Chủ Nhật, 10 tháng 11, 2024

HRW KHÔNG THỂ PHỦ NHẬN ĐƯỢC QUAN ĐIỂM CỦA VIỆT NAM VỀ NHÂN QUYỀN.

Mấy ngày qua, trên các trang báo, trang tin, nền tảng mạng xã hội đưa rất nhiều thông tin về chuyến thăm Hoa Kỳ của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm. Bên cạnh những thông tin tích cực, mang tính xây dựng, có không ít thông tin tiêu cực, nói xấu, bôi nhọ Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm. Khi đưa tin về chuyến thăm này trên VOA Tiếng Việt đã dẫn lời của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) cho rằng: “Lãnh đạo Tô Lâm của Việt Nam xưa nay vẫn là kẻ vi phạm nhân quyền”. Chưa dừng ở đó, HRW còn cho rằng: “Ông Tô Lâm, tân Chủ tịch nước của Việt Nam là một trong số nhiều nhà lãnh đạo thế giới có hồ sơ nhân quyền kém cỏi đến thăm thành phố New York trong tuần này để tham dự cuộc họp cấp cao của Đại hội đồng Liên hợp quốc”…

Đây là những luận điệu hết sức sai trái, nói xấu, xuyên tạc quan điểm của Nhà nước Việt Nam về thúc đẩy nhân quyền, phủ nhận những thành tựu mà Việt Nam đã đạt được trong phát triển và bảo vệ quyền con người.

Tôn trọng và bảo vệ nhân quyền là một chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước Việt Nam. Trong suốt chiều dài lịch sử, loài người luôn đấu tranh nhằm giải phóng con người, xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Trong một thời gian dài dân tộc Việt Nam bị nước ngoài đô hộ, phải gánh chịu những hy sinh to lớn để giành độc lập dân tộc và tự do của Tổ quốc. Bằng cuộc đấu tranh bất khuất, kiên cường qua nhiều thế kỷ, dân tộc Việt Nam đã khẳng định rằng, quyền thiêng liêng, cơ bản nhất của con người là quyền được sống trong độc lập, tự do, quyền được tự quyết định vận mệnh của mình. Đây cũng chính là nguyên tắc có tính nền tảng về quyền tự quyết dân tộc đã được khẳng định trong Hiến chương Liên hợp quốc và tại Điều 1 của cả hai Công ước quốc tế cơ bản nhất của Liên hợp quốc về quyền con người: Công ước quốc tế về các quyền Kinh tế, Xã hội, Văn hóa và Công ước quốc tế về các quyền Dân sự và Chính trị.

Nhà nước Việt Nam luôn xác định con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự nghiệp xây dựng đất nước. Nhà nước Việt Nam khẳng định con người là trung tâm của các chính sách kinh tế - xã hội, thúc đẩy và bảo vệ quyền con người là nhân tố quan trọng cho sự phát triển bền vững, bảo đảm thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước. Mọi chủ trương, đường lối, chính sách của Việt Nam đều nhằm phấn đấu cho mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, tất cả vì con người và cho con người.

Từng là nạn nhân của nhiều cuộc chiến tranh xâm lược, bị vi phạm lớn nhất quyền con người, hơn ai hết Việt Nam hiểu rõ rằng, quyền con người vừa mang tính phổ biến, thể hiện khát vọng chung của nhân loại, được ghi trong Hiến chương của Liên hợp quốc, vừa có tính đặc thù đối với từng xã hội và cộng đồng. Chính phủ Việt Nam cho rằng, trong một thế giới ngày càng đa dạng, khi tiếp cận và xử lý vấn đề quyền con người cần kết hợp hài hòa các chuẩn mực, nguyên tắc chung của luật pháp quốc tế với những điều kiện đặc thù về lịch sử, chính trị, kinh tế - xã hội, các giá trị văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục tập quán của mỗi quốc gia và khu vực. Không một nước nào có quyền áp đặt mô hình chính trị, kinh tế, văn hóa của mình cho một quốc gia khác. Việt Nam cho rằng, cần tiếp cận một cách toàn diện tất cả các quyền con người về dân sự, chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa trong một tổng thể hài hòa, không được xem nhẹ bất cứ quyền nào. Đồng thời, các quyền và tự do của mỗi cá nhân chỉ có thể được bảo đảm và phát huy trên cơ sở tôn trọng quyền và lợi ích chung của dân tộc và cộng đồng; quyền lợi phải đi đôi với nghĩa vụ đối với xã hội. Việc chỉ ưu tiên hoặc tuyệt đối hóa các quyền dân sự, chính trị và một số quyền tự do cá nhân, không quan tâm thích đáng đến quyền phát triển, các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa của cả cộng đồng là cách đề cập phiến diện, không phản ánh đầy đủ bức tranh toàn cảnh về quyền con người.

Chính phủ Việt Nam cho rằng, việc bảo đảm và thúc đẩy quyền con người trước hết là trách nhiệm và quyền hạn của mỗi quốc gia. Các quốc gia có trách nhiệm xây dựng hệ thống pháp luật trong nước phù hợp với các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, đặc biệt là Hiến chương Liên hợp quốc có tính đến hoàn cảnh của mỗi nước để bảo đảm cho người dân được thụ hưởng quyền con người một cách tốt nhất. Do khác biệt về hoàn cảnh lịch sử, chế độ chính trị, trình độ phát triển, giá trị truyền thống văn hóa… nên cách tiếp cận về quyền con người của mỗi quốc gia có thể khác nhau. Việc hợp tác và đối thoại giữa các quốc gia để thúc đẩy và bảo vệ quyền con người là một yêu cầu cần thiết và khách quan. Việt Nam ủng hộ việc tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực quyền con người trên cơ sở đối thoại bình đẳng, xây dựng, tôn trọng và hiểu biết lẫn nhau, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, vì mục tiêu chung là thúc đẩy và bảo vệ ngày càng tốt hơn các quyền con người. Việt Nam cũng cho rằng, không nước nào có quyền sử dụng vấn đề quyền con người làm công cụ can thiệp vào công việc nội bộ các quốc gia, gây đối đầu, gây sức ép chính trị, thậm chí sử dụng vũ lực hoặc làm điều kiện trong quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại... với nước khác.

Các quan điểm nêu trên của Việt Nam hoàn toàn phù hợp với các nguyên tắc, nội dung cơ bản và xu thế phát triển theo hướng tiến bộ của luật pháp quốc tế nói chung và trong lĩnh vực quyền con người nói riêng.

Những giọng điệu của HRW không chỉ đơn thuần là nói xấu Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm mà sâu xa hơn là nói xấu lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam, hạ thấp uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế. Nhưng dù bằng luận điệu, chiêu trò gì đi chăng nữa, thì VOA và HRW cũng không phủ nhận được thực tế. Tôn trọng và bảo vệ nhân quyền là một chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước Việt Nam và điều này được thể hiện rõ trong bản Tuyên ngôn độc lập và trong Hiến pháp. Đảng và Nhà nước ta luôn xác định quyền con người là giá trị chung của nhân loại; bảo đảm và thúc đẩy quyền con người là nhân tố quan trọng cho sự phát triển bền vững./.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét