Ngay sau khi thành lập, chính quyền cách mạng của nhân dân Việt Nam phải đối mặt với tình thế hết sức hiểm nghèo. Chính phủ lâm thời tuyên bố Việt Nam là một nước độc lập và tự do, nhưng chưa được quốc gia nào công nhận. Các thế lực đế quốc và tay sai ráo riết chống lại Đảng Cộng sản và Việt Minh, hòng lật đổ chính quyền cách mạng. Quân đội một số nước đã kéo vào Việt Nam dưới danh nghĩa quân Đồng minh tiếp nhận sự đầu hàng của Nhật. Thực dân Pháp nấp dưới bóng quân Anh đã nổ súng ở Sài Gòn, mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược lần thứ hai. Các lực lượng phản động trong nước cũng nổi dậy chống phá chính quyền cách mạng.
Chính quyền cách mạng phải tiếp thu một gia tài đổ nát do chế
độ cũ để lại: công nghiệp phá sản, nông nghiệp đình đốn, tài chính kiệt quệ, nạn
đói đe dọa trầm trọng. Hơn 90% dân số mù chữ, tệ nạn xã hội nặng nề, kinh nghiệm
quản lý chính quyền chưa có. Trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn, Đảng và Chủ tịch
Hồ Chí Minh quyết tâm tiến hành Tổng tuyển cử bầu Quốc hội, coi đây là nhiệm vụ
quan trọng hàng đầu để củng cố chính quyền. Ngày 8/9/1945, Chủ tịch Chính phủ
lâm thời ra sắc lệnh về Tổng tuyển cử, khẳng định yêu cầu bức thiết và cơ sở
pháp lý để tiến hành Tổng tuyển cử.
Cuộc Tổng tuyển cử diễn ra trong điều kiện thù trong giặc
ngoài, tình hình chính trị, kinh tế, xã hội hết sức khó khăn. Dưới sự lãnh đạo
của Chủ tịch Hồ Chí Minh và thông qua Việt Minh, Đảng giữ vai trò lãnh đạo
trong nhân dân và đưa cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên đến thắng lợi hoàn toàn. Để mở
rộng khối đại đoàn kết toàn dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tổng bộ Việt Minh quyết
định mời tất cả những người ngoài mặt trận Việt Minh cùng đứng chung danh sách ứng
cử. Hành động này chứng tỏ Chính phủ và Việt Minh luôn tôn trọng quyền tự do
dân chủ của nhân dân, tôn trọng người tài năng, đoàn kết mọi lực lượng yêu nước.
Đối với Việt Quốc, Việt Cách, Chính phủ lâm thời và Chủ tịch
Hồ Chí Minh kiên quyết đấu tranh chống lại mọi sự phá hoại, đồng thời cố gắng
nhân nhượng, hòa giải nhằm tạo không khí ổn định cho Tổng tuyển cử. Đảng Cộng sản
Đông Dương phải hoạt động bí mật, tuyên bố tự giải tán để phá tan những điều hiểu
lầm và chỉ để một bộ phận hoạt động dưới danh nghĩa "Hội nghiên cứu chủ
nghĩa Mác ở Đông Dương". Ngày 18/12/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh
hoãn Tổng tuyển cử đến ngày 6/1/1946 để tạo điều kiện cho công việc chuẩn bị
chu đáo hơn và để các ứng cử viên có điều kiện nộp đơn và vận động tranh cử.
Sau quá trình đấu tranh, thương lượng và nhân nhượng, Việt
Quốc đã thoả thuận hợp tác với Chính phủ và ủng hộ cuộc Tổng tuyển cử. Ngày
24/12/1945, Việt Minh, Việt Cách và Việt Quốc ký bản Biện pháp đoàn kết gồm 14
điều chính và 4 điều kiện phụ. Chính phủ lâm thời cũng thỏa thuận dành 70 ghế
cho Việt Quốc, Việt Cách trong Quốc hội mà không qua bầu cử. Ngày 1/1/1946,
Chính phủ lâm thời cải tổ thành Chính phủ liên hiệp lâm thời, mở rộng thành phần
để thu hút thêm thành viên của Việt Quốc và Việt Cách.
Cùng với quá trình tăng cường đoàn kết, đấu tranh hòa hoãn
đã tạo không khí ổn định trong Tổng tuyển cử. Chính phủ lâm thời nhanh chóng soạn
thảo Hiến pháp và triển khai sâu rộng công tác chuẩn bị Tổng tuyển cử trong cả
nước, với các ban bầu cử được thành lập tới tận các làng xã do các Ủy ban nhân
dân các cấp trực tiếp đảm nhiệm. Ngày 3/1/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì
phiên họp của Chính phủ liên hiệp lâm thời để kiểm tra lần cuối công việc chuẩn
bị Tổng tuyển cử. Ngày 5/1/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi quốc dân
đi bầu phiếu.
Ngày 6/1/1946, toàn thể nhân dân Việt Nam từ miền xuôi đến
miền ngược, từ Bắc đến Nam, từ nông thôn đến thành thị đã hưởng ứng lời kêu gọi
của Tổ quốc, của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, quyết tâm đi bầu phiếu. Kết quả:
89% tổng số cử tri đã đi bầu phiếu, nhiều nơi đạt 95%. Cả nước bầu được 333 đại
biểu, trong đó 57% là đại biểu các đảng phái khác nhau, 43% không đảng phái,
87% là công nhân, nông dân, chiến sĩ cách mạng, 10 đại biểu là phụ nữ và 34 đại
biểu các dân tộc thiểu số.
Cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên ở Việt Nam đã hoàn toàn thắng lợi.
Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam ra đời, mở ra triển vọng của một thời kỳ mới,
thời kỳ đất nước có Quốc hội, một Chính phủ thống nhất, một bản hiến pháp tiến
bộ và một hệ thống chính quyền đầy đủ danh nghĩa pháp lý để đại diện cho nhân
dân Việt Nam. Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa có tính chất hợp pháp, dân chủ,
nhà nước của dân, do dân và vì dân.
Thắng lợi của Tổng tuyển cử khẳng định niềm tin tuyệt đối
vào Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, vào tinh thần yêu nước của nhân dân. Tổng tuyển
cử diễn ra trong điều kiện cách mạng đứng trước thách thức ngàn cân treo sợi
tóc, khó khăn chồng chất, nhưng Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn quyết định tiến
hành Tổng tuyển cử. Đây là một quyết định dũng cảm và táo bạo, xuất phát từ bản
lĩnh chính trị sắc bén, khoa học và thực tiễn sâu sắc, vì Đảng và Chủ tịch Hồ
Chí Minh tin tưởng tuyệt đối vào nhân dân. Sự vĩ đại của Đảng và Chủ tịch Hồ
Chí Minh là biết khơi nguồn và tổ chức, nhân lên sức mạnh của nhân dân để làm
nên thắng lợi. Cuộc Tổng tuyển cử không chỉ thể hiện lòng yêu nước mà còn là
kháng chiến kiên quốc, xây dựng chế độ mới.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét