CUỐN SÁCH “XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN
NỀN VĂN HÓA VIỆT NAM TIÊN TIẾN, ĐẬM ĐÀ BẢN SẮC DÂN TỘC” CỦA CỐ TỔNG BÍ THƯ NGUYỄN
PHÚ TRỌNG KHÔNG PHẢI LÀ SỰ ÁP ĐẶT TƯ TƯỞNG CÁ NHÂN
Gần đây, việc xuất bản cuốn sách “Xây dựng và phát
triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” của Tổng Bí thư
Nguyễn Phú Trọng đã bị các thế lực thù địch tung ra nhiều bài viết xuyên tạc,
chống phá. Điển hình trên trang “Bbc” đã có bài viết với tiêu đề: “Tổng Bí thư
tiếp tục ra sách: Truyền bá “Tư tưởng Nguyễn Phú Trọng”?”, nội dung bài viết
cho rằng đây là một nỗ lực để áp đặt tư tưởng cá nhân hoặc nói cách khác là “tư
tưởng Nguyễn Phú Trọng” lên xã hội Việt Nam. Những quan điểm này, không chỉ
thiếu căn cứ mà còn thể hiện sự hiểu biết sai lầm hoặc cố tình xuyên tạc mục
đích của cuốn sách cũng như vai trò của Tổng Bí thư.
Thứ nhất, cuốn sách khẳng định vai trò của văn hóa trong
sự nghiệp phát triển đất nước, không phải là sự áp đặt tư tưởng cá nhân
Cuốn
sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một tài liệu quý giá giúp định hướng
phát triển văn hóa đất nước. Bản thân Tổng Bí thư đã nhiều lần khẳng định rằng
văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là động lực phát triển kinh tế và là
cơ sở để xây dựng và củng cố hệ thống chính trị. Trong lời giới thiệu cuốn
sách, Tổng Bí thư nhấn mạnh rằng mục tiêu của ông là “kế thừa và phát triển những giá trị văn hóa tốt
đẹp của dân tộc, kết hợp với tinh hoa văn hóa nhân loại”
Việc các lãnh đạo viết sách để truyền bá tư tưởng
không phải là điều mới mẻ hay không cần thiết. Trên thế giới, các lãnh đạo từ
nhiều quốc gia khác nhau đã từng xuất bản các tác phẩm để chia sẻ tầm nhìn,
triết lý và chiến lược của họ. Điển hình là cuốn “The Audacity of Hope” của
Barack Obama hay “The Art of the Deal” của Donald Trump, những tác phẩm này đều
nhằm mục đích chia sẻ tầm nhìn của tác giả và không bị chỉ trích là áp đặt tư
tưởng cá nhân.
Thứ hai, cuốn sách nhấn mạnh vào giá trị văn hóa dân tộc
và sự phát triển bền vững, không phải là công cụ để tôn sùng cá nhân
Một trong những luận điểm quan trọng của cuốn sách là
sự nhấn mạnh vào việc xây dựng một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến nhưng vẫn giữ
gìn được bản sắc dân tộc. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn khẳng định rằng văn
hóa là “hồn cốt của dân tộc”, và việc phát triển văn hóa phải dựa trên cơ sở
tôn trọng và phát huy các giá trị truyền thống.
Ngoài
ra, cuốn sách cũng đặt ra mục tiêu phát triển bền vững thông qua việc xây dựng
một xã hội dựa trên các giá trị văn hóa. Tổng Bí thư đã chỉ ra rằng văn hóa
không chỉ là mục tiêu mà còn là động lực cho sự phát triển kinh tế và xã hội.
Đây không phải là một luận điểm mới, mà là sự tiếp nối của các chính sách văn
hóa đã được Đảng Cộng sản Việt Nam theo đuổi từ lâu. Ví dụ, Nghị quyết Trung
ương 5 khóa VIII đã khẳng định rằng “văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là
mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội.”
Thứ ba, việc truyền bá tư tưởng qua sách là một phần của
chiến lược truyền thông hiện đại, không phải là hành động tôn sùng cá nhân
Trong thời đại kỹ thuật số, việc truyền bá tư tưởng và
chính sách thông qua các phương tiện truyền thông hiện đại, bao gồm cả sách vở,
là một phần quan trọng của chiến lược truyền thông. Việc xuất bản sách là cách
để lãnh đạo có thể chia sẻ sâu rộng hơn về tầm nhìn và chiến lược của mình đối
với đất nước, giúp người dân hiểu rõ hơn về định hướng phát triển. Điều này,
không nên bị coi là hành động tôn sùng cá nhân mà là một phương tiện để giúp
người dân hiểu rõ về chủ trương, chính sách của Đảng trong công cuộc phát triển
đất nước.
Thay vì coi việc xuất bản sách của lãnh đạo là hành
động mang tính cá nhân, chúng ta nên nhìn nhận vấn đề như một cách thức khẳng
định quyền tự do thông tin và truyền thông. Tại Việt Nam, việc khuyến khích
người dân tham gia vào các cuộc thảo luận về chính sách và định hướng phát
triển là một phần quan trọng của chiến lược phát triển đất nước. Các cuộc thi
tìm hiểu về sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hay các buổi hội thảo về cuốn
sách đều nhằm mục đích này, giúp nâng cao nhận thức và khuyến khích sự tham gia
của toàn xã hội.
Thứ tư, ngân sách dành cho việc xuất bản sách của Tổng
Bí thư được quản lý minh bạch và nằm trong chính sách phát triển văn hóa, tư
tưởng của Đảng.
Chúng ta đều nhận thức rõ việc đầu tư cho văn hóa, tư
tưởng là đầu tư cho sự phát triển lâu dài của quốc gia. Việc xuất bản các cuốn
sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được hỗ trợ từ ngân sách là hoàn toàn hợp
lý và minh bạch. Ngân sách này không chỉ đơn thuần phục vụ cho việc in ấn sách
mà còn bao gồm cả các hoạt động quảng bá, tuyên truyền nhằm lan tỏa những giá
trị văn hóa, tư tưởng đến rộng rãi quần chúng. Việc sử dụng ngân sách nhà nước
cho các hoạt động văn hóa và tư tưởng đã được quy định rõ ràng trong các chính
sách phát triển của Đảng và Nhà nước. Điều này, giúp củng cố nền tảng văn hóa
tư tưởng, tạo ra động lực phát triển bền vững cho xã hội. Thông tin về chi phí
và ngân sách đều được quản lý và giám sát chặt chẽ, đảm bảo tính minh bạch và
hiệu quả trong việc sử dụng. Sự đầu tư này nhằm mục đích phát triển văn hóa,
giáo dục và tư tưởng, qua đó thúc đẩy sự phát triển toàn diện và bền vững của
đất nước.
Vì vậy, những quan điểm chỉ trích cuốn sách “Xây dựng
và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” của Tổng
Bí thư Nguyễn Phú Trọng là vô căn cứ và thiếu hiểu biết về vai trò thực sự của
văn hóa trong sự nghiệp phát triển đất nước. Cuốn sách được xuất bản và phổ
biến rộng rãi trong xã hội không phải là sự áp đặt tư tưởng cá nhân mà là một
nỗ lực để truyền bá các giá trị văn hóa cốt lõi và định hướng phát triển bền
vững cho quốc gia. Việc truyền bá tư tưởng qua sách là một phần của chiến lược
truyền thông hiện đại, giúp tăng cường sự hiểu biết và tham gia của người dân
vào quá trình phát triển quốc gia. Do đó, chúng ta phải luôn đề cao cảnh giác,
tỉnh táo nhận diện rõ bản chất xấu xa và mục đích đen tối của các thế lực thù
địch khi chúng tung ra những bài viết với những luận điệu xuyên tạc, chống phá,
đánh lừa những người thiếu hiểu biết.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét