Những hoạt động tri ân thế hệ cha ông không chỉ như một cây cầu kết nối giữa quá khứ và hiện tại, nhắc nhở mỗi người về những bài học lịch sử và giá trị văn hóa cần được bảo tồn mà còn là nền tảng để con người trở nên nhân văn hơn. Trong truyền thống văn hóa dân tộc, lòng biết ơn luôn được coi là một trong những giá trị cao quý nhất, đặc biệt là sự biết ơn đối với những người có công với nhân dân, với dân tộc. Đây không chỉ là một hành vi xã hội mà còn là một biểu hiện sâu sắc của văn hóa và đạo đức. Văn hóa biết ơn không dừng lại ở việc nói lời cảm ơn mà còn thể hiện qua những ứng xử tôn trọng và tri ân, dưới nhiều hình thức khác nhau.

Văn hóa tri ân
Ảnh minh họa: Kinhtevadothi.vn 

Trong kho tàng văn học dân gian Việt Nam có rất nhiều câu chuyện, thành ngữ, tục ngữ, ca dao về lòng biết ơn. Dịp lễ như Ngày Thương binh-Liệt sĩ là cơ hội để mọi người thể hiện lòng biết ơn đối với những người hy sinh vì đất nước. Suốt 77 năm qua, thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta luôn quan tâm chăm lo, thực hiện tốt công tác đền ơn đáp nghĩa đối với người có công với cách mạng và thân nhân. Đến nay, 99% hộ người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của người dân nơi cư trú và 99% xã, phường làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ. Chính phủ cũng mới ban hành Nghị định số 77/2024/NĐ-CP, nâng mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng từ 2,055 triệu đồng lên 2,789 triệu đồng (tăng 35,7%), cao hơn một bậc so với mức lương cơ sở... cho thấy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” ngày càng được quan tâm, phát huy mạnh mẽ.

Tuy nhiên, bên cạnh những việc làm thiết thực đó, vẫn còn không ít kiểu tri ân hình thức hoặc mang tính “xuân thu nhị kỳ”. Lòng biết ơn chỉ thực sự có ý nghĩa khi tri ân không chỉ là trách nhiệm mà còn là tình cảm từ đáy lòng. Bởi vậy, cốt ở lòng thành, sự tự nguyện, mong muốn đền đáp vô tư, trong sáng như hành động của những người đã quên cả thân mình đem lại hạnh phúc, bình yên cho người khác. Nhận thức này, tình cảm này là cả một quá trình dài với những thực hành thường xuyên, liên tục để biến những cảm xúc cá nhân thành giá trị truyền thống và đạo đức xã hội. Điều này cần có sự chung sức, đồng lòng của nhiều thế hệ cùng với sự định hướng của cả hệ thống chính trị trong công tác giáo dục, để phong trào đền ơn đáp nghĩa trở nên sâu rộng, thiết thực, phù hợp, trở thành một nếp sống và một giá trị văn hóa cộng đồng.

THU HÀ

nguồn báo quân đội nhân dân