Chủ Nhật, 28 tháng 7, 2024

Vì sao không phát hiện được cán bộ yếu kém?

 Một trong những vi phạm phổ biến nhất trong công tác cán bộ đó là vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng. Khi nguyên tắc tập trung dân chủ bị lợi dụng, biến thành “bình phong” cho những toan tính lợi ích cá nhân với sự giúp sức, hợp thức hóa của tổ chức thì rất nguy hại.

Đề cập đến thực trạng này, theo PGS, TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng: Việc vi phạm các nguyên tắc của Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ đang diễn ra khá phổ biến, nghiêm trọng trong công tác quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ ở nhiều tổ chức đảng hiện nay. Biểu hiện trước tiên là việc góp ý, giới thiệu nhân sự trong tổ chức đảng trở nên hình thức, thiếu thực chất.

Tình trạng thảo luận xuôi chiều, thiếu tranh luận, thiếu phản biện... để tìm ra nhân sự đáp ứng các tiêu chí “hiền, tài”. Thay vào đó, việc áp đặt ý kiến chỉ đạo của các đồng chí chủ trì cấp ủy, thiếu sự trao đổi của các thành viên cấp ủy chưa được khắc phục. Không ít cấp ủy viên, đảng viên khi thảo luận thì không dám thể hiện chính kiến của mình để bảo vệ cán bộ tốt, cán bộ uy tín. Đó là nguyên nhân dẫn đến tình trạng bố trí, bổ nhiệm con, em, người thân của lãnh đạo các cấp chưa đủ tiêu chuẩn, điều kiện vào những vị trí quan trọng; dẫn tới nguy cơ tạo ra những “ê kíp” cán bộ vận động theo hướng tiêu cực và tạo nên “trào lưu” cán bộ, đảng viên tìm mọi cách chạy quy hoạch, chạy chức, chạy quyền...

Theo PGS, TS Nguyễn Trọng Phúc: Việc tổ chức đảng mất sức chiến đấu là hết sức nguy hại. Nhưng đau lòng hơn, quan ngại hơn là tình trạng ngay chính trong nội bộ ban thường vụ, cấp ủy hoặc nội bộ tổ chức lại có những cá nhân ngầm “bắt tay nhau” vì lợi ích nhóm. Với uy quyền và điều kiện sẵn có, một số cán bộ, đảng viên cố tình kéo bè kéo cánh, cùng thực hiện những “thương vụ” trong quá trình tiến hành công tác cán bộ.

Bàn về thực trạng nêu trên, PGS, TS Lê Quang Phi (thị xã Sơn Tây, TP Hà Nội) khẳng định: Dù BCH Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành hệ thống quy định, cơ chế đồng bộ, toàn diện, tạo nên sự ràng buộc về mặt pháp lý khá chặt chẽ, nhưng con người thực hiện mới là nhân tố quyết định hiệu quả của chủ trương. Một khi nội bộ tổ chức đảng, tập thể cơ quan, đơn vị, địa phương không tự giác thực hiện đầy đủ, cố tình bao che, che chắn cho nhau thì cơ quan và tổ chức đảng cấp trên cũng rất khó phát hiện, thực thi hiệu quả.

Từ những vụ việc xảy ra trong thời gian qua cho thấy, đã có một số tổ chức, địa phương, ban, ngành cố tình bỏ qua hoặc vận hành sơ sài, chiếu lệ, đối phó trong tiến hành công tác quy hoạch cán bộ; nhất là việc thực hiện các quy trình, tiêu chuẩn lựa chọn cán bộ, lựa chọn nhân sự bổ nhiệm hoặc bầu vào các cơ quan lãnh đạo các cấp của Đảng, Nhà nước. Một số ban thường vụ, BCH đảng bộ cấp tỉnh, huyện (và tương đương) có triển khai nhưng làm chưa đầy đủ, chưa tròn trách nhiệm; có nơi đánh giá cán bộ cảm tính, áp đặt, chưa toàn diện mà chủ yếu dựa vào tiêu chí bằng cấp... dẫn đến những quyết định sai lầm trong lựa chọn, quy hoạch, bổ nhiệm, sử dụng cán bộ. Không ít trường hợp cán bộ đã vào quy hoạch là cứ thế phát triển với một bộ hồ sơ rất đẹp...

Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XI của Đảng đến nay cho thấy, ở một số đảng bộ vẫn diễn ra thực trạng, nhân sự chọn ai hoàn toàn thuộc vào ý chí chủ quan của những người nắm quyền quyết định, tức là lạm quyền trong công tác cán bộ. Trong khi đó, các quy trình, thủ tục được tiến hành xem ra chỉ là cách hợp lý hóa, hợp thức hóa quyết định nhân sự của người nắm quyền lực và cũng là tấm khiên, tấm mộc để đối phó với công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát của cấp có thẩm quyền.

Phải chăng công tác giám sát, kiểm soát quyền lực đang được vận hành yếu kém, hay có những vướng mắc khách quan? Những vấn đề này cần được làm sáng tỏ và phải sớm sửa chữa triệt để thì công tác cán bộ nói chung, công tác quy hoạch cán bộ nói riêng mới đi vào thực chất, hiệu quả.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét