Trong lịch sử xã hội loài người vốn có rất nhiều và rất nhiều những hiện tượng được nảy sinh, phát triển và tồn tại vĩnh hằng trong đó phải kể đến hiện tượng giáo dục, dạy học. Hiện tượng này được thể hiện bằng việc thế hệ trước truyền đạt những kinh nghiệm, những kiến thức, sự hiểu biết... mà loài người đã tích lũy trong suốt cả một quá trình phát triển của xã hội cho các thế hệ nối tiếp sau này. Để cho họ được lĩnh hội và kế thừa một cách có chọn lọc những kinh nghiệm xã hội đó để có thể tham gia tích cực vào những lĩnh vực hoạt động xã hội, tham gia vào quá trình lao động, sản xuất nhằm cải tạo tự nhiên, cải tạo xã hội và cải tạo chính bản thân mình.
Một nền giáo dục hiện đại là một nền giáo dục phải đào tạo ra được những con người biết tạo ra năng suất lao động cao, biết chủ động và sáng tạo, biết phát huy hết năng lực vốn có của mình trong mọi lĩnh vực hoạt động, phấn đấu vì lợi ích của xã hội cũng như vì lợi ích của mình. Do đó giáo dục và đào tạo phải trực tiếp phục vụ cho sự phát triển của đất nước và trước hết là sự phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên để có thể mang lại hiệu quả kinh tế cao, đòi hỏi hoạt động học tập của người học phải là hoạt động sáng tạo, hệ thống những tri thức khoa học, những kỹ năng, kỹ xảo mà người học chiếm lĩnh trong suốt quá trình giáo dục phải gắn liền với thái độ tích cực xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội. Quá trình giáo dục nói chung và quá trình phát triển của mỗi cá nhân ngày càng phong phú nhưng cũng ngày càng phức tạp, cả về nội dung lẫn hình thức, phương pháp và cách thức tổ chức thực hiện. Ngay cả trong hệ thống giáo dục quốc dân ở từng quốc gia riêng rẽ cũng liên tục biến đổi theo xu thế “các hệ thống này vươn tới hình thức toàn dân cùng tham gia vào công tác giáo dục, vào quá trình giáo dục” dưới dạng này hay dạng khác có thể nói là trên một qui mô chưa từng có.
Giáo dục với vai trò và chức năng của nó phải là nhân tố chính yếu, tích cực và linh hoạt trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước, xã hội. Trong bất kỳ một xã hội nào cũng thế, đặc biệt là trong xã hội văn minh và tiến bộ như hiện nay thì giáo dục lại càng giữ một vai trò và vị trí cực kỳ quan trọng. Một nền giáo dục có chất lượng, phát triển vững mạnh thì sẽ mang lại cho quốc gia một đội ngũ những con người giàu tri thức, sẽ là một động lực lớn thúc đẩy quốc gia đó tiến bộ và phát triển không ngừng. Bác Hồ thuở sinh thời có dạy:
“Vì lợi ích mười năm trồng cây
Vì lợi ích trăm năm trồng người”
Rõ ràng, ngay từ trước Người đã thấy được vai trò của giáo dục trong sự nghiệp trồng người. Giáo dục hiện nay còn được thừa nhận không phải là yếu tố phi sản xuất, tách rời sản xuất mà nó là yếu tố cấu thành nền sản xuất của xã hội. Đầu tư cho giáo dục chính là một sự đầu tư vô cùng cần thiết, là đầu tư cơ bản, tạo ra tiền đề để phát triển kinh tế - xã hội. Thực tiễn đã chỉ ra được một điều rằng không có quốc gia nào muốn phát triển lại đầu tư ít cho giáo dục, cho nên cuộc chạy đua hiện nay giữa các quốc gia trên thế giới về kinh tế chẳng qua là cuộc chạy đua về khoa học và công nghệ, là cuộc chạy đua về giáo dục và đào tạo, chạy đua nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Như vậy suy cho cùng sự nghiệp giáo dục có một vị trí rất quan trọng trong chiến lược xây dựng con người, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của mỗi một quốc gia. Và như Bác Hồ đã nói: “một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”, ngay thực tế ở nước ta mặt bằng dân trí còn thấp so với yêu cầu của thời đại cũng như so với nhiều nước khác trên thế giới và một điều đáng ngại hơn là, mặc dù suốt mấy chục năm qua nước ta đã cố gắng nhiều để đạt được con số là 88% dân số biết chữ, nhưng hiện nay lại đang diễn ra hiện tượng tái mù cũng hết sức nghiêm trọng nhất là đối với các tỉnh miền núi và vùng sâu, vùng xa.
Cho nên xét trong phạm vi giáo dục, các luận điểm đó cũng chính là căn cứ xuất phát, là những cơ sở để dựa vào đó chúng ta có thể thiết kế các mục tiêu giáo dục cho các giai đoạn khác nhau (cho hiện tại cũng như cho tương lai gần hoặc xa). Mặt khác chúng ta cần phải hiểu và cần phân biệt được sự khác nhau cơ bản và đó cũng là căn cứ duy nhất để một lần nữa khẳng định được vai trò thật sự to lớn của giáo dục. Trong quá trình sản xuất ra những sản phẩm cần thiết để phục vụ cho chính bản thân con người cũng như cho xã hội, quá trình đó con người đã tạo ra vô số, vô số những sản phẩm hoàn chỉnh nhưng đồng thời bên cạnh đó con người cũng đã tạo ra những “phế phẩm” và đó là một điều tất nhiên mà chúng ta không thể nào tránh né được. Nhưng trong quá trình giáo dục, thì sản phẩm của một nền giáo dục đòi hỏi phải là những sản phẩm “hoàn hảo”, và tuyệt đối không được tạo ra những “phế phẩm”.
Do vậy, giáo dục không chỉ có riêng ở việc truyền đạt tri thức, sự hiểu biết mà giáo dục trong thời đại ngày nay cũng như trong bất kỳ một thời đại nào cũng vậy nó cần cả giáo dục về nhân cách, đạo đức, lối sống. Đó là những phẩm chất phải đồng thời cùng tồn tại song song trong mỗi con người, bởi vì như Bác đã dạy chúng ta: Có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó, ngược lại người có tài mà không có đức là người vô dụng. Vì vậy giáo dục ở đây phải là một nền giáo dục có chiều sâu lẫn cả về chiều rộng tức là một nền giáo dục phải hội đủ tất cả các mặt: đức, trí, thể, mỹ. Và đặc biệt là cũng cần phải coi trọng giáo dục lòng tự hào về truyền thống yêu nước hào hùng của dân tộc, về truyền thống cách mạng vẻ vang của ông cha ta. Cho nên cần phải làm cho toàn xã hội có một cái nhìn, một thái độ tôn trọng vai trò của giáo dục, cũng như thái độ tôn trọng những người có tài năng vì “hiền tài là nguyên khí của quốc gia”. Bởi thế, muốn tạo ra được những sản phẩm của giáo dục đạt được những phẩm chất như trên, muốn hướng con người theo những chuẩn mực đạo đức chung mà xã hội đã đặt ra thì cần phải biết kết hợp chặt chẽ và hài hoà giữa các môi trường giáo dục: giáo dục gia đình kết hợp với giáo dục nhà trường và giáo dục xã hội. Bởi:
“Hiền dữ phải đâu là tính sẵn
Phần nhiều do giáo dục mà nên”.
Nói tóm lại trong sự nghiệp xây dựng đất nước hiện nay theo con đường xã hội chủ nghĩa chúng ta đã, đang và phải quan tâm, chú trọng đến rất nhiều vấn đề trong đó không thể thiếu vấn đề giáo dục. Vì chính nó đã đào tạo ra đội ngũ những con người có tri thức, hiểu biết hay nói một cách khác là đào tạo và bồi dưỡng nguồn nhân lực cho đất nước. Thế nhưng, muốn cho sự nghiệp giáo dục thực hiện được nhiệm vụ lớn lao ấy thì chúng ta phải từng bước cũng cố hệ thống giáo dục. Cụ thể là cần nâng cao trình độ cho đội ngũ những người làm công tác giảng dạy theo phương châm “thầy ra thầy”, cải tiến phương pháp giảng dạy và học tập nhằm nâng cao tinh thần ham học hỏi, tính năng động của người học, làm cho quá trình giáo dục kết hợp với quá trình tự giáo dục. Chỉ có như vậy mới có thể tạo ra được những con người có bản lĩnh và có tri thức thật sự đáp ứng đúng như mong muốn của chúng ta
Thứ Hai, 29 tháng 7, 2024
Vai trò của giáo dục với nhân cách con người và sự phát triển của quốc gia.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét