Thứ Hai, 2 tháng 12, 2024

TĂNG CƯỜNG SỰ LÃNH ĐẠO CỦA ĐẢNG TRONG QUÁ TRÌNH THỂ CHẾ HÓA ĐƯỜNG LỐI, CHỦ TRƯƠNG

 

Trong bài viết "Phát huy tính Đảng trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam", đăng Báo Nhân Dân số ra ngày 21/10/2024, Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định: Đảng lãnh đạo bằng đường lối, chính sách; lãnh đạo thể chế hóa đường lối, chính sách thành pháp luật để quản lý Nhà nước và xã hội.

Như vậy, pháp luật trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa cần phải liên tục được hoàn thiện để thể chế hóa đường lối, chính sách của Đảng, phát huy dân chủ, vì con người, công nhận, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân.

Tổng Bí thư yêu cầu: Để thực hiện tốt công tác này cần có cơ chế kiểm soát hiệu quả việc thể chế hóa đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng thành pháp luật của Nhà nước.

Đồng thời, phải có quy trình xây dựng pháp luật chặt chẽ, khoa học, dân chủ để chính sách, pháp luật thể hiện được đầy đủ ý chí, nguyện vọng của nhân dân, bảo vệ lợi ích nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của tổ chức, cá nhân, khuyến khích đổi mới sáng tạo, thu hút mọi nguồn lực cho sự phát triển; nhưng cũng phải linh hoạt để kịp thời phản ứng chính sách, có giải pháp xử lý kịp thời các vấn đề thực tiễn phát sinh làm chậm sự phát triển theo nguyên tắc bảo vệ, bảo đảm lợi ích của quốc gia, dân tộc là trước hết và trên hết.

Đảng lãnh đạo Nhà nước và xã hội trước hết bằng cương lĩnh, chiến lược, các định hướng về chính sách xây dựng và phát triển đất nước. Trên thực tế, quá trình thể chế hóa đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng thành pháp luật của Nhà nước thể hiện năng lực lãnh đạo, cầm quyền và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng.

Quá trình thể chế hóa đường lối, chủ trương và định hướng chính sách của Đảng cũng chính là việc sớm đưa nghị quyết vào cuộc sống, để đường lối, chủ trương của Đảng được hiện hữu bởi hệ thống luật pháp, các quy định của Nhà nước và theo đó, mọi hoạt động, vận hành của các cơ quan nhà nước, các cán bộ, đảng viên được thực hiện và điều chỉnh bởi pháp luật.

Để thực hiện kiểm soát hiệu quả việc thể chế hóa đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng thành pháp luật của Nhà nước theo chỉ đạo của Tổng Bí thư, trước tiên cần tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước trong quá trình thể chế hóa đường lối, chủ trương và định hướng chính sách của Đảng.

Sự lãnh đạo của Đảng là yếu tố quyết định chất lượng thể chế hóa của Nhà nước, bảo đảm cho hệ thống pháp luật, chính sách của Nhà nước được thể chế hóa đầy đủ, chính xác, kịp thời đường lối, chủ trương của Đảng, sát thực tiễn và liên tục được hoàn thiện.

Sự lãnh đạo của Đảng đối với quá trình thể chế hóa của Nhà nước thể hiện ngay từ khâu ban hành chủ trương, nghị quyết. Cấp ủy đảng các cấp ngay từ khi hoạch định đường lối, chủ trương phát triển trong từng lĩnh vực và của mỗi địa phương, đơn vị, cần sâu sát, kịp thời tổng kết thực tiễn, dự báo từ sớm, từ xa các biến động và yêu cầu phát triển. Có như vậy, chủ trương, nghị quyết mới sát thực tiễn, bảo đảm quá trình thể chế hóa của Nhà nước có tính khả thi cao.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phê phán phương pháp xây dựng nghị quyết xa rời thực tế: "Chỉ mấy cán bộ đóng cửa lại mà làm, ngồi ỳ trong phòng giấy mà viết, cứ tưởng những cái mình làm là đúng, mình viết là hay. Nào có biết, cách làm chủ quan đó, kết quả là "đem râu ông nọ, chắp cằm bà kia", không ăn thua, không thấm thía, không ích lợi gì cả". Văn kiện Đại hội XIII của Đảng yêu cầu: Ban hành nghị quyết khi thật sự cần thiết, hợp lý, thiết thực, ngắn gọn, khả thi.

Để khắc phục hiện tượng ban hành các nghị quyết chỉ dựa trên những nhận định, phán đoán mang tính chủ quan, áp đặt từ "phòng họp", cần chọn những nhiệm vụ trọng tâm, đột phá để ban hành các chương trình, đề án cụ thể hóa nghị quyết, đồng thời theo hướng rõ mục tiêu, rõ việc, rõ trách nhiệm.

Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quá trình Nhà nước thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng thành pháp luật còn là việc phải khắc phục tình trạng thực hiện trực tiếp đường lối, chủ trương của Đảng mà không qua thể chế hóa hoặc "khoán trắng", áp đặt cho một số cơ quan nhà nước trong thể chế hóa, không có sự quan tâm chỉ đạo, kiểm tra cụ thể của tổ chức đảng.

Cần chú trọng việc Đảng lãnh đạo Nhà nước thể chế hóa các quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng thành chính sách, pháp luật trong xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức đủ phẩm chất và năng lực, tổ chức thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách và pháp luật.

Sớm có quy định cụ thể các tiêu chí về thẩm định, thẩm tra dự án, dự thảo các văn bản pháp luật và quy phạm pháp luật về tính phù hợp với đường lối, chủ trương của Đảng; có quy định trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong soạn thảo, tham gia soạn thảo các văn bản pháp luật để bảo đảm thể chế hóa kịp thời, chính xác đường lối, chủ trương của Đảng, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, chính sách.

Đó cũng là cách để tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, phát huy tính độc lập, sáng tạo của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong thể chế hóa chủ trương, đường lối, đồng thời tạo ra cơ chế kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan quyền lực nhà nước.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét