chặt để cầm máu cho các anh rồi đưa vội về phía sau.
Một lần, tôi và anh Si đang cáng thương binh băng qua Đường 41 thì gặp Cục trưởng Cục Quân y Vũ Văn Cẩn đi kiểm tra. Ông bảo chúng tôi tạm dừng và mở cáng. Đến giờ tôi vẫn nhớ, đôi mày ông bỗng nhíu lại, nét mặt lộ rõ đau xót khi thấy trong cáng, người thương binh nặng vừa ngừng thở khi chưa đến được trạm cấp cứu của Đại đoàn.
Chiều 7-5-1954, toàn thắng đã về ta. Buổi chiều hôm đó, lúc nghe tin chiến thắng cũng là lúc tôi vừa băng bó xong cho những thương binh cuối cùng. Tôi và mấy anh bạn trong hầm tranh thủ mở túi cơm nắm đã ướt nát cùng đồ hộp ra ăn. Sau đó, tôi và anh Si nhảy lên khỏi hào, chạy theo một đơn vị đang tiến rầm rập về phía trung tâm Mường Thanh, hỏi ra mới biết là quân của Tiểu đoàn 130. Lúc ấy, trong lòng tôi có hai cảm giác trái ngược: Dâng trào niềm vui sướng, tự hào của người chiến thắng và tự nhiên thấy thương hại cho kẻ bại trận. Mà hiện diện trước mặt tôi là một người lính Pháp bị thương nặng đang nằm ngay cạnh miệng chiến hào, còn trong các hầm hàm ếch ở đồi 210, trận mưa đêm qua làm đất lở lói, thò ra những cánh tay lòng khòng của xác mấy lính lê dương vừa được chôn vội.
Tôi đi như chạy vào trung tâm lòng chảo Mường Thanh. Tôi vượt qua những ngóc ngách hầm, hào và bước qua những xác chết, thùng, hòm, bạt rách... Người lâng lâng không biết mệt. Run rủi thế nào lại đưa tôi đến trước một hầm quân y của Pháp mở toang. Bên trong căn hầm tối lờ mờ, vắng lặng, trên bàn mổ, nhiều loại dụng cụ, thuốc men còn để ngổn ngang. Bỗng tôi nhìn thấy một hộp đồ mổ còn mới nguyên chưa bóc tem, trên nắp có chữ “abdomen”.
Phản xạ nghề nghiệp làm tôi bật ra câu: “Ồ!” ngạc nhiên và vui mừng. Một bộ đồ mổ xịn chưa bao giờ tôi được biết tới. Tôi vuốt nhẹ một lượt cái hộp láng bóng và nghĩ ngay: Bác sĩ phẫu thuật Trung đoàn ta mà có trong tay bộ đồ mổ này thì còn gì bằng! Tôi liền lấy một mảnh dù trắng bọc hộp đồ mổ lại như trói một tên tù binh và đeo nó lên vai, rồi vội quay đầu bước ra khỏi đống thuốc vỡ nát lẫn trong bùn, máu nhớp nháp, tanh tưởi. Lúc nãy nhảy lên mặt đất cùng anh Si, giờ lạc nhau, chẳng biết anh đang ở đâu, hay anh đã tìm về được đơn vị cũ rồi?...
Ra khỏi hầm quân y Pháp được một đoạn, tôi mới thấy người mệt mỏi rã rời. Cả đêm qua cấp cứu thương binh không lúc nào rời tay và không lúc nào được chợp mắt. Thế là tôi nằm vật ra, ngủ thiếp đi dưới chiếc dù do một anh lính nào đó đã căng sẵn trên bờ chiến hào. Giấc ngủ căng và sâu của người lính quân y vừa trải qua những ngày cấp cứu thương binh ngập đầu trong máu và bùn đất.
Tiếng nổ râm ran xung quanh chợt làm tôi tỉnh giấc. Dụi mắt nhìn lên, bầu trời đang "nở" đầy "hoa cà, hoa cải". Đây là màn “biểu diễn” pháo hoa tự phát trong đêm chiến thắng, từ mọi hướng, mọi ngóc ngách trong lòng chảo, không ai bảo ai, cứ có súng bắn pháo hiệu trong tay là nhất tề nã lên trời. Phút chốc, bầu trời Điện Biên Phủ hiện ra lung linh, rực rỡ, hòa cùng tiếng hò reo của những người thắng trận.
Tờ mờ sáng hôm sau, tôi nhặt thêm một ít đồ hộp thực phẩm cùng “tên tù binh” abdomen hỏi đường tìm về Ban Quân y Trung đoàn 209. Hóa ra tôi cũng không đi xa lắm nơi đơn vị tập kết. Vừa gặp y tá trưởng Vòng, tôi đưa anh xem “tên tù binh”, anh mừng rỡ vỗ vai tôi, bảo: Món quà của Chí quý quá!"
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét