Thứ Bảy, 11 tháng 1, 2025

 

Sự ngụy biện của Đoàn Bảo Châu

Ngụy biện, đưa ra những lập luận sai trái, không hợp lý, cố ý vi phạm các quy tắc về logic là một trong những cách làm thường thấy của các đối tượng phản động, cơ hội, bất mãn về chính trị nhằm tuyên truyền, chống phá Đảng và Nhà nước ta, trong đó có Đoàn Bảo Châu. Núp bóng chiêu bài phản biện xã hội, Y thường bới móc, lượm lặt những sai phạm, tiêu cực ở Việt Nam sau đó ngụy biện để gây ra sự lầm tưởng ở người nghe, người đọc, họ tưởng rằng khuyết điểm đó là rất lớn, rất phổ biến, rất nghiêm trọng, là thuộc về bản chất của chế độ. Như mới đây, lợi dụng sự việc Đảng, Nhà nước Việt Nam xử lý các cá nhân vi phạm trong lĩnh vực y tế và ngoại giao, Y viết bài Đâu là công bằng xã hội?”, đăng trên trang mạng phản động Doithoaionline, với luận điệu cho rằng ở Việt Nam “… các cán bộ thời nay không có lý tưởng phục vụ tổ quốc, phục vụ nhân dân gì mà trong họ chỉ có một lý tưởng duy nhất là kiếm lợi trong bất kỳ hoàn cảnh nào…”. Đây là sự ngụy biện, quy kết vô căn cứ bởi vì:

          Thứ nhất, tham nhũng là hiện tượng mang tính xã hội, tồn tại ở mọi quốc gia, do quyền lực nhà nước bị thao túng, tha hóa gây ra, không phân biệt chế độ xã hội hay thể chế chính trị. Vấn đề tham ô, tham nhũng ở Việt Nam chỉ xảy ra ở một số ít đối tượng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; đại bộ phận cán bộ vẫn giữ được phẩm chất, đạo đức, lối sống, có năng lực chuyên môn đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ cách mạng. Chính sự nỗ lực công tác của đội ngũ cán bộ các cấp đã góp phần quan trọng tạo ra những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử để đất nước Việt Nam có được vị thế và cơ đồ như ngày nay. Một đội ngũ cán bộ mà ở đó toàn những người “không có lý tưởng phục vụ tổ quốc, phục vụ nhân dân”, chỉ lo “kiếm lợi” cho bản thân bất chấp “tất cả” như luận điệu của Đoàn Bảo Châu thì không thể có được thành quả đó. Rõ ràng, Đoàn Bảo Châu đã đánh tráo bản chất, dùng hiện tượng đơn lẻ để quy kết bản chất, lấy thiểu số quy kết cho đa số, lấy bộ phận để đánh giá toàn thể.

          Thứ hai, bồi dưỡng, rèn luyện đội ngũ cán bộ “vừa hồng, vừa chuyên”, cùng với đó là đấu tranh ngăn ngừa suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống là công việc trọng yếu thường xuyên của Đảng Cộng sản Việt Nam, do đó đặc quyền đặc lợi “không có đất sống” trong đội ngũ cán bộ đảng viên; những phần tử thoái hóa, biến chất sẽ nhanh chóng bị loại bỏ ra khỏi đội ngũ cán bộ. Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm tới việc bồi dưỡng rèn luyện cán bộ đảng viên. Người nhiều lần căn dặn Đảng phải làm “công bộc” cho nhân dân, Đảng cầm quyền hết sức tránh bệnh chuyên quyền, độc đoán, quan liêu, tham nhũng, đặc quyền, đặc lợi, xa dân. Quán triệt lời dạy của Người, Đảng luôn xác định bồi dưỡng rèn luyện cán bộ đảng viên là yếu tố sống còn. Đảng đã ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết, có nhiều chủ trương, giải pháp để bồi dưỡng, rèn luyện cán bộ đảng viên cũng như chỉnh đốn Đảng. Vấn đề xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh luôn là nội dung trọng tâm trong các kỳ Đại hội; Trung ương Đảng những khóa gần đây luôn có nghị quyết chuyên đề về xây dựng Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Trên thực tế những nội dung về xây dựng Đảng, đã được triển khai thực hiện nghiêm túc, toàn diện, đồng bộ, thống nhất, thực sự đi vào cuộc sống, có nhiều bước đột phá quan trọng, tạo sự chuyển biến tích cực trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, tạo niềm tin của cán bộ, đảng viên và Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ.

          Thứ ba, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam luôn được lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện quyết liệt, kiên trì, đồng bộ, toàn diện, bài bản, ngày càng đi vào chiều sâu, đạt nhiều kết quả quan trọng, để lại dấu ấn tốt, lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội. Nhiều vụ việc, vụ án lớn đã được điều tra làm rõ, xử lý công minh, đúng quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước; nhiều cán bộ, đảng viên, lãnh đạo, quản lý các cấp mắc sai phạm, đã bị xử lý, kỷ luật, kể cả cán bộ cấp cao của Đảng, lãnh đạo các bộ, ngành, tỉnh, thành phố… cho thấy “không có vùng cấm”, “không có ngoại lệ”. Bất kỳ cán bộ nào, giữ cương vị nào, dù đương chức hay đã nghỉ công tác… nếu vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước đều bị xử lý nghiêm minh.

          Một đội ngũ cán bộ luôn được quan tâm giáo dục, rèn luyện cùng với đó là sự đấu tranh quyết liệt, đồng bộ, xử lý nghiêm minh với những biểu hiện, hiện tượng sự suy thoái về đạo đức, lối sống, quan liêu, tham nhũng, đặc quyền, đặc lợi… thì không thể là đội ngũ toàn những người “không có lý tưởng phục vụ tổ quốc, phục vụ nhân dân”, chỉ lo “kiếm lợi” cho bản thân bất chấp “tất cả” như luận điệu của Đoàn Bảo Châu. Rõ ràng, luận điệu của Đoàn Bảo Châu chỉ là sự ngụy biện cố tình đánh tráo bản chất, dùng hiện tượng đơn lẻ tiêu cực ở một số ít đối tượng để quy kết bản chất cả đội ngũ cán bộ; lấy thiểu số quy kết cho đa số, lấy bộ phận để đánh giá toàn thể, nhưng dù có xảo biện đến đâu thì tính phi lý và giả dối cũng sẽ bị phơi bày./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét