“Tôi sẽ chỉ dẫn mọi chế độ có lợi nhất cho người bệnh. Tôi sẽ tránh mọi điều bất công, tránh mọi hành vi xấu xa, cố ý và tránh cám dỗ” là một trong những nội dung cơ bản, xuyên suốt của lời thề Hippocrates mà bất cứ sinh viên y khoa nào cũng thuộc nằm lòng trước khi ra trường. Hàng nghìn năm qua, lời thề y học gắn với ngài Hippocrates được coi là ông tổ của ngành y học phương Tây đã trở thành kim chỉ nam cho đạo đức nghề y đối với những người khoác áo blouse trắng trên khắp thế giới. Chỉ tiếc rằng, lời thề y đức cao cả đó ngày càng có nguy cơ bị mai một, thậm chí biến mất trong tâm trí của một bộ phận người hành nghề y thời nay.
Chỉ trong vòng một tuần cuối tháng 10-2024 vừa qua, 2 cơ sở y tế tư nhân
tại TP Hồ Chí Minh bị cơ quan chức năng xử phạt hành chính với số tiền hàng
chục triệu đồng và đình chỉ hoạt động có thời hạn vì hành vi cố tình vẽ bệnh
moi tiền người bệnh. Nhiều cá nhân hành nghề y của 2 cơ sở này cũng bị tước giấy
phép hành nghề. Điều đáng bàn là hiện tượng vẽ bệnh moi tiền người bệnh không
còn là chuyện hiếm, mà xảy ra ngày càng nghiêm trọng và đáng lo ngại. Vì chạy
theo lợi nhuận, nhiều phòng khám đa khoa, chuyên khoa tư nhân đã tìm mọi cách
lôi kéo người bệnh đến khám, chữa bệnh theo hình thức “thuận mua, vừa bán”
thông qua rất nhiều hình thức, như: Tư vấn sức khỏe, khuyến mại giảm giá, quảng
cáo trang thiết bị y tế hiện đại...
Đáng nói hơn, tình trạng lạm dụng chỉ định y khoa không chỉ diễn ra
trong nhiều cơ sở y tế tư nhân mà còn xuất hiện ở không ít bệnh viện khu vực
công. Ngoài việc quảng bá rầm rộ, lôi kéo người dân tham gia thực hiện các gói
xét nghiệm marker trong máu để tầm soát ung thư với chi phí đắt đỏ, nhiều cơ sở
khám, chữa bệnh còn lạm dụng chỉ định các dịch vụ kỹ thuật lâm sàng như xét
nghiệm, nội soi, chẩn đoán hình ảnh, chỉ định các dịch vụ kỹ thuật cao và thuốc
quá mức, thuốc không cần thiết... gây tốn kém nhiều cho người dân, nhất là
người nghèo.
Trăn trở trước thực trạng này, một cán bộ đang công tác trong ngành y và
cũng là đại biểu Quốc hội bày tỏ: Bệnh viện thì cần doanh thu, bác sĩ thì cần
nhiều bệnh nhân để khám, chữa, các hãng thuốc thì thích bán được nhiều hàng,
nhưng nhìn những con số chỉ định phẫu thuật tăng cao, thuốc giá đắt bán được
nhiều, lại càng thương người bệnh nhiều hơn do phải chi trả những khoản phi lý.
Giải trình tại nghị trường Quốc hội về vấn đề này, người đứng đầu ngành
y tế cũng thừa nhận có tình trạng lạm dụng xét nghiệm quá mức cần thiết. Tình
trạng này không chỉ gây tốn kém chi phí và tâm lý bức xúc cho bệnh nhân mà còn
ảnh hưởng đến Quỹ Bảo hiểm y tế.
Xét trong mối quan hệ xã hội giữa thầy thuốc và bệnh nhân, thì bệnh nhân
bao giờ cũng thuộc đối tượng yếu thế hơn. Thầy thuốc luôn ở vị thế “vế cao, vai
trên”, vì là người am hiểu chuyên môn nên mỗi tiếng nói, y lệnh của họ đôi khi
có giá trị bằng sinh mệnh một con người. Trong khi đó, người dân có bệnh thường
mang trong mình tâm lý vái tứ phương, vái cả những bậc thần thánh, siêu nhân ở
một nơi xa lắc nào đó. Huống chi khi gặp được thầy thuốc (nhất là người có
trình độ chuyên môn cao, tay nghề giỏi), người bệnh và người nhà của họ luôn
miệng "trăm sự nhờ bác sĩ", "vạn sự nhờ bác sĩ".
Từ mối quan hệ không bình đẳng đó nên thầy thuốc bảo gì người bệnh cũng
tin theo, nghe theo. Đây chính là căn nguyên sâu xa khiến tình trạng lạm dụng
chỉ định y khoa ngày càng trở nên phổ biến, đồng thời cũng là dấu hiệu cho thấy
sự xuống cấp, tha hóa y đức của một bộ phận y sĩ, bác sĩ thời nay.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét