Thứ Bảy, 11 tháng 1, 2025

TÌM HIỂU GIÚP BẠN: HỌC TẬP CŨNG LÀ YÊU NƯỚC!

     Ông Phạm Xuân Ẩn thường nói với nhà báo nước ngoài, đồng nghiệp của mình rằng “có ba nền văn hóa trong tôi”. Còn các ký giả phương Tây lại cứ muốn tin rằng ông là sản phẩm của văn minh Mỹ. Vì sao vậy? Có phải vậy không?...

Quả thật ông không bao giờ giấu giếm ý nghĩ rằng đã học được rất nhiều điều ở Mỹ và có thể coi thời gian đi học ở trường báo chí Orange Coast tại quận Cam, California là những năm quyết định quan trọng đối với ông. Người dân Mỹ trung thực, công bằng, cởi mở và tử tế. Họ cho thấy phần nào khái niệm về tự do và lòng tôn trọng quyền của con người. “Họ chỉ cho tôi cách nhìn mọi sự theo con mắt của người khác, phê phán bản thân mình trước hết. Họ dạy các thế hệ biết lao động, biết trở về thực tế. Tôi mong muốn con cái tôi được giáo dục ở Mỹ”. Ký giả nước ngoài vẫn thường trích dẫn ý kiến này.

Nhưng họ không biết rằng việc Phạm Xuân Ẩn sang Mỹ du học vào cái năm 1957 trên danh nghĩa tự túc bằng tiền hưu trí thôi việc lúc mới 30 tuổi, có 7 năm làm việc, có đủ tiền máy bay lúc đó giá 600 đô - cuộc đi đó do Đảng Cộng sản Việt Nam quyết định. Nếu không quá khó khăn, Đảng Cộng sản Việt Nam muốn Ẩn học từ 4 đến 6 năm để có bằng tiến sĩ. Mục đích của Đảng giao cho Phạm Xuân Ẩn phải học thật giỏi, và tìm hiểu nước Mỹ. Chính vì thế Phạm Xuân Ẩn đăng ký học lịch sử - địa lý - kinh tế Mỹ, báo chí, quân sự… Không những thế, Phạm Xuân Ẩn có ý thức tích lũy những kỹ thuật, nghiệp vụ, các bài học rút ra từ các tài liệu của Mỹ, Liên Xô, Nhật. Ông đã kể lại những ngày đi học ở Mỹ, với bạn ông, nhà báo Hồng Liên như sau:

… “Chính người Mỹ dạy tôi nhiều bài học bổ ích. Tôi còn nhớ, trước khi đi, bên nhà dặn tôi phải ráng học cho xuất sắc. Tôi vâng lời. Một hôm, bà giáo dạy môn Anh văn hỏi: Tôi thấy môn này anh đã giỏi rồi, đâu cần học nữa. Tôi nghi anh qua đây không phải để học mà làm chuyện khác. Giật mình, tôi ráng trả lời một cách bình thản: nước tôi nghèo, nên tôi phải ráng học, học bất cứ cái gì có thể để về phụng sự quê hương tôi. Bà đáp: Ừ, bây giờ thì tôi tin anh. Tôi nghi ngờ anh là vì hồi Đệ nhị thế chiến, tôi huấn luyện sĩ quan tình báo, nên có bệnh nghề nghiệp. Anh bạn học chung lớp cũng thắc mắc tại sao tôi phải cố học cho giỏi. Hắn nói: Mày học xong sẽ về hay ở lại? Nếu ở lại, tao khuyên mày nên đi chơi nhiều hơn. Người Mỹ không thích học quá giỏi, vì học giỏi khó kiếm được việc làm hơn người học trung bình. Người thuê lao động nếu mướn người có học lực khá, họ yêu cầu phải làm việc gấp rưỡi hoặc gấp hai người thường. Và họ cũng không thích mướn những người học giỏi làm chung với người học bình thường.

Từ dạo ấy, tôi bắt đầu mê chơi. Một bài học khác: Khi học môn nói chuyện trước công chúng, tôi không hiểu sao bài của mình luôn bị điểm C dù đã gắng hết sức. Tức quá, tôi hỏi chị bạn ngồi kế bên. Chị nói: Vị giáo sư là người không ưa Cộng sản. Mà tôi thì thấy anh ưa dùng từ kiểu Cộng sản. Anh không được điểm cao là phải. Hóa ra là khi tôi ở Việt Nam, tôi hay đọc sách báo cách mạng viết bằng tiếng Anh. Tôi quen vốn từ vựng cách mạng và sử dụng nó trong bài kiểm tra mà không biết. Về sau, mỗi lần làm bài, tôi lại nhờ chị sửa giúp từ vựng. Và bài đạt được điểm B. Mặt khác, khi về nước tôi không dám giao hảo với nhiều người Việt. Tôi làm báo nhưng làng báo Việt Nam tôi hầu như không quen ai, trừ một vài chủ bút. Ngay cả trong tình cảm riêng cũng phải đè nén lại. Hồi ở Mỹ tôi có yêu một cô gái và định cưới cô ấy. Nhưng tôi cưới vợ Mỹ thì công việc của tôi sẽ càng rắc rối thêm. Vậy là chúng tôi chia tay nhau.”

Sau khi học ở Mỹ về, ông làm việc ở Việt Tấn xã, cơ quan thông tấn chính thức của chế độ ngụy quyền Sài Gòn. Một năm sau chuyển sang viết cho Reuters. Bốn năm sau, ông chuyển về tờ New York Herald Tribune. Từ năm 1965 - 1976 ông là phóng viên Việt Nam duy nhất viết cho Time./.
Yêu nước ST.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét