Nhân dịp kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống của Ban Đối ngoại Trung ương (1/11/1949-1/11/2024), Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn trả lời phỏng vấn báo chí về công tác phối hợp giữa Ban Đối ngoại Trung ương và Bộ Ngoại giao trong thời gian qua và phương hướng hợp tác giữa hai cơ quan trong thời gian tới.
Phóng viên: Xin Phó Thủ tướng, Bộ trưởng cho biết công tác phối hợp giữa Ban Đối ngoại Trung ương và Bộ Ngoại giao trong thời gian qua và phương hướng hợp tác giữa hai cơ quan trong thời gian tới?
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn: Sự kết hợp giữa đối ngoại Đảng và ngoại giao Nhà nước vừa là truyền thống tốt đẹp, vừa là bản sắc độc đáo của đối ngoại - ngoại giao Việt Nam mà ít nước nào có được. Cùng với đối ngoại Nhân dân, đối ngoại Đảng và ngoại giao Nhà nước đã tạo nên ba chân kiềng của đối ngoại Việt Nam. Chính vì thế, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII lần đầu tiên đã xác định “xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại với ba trụ cột là đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại Nhân dân”.
Với tinh thần “tác chiến hiệp đồng, lập công tập thể”, sự gắn kết, phối hợp giữa Ban Đối ngoại và Bộ Ngoại giao trong thời gian qua rất chặt chẽ, đồng bộ, hiệu quả, trên cơ sở phát huy thế mạnh của từng trụ cột, từng cơ quan để tạo nên sức mạnh tổng hợp của nền đối ngoại - ngoại giao Việt Nam, góp phần vào những thành tựu đối ngoại “quan trọng, có ý nghĩa lịch sử” như đánh giá của lãnh đạo Đảng và Nhà nước.
Sự phối hợp này thể hiện rất rõ trên tất cả các lĩnh vực công tác đối ngoại, đó là:
Trước hết là phối hợp tham mưu, thể chế hóa chủ trương, đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, nhiều văn kiện đối ngoại rất quan trọng về đối ngoại đã được thông qua, nổi bật là Nghị quyết 34, Kết luận 71, Đề án 01, Chỉ thị 12… và cụ thể hóa bằng các đề án, chiến lược, chính sách cụ thể.
Thứ hai, trong việc triển khai đối ngoại, dưới sự chỉ đạo, lãnh đạo chung của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Đối ngoại và Bộ Ngoại giao như hai trong một, gắn kết hiệp đồng, cùng phối hợp triển khai các nhiệm vụ đối ngoại, nhất là trong việc tổ chức các hoạt động đối ngoại của Lãnh đạo Đảng và Nhà nước.
Thứ ba, phối hợp phát huy thế mạnh của từng cơ quan, có sự phân vai, phân nhiệm của từng trụ cột trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ đối ngoại để tạo hiệu quả cao nhất. Ở từng lúc, từng nơi và với từng đối tượng cụ thể, chúng ta đã phát huy vai trò của đối ngoại đảng trong củng cố nền tảng chính trị và của ngoại giao nhà nước trong thúc đẩy quan hệ mọi mặt với các nước, các đối tác.
Từ những bài học thành công trên, trong giai đoạn tới, tôi cho rằng điều quan trọng là hai trụ cột sẽ tiếp tục cùng đồng sức, đồng lòng phát huy vai trò tiên phong của đối ngoại trong việc tạo lập và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, tranh thủ các nguồn lực và điều kiện thuận lợi bên ngoài để phát triển, nâng cao vị thế và uy tín đất nước; khẳng định đóng góp to lớn của đối ngoại trong việc bảo vệ tổ quốc từ sớm, từ xa và nâng cao sức mạnh tổng thể của đất nước; góp phần đắc lực vào việc hiện thực hóa các mục tiêu chiến lược đến năm 2030 và 2045, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình.
Để làm được điều đó, trước hết, cần tiếp tục đề cao sự lãnh đạo tuyệt đối, toàn diện của Đảng về đối ngoại, trong đó đối ngoại đảng đóng vai trò định hướng, tham mưu chiến lược, ngoại giao nhà nước là lực lượng chủ công trong tham mưu chiến lược, tổ chức triển khai, phát huy sức mạnh tổng thể của mặt trận đối ngoại trong kiến tạo cục diện đối ngoại có lợi cho hòa bình, ổn định và phát triển của đất nước.
Thứ hai, trước những thay đổi nhanh chóng trong tình hình quốc tế hiện nay, cần tiếp tục đổi mới tư duy, mở đường, kịp thời phối hợp để nắm bắt đúng và trúng những bước chuyển của thời đại, từ đó tạo dựng môi trường thuận lợi cho công cuộc phát triển đất nước.
Thứ ba, cần tiếp tục nâng tầm các cơ chế phối hợp, nhất là trong chia sẻ, trao đổi thông tin, từ đó tạo sự nhất trí, đồng thuận tham mưu cho lãnh đạo Đảng và Nhà nước trong chỉ đạo, tổ chức triển khai công tác đối ngoại, khai phá và mở ra những hướng đi mới phục vụ tốt nhất cho những lợi ích của đất nước.
Cuối cùng, cần phối hợp xây dựng nền đối ngoại, ngoại giao thời đại mới, toàn diện, hiện đại, chuyên nghiệp tương xứng với tầm vóc lịch sử, văn hóa và vị thế kinh tế, chính trị của đất nước, ngang tầm khu vực và quốc tế.
Đặc biệt, kế thừa lời dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người sáng lập ra nền đối ngoại - ngoại giao Việt Nam hiện đại, là “cán bộ là cái gốc của mọi việc”, cùng quan tâm đào tạo đội ngũ cán bộ đối ngoại chất lượng cao, có bản lĩnh chính trị vững vàng, chuyên môn đối ngoại tốt, luôn đặt lợi ích quốc gia - dân tộc lên trên hết, tiếp bước các thế hệ cha anh đi trước để tiếp tục đóng góp nhiều hơn nữa vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét