Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) là loại thuế được tính trực tiếp trên thu nhập của người lao động, là khoản tiền mà người có thu nhập phải trích nộp trong một phần tiền lương, hoặc từ các nguồn thu khác vào ngân sách nhà nước sau khi đã được giảm trừ.
Theo quy định hiện hành, mức khởi điểm của đối tượng nộp thuế thu nhập cá nhân là 11 triệu đồng/tháng và mức giảm trừ đối với mỗi người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng. Mức giảm trừ này được áp dụng từ năm 2020, trong khi từ đó đến nay, nhiều hàng hóa, dịch vụ thiết yếu đều tăng rất nhanh, thậm chí có mặt hàng còn tăng nhanh hơn thu nhập của người lao động.
Những quy định hiện hành về thuế TNCN đang khiến nhiều người băn khoăn, nhất là khi mức lương cơ sở vừa mới tăng 30% từ ngày 1-7. Với thu nhập tăng thêm này, sẽ có thêm nhiều người phải nộp thuế TNCN, nhưng việc nộp thuế không còn là niềm vui được tham gia đóng góp một phần vào ngân sách quốc gia mà thay vào đó là phải chấp hành!
Có thể thấy, những quy định về nộp thuế TNCN như trên chưa phản ánh đúng thực chất về chất lượng cuộc sống hiện nay, nhất là ở các thành phố lớn. Làm phép tính đơn giản với một gia đình mà cả vợ và chồng đều là những người làm công ăn lương, có hai con nhỏ, sinh sống ở thành phố, chắc chắn chi phí sinh hoạt, chi phí nuôi con sẽ chiếm phần lớn nguồn thu nhập của gia đình.
Chưa kể, nếu phải thuê nhà và các khoản chi phí phát sinh đột xuất, như ốm đau, bệnh tật... thì gia đình đó sẽ luôn trong tình trạng “thắt lưng buộc bụng”, thậm chí là “giật gấu vá vai”, chi tiêu eo hẹp. Nhưng với mức khởi điểm nộp thuế và mức giảm trừ như hiện nay, rất có thể họ vẫn trong diện phải nộp thuế TNCN...
Xét cho cùng, thuế TNCN chỉ thực sự có ý nghĩa khi không làm ảnh hưởng đến thu nhập và chất lượng cuộc sống của người nộp thuế. Hay nói cách khác, người nộp thuế trước tiên phải được thỏa mãn về mức độ thụ hưởng, có “cơm ngon, áo đẹp” và cảm thấy vui vẻ với phần thu nhập nộp về ngân sách nhà nước. Với nhiều người làm công ăn lương, dù mức lương cơ sở đã được tăng thêm 30%, nhưng vẫn chỉ đạt mức thu nhập trung bình, nếu khéo chi tiêu, “co kéo” thì mới đáp ứng được mức sống trung bình ở các thành phố lớn. Rõ ràng, khi họ còn đang phải nghĩ chuyện “cơm áo”, nhưng vẫn trong diện nộp thuế TNCN thì đương nhiên sẽ thêm một gánh nặng và việc tăng lương sẽ giảm đi phần nào ý nghĩa.
Bởi vậy, cần sớm thay đổi cách tiếp cận khi tính thuế TNCN, không thể chỉ căn cứ vào tiền lương, thu nhập để đưa ra mức khởi điểm nộp thuế TNCN và mức giảm trừ. Quan trọng hơn là phải tính đến những yếu tố về chất lượng cuộc sống, chi phí sinh hoạt giữa các vùng, miền, khu vực... để có cách tính phù hợp.
MINH MẠNH
nguồn báo quân đội nhân dân
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét