Thứ Bảy, 11 tháng 1, 2025

KHI TÌNH YÊU CẬP BẾN ĐẢO XA

 Năm 2018, những ngày mới ra công tác ở đảo Nam Yết (thuộc Quần đảo Trường Sa), Thượng úy Trần Văn Ba - Trung đội trưởng thông tin, Trạm Ra đa 57, Trung đoàn 292, Sư đoàn 377 thường có tâm trạng bồi hồi, nhung nhớ bởi nơi quê nhà có người vợ trẻ và con gái nhỏ mới hơn một tuổi đang ngày đêm trông ngóng. Những buổi chiều sau giờ canh trực, anh thường ra ngắm hoàng hôn và nhắn gửi về đất liền với niềm thương nhớ.


Tháng 4 năm 2019, tỉnh Khánh Hòa tổ chức cho các cơ quan, đoàn thể và các công dân ưu tú ra thăm, động viên các chiến sĩ đang làm nhiệm vụ ở Quần đảo Trường Sa. Khi tiếng còi tàu hú gọi phía xa báo hiệu sắp vào đảo, mọi người ùa ra mép nước vẫy chào đón khách. Tuy nhiên, bấy giờ đảo Nam Yết chưa có cầu cảng nên tàu chỉ neo ở ngoài biển và được xuồng máy đưa vào bờ. Thật bất ngờ, trong chuyến xuồng thứ 3 cập đảo, Ba thấy bóng dáng quen quen. Anh cứ ngỡ mình nằm mơ, dụi mắt mấy lần và không tin vào mắt mình nữa khi nhận ra dáng ai thon thả, nhỏ nhắn như vợ mình. Khi xuồng vào cách bờ vài mét, mặc cho gió to, sóng lớn, Ba và vài chiến sĩ chạy ào xuống nước bám vào mạn xuồng kéo vào bờ an toàn. Người đang ướt sũng nhưng Ba vẫn ôm chầm lấy vợ, xúc động không nói được lời nào. Đến khi chị An cấu vào vai “Em say sóng quá rồi…”, anh sực tỉnh mới dìu vợ lên thăm đảo với một niềm vui không bờ bến. Bây giờ Ba mới biết, vợ mình là một trong những công dân được vinh dự ra thăm chồng ở đảo. Vì yếu tố bí mật quân sự nên cán bộ, chiến sĩ không được thông báo là có người nhà ra thăm.


Tại đây, các đoàn được cán bộ, chiến sĩ trên đảo đón tiếp một cách nồng nhiệt. Các đơn vị trên đảo tổ chức cho khách tham gia lễ chào cờ, tham quan các địa danh, chùa, trường học, nơi sinh hoạt, học tập, giao lưu văn nghệ, thể thao, dự bữa cơm thân mật, đánh cá tập trung ở bãi cạn, chụp ảnh lưu niệm… Riêng Trạm Ra đa 57 có 7 khách quý đến thăm đó là những thân nhân của cán bộ, chiến sĩ ưu tú của Trạm. Khỏi phải nói tâm trạng của cán bộ, chiến sĩ, ai cũng muốn cho khách thấy được sự tươm tất, chỉnh chu, chính quy của những người lính đảo. Chỉ huy Trạm tổ chức cho bộ đội vệ sinh doanh trại, khí tài; sắp đặt nội vụ gọn gàng, ngăn nắp. Người thì lo sưu tầm những đặc sản của đảo như san hô, vỏ sò, quả bàng vuông để tặng người thân, người thì lo chấn chỉnh lại quân dung, sửa sang bộ quân phục cho ngay ngắn. Buổi đầu tiên, khách được cán bộ, chiến sĩ hướng dẫn tham quan nơi ăn, ở sinh hoạt của bộ đội, trải nghiệm trồng rau, chăn nuôi, rồi cùng lắng nghe những tâm tư, tình cảm của bộ đội. Sau đó, khách được Trạm đón tiếp với bữa tiệc thịnh soạn; cua, cá, tôm, thịt hộp và nồi canh tỏa khói nghi ngút. Trạm trưởng trịnh trọng mời khách: “Hôm nay có khách quý từ đất liền ra thăm và động viên cán bộ, chiến sĩ. Anh em có một ít đặc sản và sản phẩm tăng gia mời khách…”. Chị An mắt tròn, mắt dẹt: “Vậy món nào là món tăng gia đây ạ?”. Trạm trưởng giải thích: “Hải sản do anh em câu và đánh bắt ở bãi cạn là những món tăng gia, còn món canh mùng tơi do bộ đội tự trồng, chăm bón và để dành đãi khách quý là đặc sản đấy ạ”. Thì ra, ở đảo món rau xanh mới là đặc sản. Mọi người bây giờ mới để ý đến nồi canh “đại dương”, chủ yếu là nước, còn ít lá mùng tơi cho có màu xanh…


Cả Trạm rộn ràng như Tết, vui nhất dĩ nhiên là Trần Văn Ba. Anh luôn ở bên vợ để được san sẻ, bù đắp những tháng ngày xa cách. Anh hướng dẫn chị làm quen nơi ăn ở, sinh hoạt của bộ đội; tham quan các địa danh trên đảo và cùng ngắm hoàng hôn, ngắm bình minh trên biển… Quãng thời gian 9 ngày ở đảo của hai vợ chồng đầy ắp kỷ niệm, tràn đầy yêu thương, hạnh phúc.


Năm 2024, Đại úy Trần Văn Ba tiếp tục ra công tác tại đảo Trường Sa lớn trên cương vị mới (Trạm trưởng Trạm Ra đa 11, Trung đoàn 292). Nhớ lại chuyến thăm đột xuất của vợ đến đảo, đồng chí Trạm trưởng dí dỏm chia sẻ: “Sau chuyến thăm đảo, bà xã em luôn trầm trồ khen ở đảo không khí trong lành, môi trường thân thiện, luôn được ăn hải sản... nên đây là lần thứ 3 em tình nguyện ra đảo công tác đấy anh ạ!”.

St

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét