Thứ Bảy, 11 tháng 1, 2025

PHÒNG CHỐNG CÁCH MẠNG MÀU

 Trong thời gian gần đây, các thế lực thù địch và phản động tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động nhằm thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình”, tạo ra nguy cơ “cách mạng màu” để phá hoại nền độc lập của đất nước, làm suy yếu vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và tiến tới xóa bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa. Quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng của Việt Nam đã khiến những hoạt động chống phá ngày càng gia tăng, gây ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống xã hội và an ninh trật tự (ANTT). Các thế lực này đang ráo riết xây dựng lực lượng, tạo dựng cơ sở và chờ thời cơ để kích động biểu tình, bạo loạn nhằm gây mất ổn định.

Những vụ việc như phản đối Công ty Formosa Hà Tĩnh do sự cố ô nhiễm môi trường hay các cuộc biểu tình liên quan đến Luật An ninh mạng và dự thảo Luật Đặc khu tại Bình Thuận, Bình Dương, Đồng Nai là những minh chứng rõ ràng cho hoạt động này. Trên địa bàn tỉnh Lai Châu, các thế lực thù địch đã lợi dụng vấn đề dân tộc và tôn giáo để kích động tư tưởng ly khai trong đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, tuyên truyền thành lập “Nhà nước Mông”, truyền bá đạo trái pháp luật và kích động khiếu kiện liên quan đến các dự án lớn trên địa bàn tỉnh.

Để ngăn chặn nguy cơ “cách mạng màu” tại Việt Nam và tỉnh Lai Châu, cần triển khai đồng bộ các giải pháp sau:

Thứ nhất, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về âm mưu, thủ đoạn, hệ quả của “cách mạng màu”. Việc trang bị kiến thức, kỹ năng nhận diện và xử lý thông tin xấu trên không gian mạng là vô cùng quan trọng, đặc biệt đối với học sinh, sinh viên. Lực lượng trẻ này cần được định hướng để tham gia tích cực vào công cuộc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

Thứ hai, tăng cường giáo dục tư tưởng chính trị cho cán bộ, đảng viên và nhân dân, củng cố niềm tin vào con đường cách mạng, thành tựu đổi mới và hội nhập của đất nước. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong giới trẻ, học sinh, sinh viên nhằm ngăn chặn việc lôi kéo vào các cuộc biểu tình và hoạt động chống đối.

Thứ ba, ổn định an sinh xã hội và nâng cao đời sống của người dân là yếu tố then chốt để ngăn chặn các nguy cơ tiềm ẩn. Cần gắn kết phát triển kinh tế với việc thực hiện các chính sách xã hội, nhất là ở vùng sâu, vùng xa và vùng DTTS. Khuyến khích làm giàu hợp pháp, xóa đói giảm nghèo, tạo việc làm, đảm bảo sinh kế để người dân không bị lôi kéo vào các hoạt động chống đối.

Thứ tư, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, xử lý nghiêm những cán bộ suy thoái, tự diễn biến, tự chuyển hóa. Công tác bảo vệ chính trị nội bộ cần được đẩy mạnh để ngăn chặn sự xâm nhập của các thế lực thù địch.

Thứ năm, chủ động phát hiện và ngăn chặn kịp thời mọi âm mưu chống phá, phản bác các thông tin sai lệch, bảo vệ ANTT. Tăng cường nắm bắt tình hình quần chúng, không để xảy ra điểm nóng, không để các thế lực thù địch lợi dụng để kích động, chia rẽ.

Riêng đối với tỉnh Lai Châu, cần đặc biệt chú trọng công tác vận động đồng bào DTTS, đồng bào có đạo nhằm củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao trình độ dân trí và đời sống nhân dân. Công tác nắm bắt dư luận và giải quyết kịp thời các vấn đề phát sinh sẽ góp phần giữ vững ANTT, đập tan mọi âm mưu của các thế lực thù địch.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét