Phản bác luận điệu xuyên tạc của Lê Quốc Quân
Lợi dụng việc Quốc hội Việt Nam họp bất thường
vào ngày 2/5/2024 để bỏ phiếu kín miễn nhiệm chức vụ chủ tịch Quốc hội đối với
đồng chí Vương Đình Huệ vừa qua, trên trang “Voatiengviet”, Lê Quốc Quân có bài
viết: “Quốc
hội, nhân dân và những võ sỹ giác đấu”. Y cho rằng, Quốc hội Việt Nam
không phải là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, mà đang trở thành bù
nhìn, là công cụ để Đảng Cộng sản, hợp thức hoá quyết định công tác cán bộ,
trường hợp Ông Vương Đình Huệ là một ví dụ điển hình. Thực tế, Lê Quốc Quân
đang cố tình xuyên tạc vai trò của Quốc hội và quan điểm của Đảng ta về công
tác cán bộ.
1. Quốc hội là cơ quan quyền lực nhà nước cao
nhất. Theo quy định của Hiến pháp năm 2013, ở nước ta, tất cả quyền lực thuộc
về nhân dân. Nhân dân là chủ thể của quyền lực nhà nước. Quốc hội do nhân dân
bầu ra, là cơ quan nhà nước cao nhất thực hiện quyền lực của nhân dân. Quốc hội
quy định các vấn đề cơ bản nhất, quan trọng nhất về hình thức và bản chất của
Nhà nước; ghi nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm quyền và nghĩa vụ cơ bản của
công dân; quy định các nội dung cơ bản về chế độ kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo
dục, khoa học, công nghệ, môi trường, bảo vệ Tổ quốc và tổ chức bộ máy Nhà
nước. Quốc hội điều chỉnh các quan hệ xã hội trong từng lĩnh vực của đời sống
xã hội. Bên cạnh đó, Quốc hội là cơ quan có quyền quyết định các vấn đề quan
trọng của đất nước, đó là những chủ trương lớn, những vấn đề quốc kế dân sinh,
những chính sách cơ bản về đối nội và đối ngoại, nhiệm vụ kinh tế – xã hội,
quốc phòng, an ninh của đất nước. Quốc hội thực hiện quyền giám sát tối cao đối
với toàn bộ hoạt động của Nhà nước. Không một cơ quan nào đứng trên Quốc hội
trong xem xét, đánh giá việc thi hành Hiến pháp, luật – những văn bản mà chỉ
Quốc hội mới có quyền ban hành. Người giữ các chức vụ do Quốc hội bầu, phê
chuẩn phải chịu trách nhiệm, báo cáo công tác trước Quốc hội và chịu sự giám
sát của Quốc hội. Nếu các chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn không đủ phẩm
chất năng lực, Quốc hội sẽ bỏ phiếu miễn nhiệm.
2. Đảng Cộng sản Việt Nam là đảng cầm quyền, có
nghĩa là, Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ;
phát hiện, bồi dưỡng, lựa chọn những đảng viên ưu tú và những người ngoài Đảng
có đủ phẩm chất và năng lực giới thiệu với cơ quan Nhà nước để thông qua cơ chế
bầu cử, tuyển chọn, bố trí vào công tác trong các cơ quan Nhà nước, nắm giữ các
vị trí lãnh đạo, quản lý trong bộ máy Nhà nước từ Trung ương đến cơ sở, với mục
đích phụng sự tổ quốc, phục vụ nhân dân. Bên cạnh những thành tựu đạt được,
Đảng cũng thừa nhận những hạn chế trong công tác cán bộ đó là: …một bộ phận cán
bộ, đảng viên chưa tiên phong, gương mẫu; tình trạng suy thoái về tư tưởng
chính trị, đạo đức lối sống, những biểu hiện tự diễn biến, tự chuyển hóa diễn
biến phức tạp… Trách nhiệm nêu gương, nhất là của người đứng đầu còn hạn chế…Vì
vậy, Đảng xác định cần tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ có đủ phẩm chất, năng
lực, uy tín, phục vụ nhân dân và sự phát triển đất nước. Tăng cường kỷ luật, kỷ
cương, đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Có cơ chế sàng lọc, thay
thế kịp thời những người không hoàn thành nhiệm vụ, vi phạm pháp luật, đạo đức
công vụ, đạo đức nghề nghiệp, bị xử lý kỷ luật, không còn uy tín đối với nhân
dân. Kiên quyết, xử lý nghiêm những cán bộ vi phạm, kể cả cán bộ đã nghỉ hưu.
Trường hợp đồng chí Vương Đình Huệ, Đảng ta khẳng
định: Đồng chí Vương Đình Huệ là cán bộ lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Nhà nước,
được đào tạo cơ bản, trưởng thành từ cơ sở; được phân công giữ nhiều chức vụ
lãnh đạo quan trọng của Đảng và Nhà nước. Theo báo cáo của Uỷ ban Kiểm tra
Trung ương và các cơ quan chức năng, Đồng chí đã vi phạm Quy định về những điều
đảng viên không được làm, Quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng
viên, trước hết là Uỷ viên Bộ Chính trị, Uỷ viên Ban Bí thư, Uỷ viên Ban Chấp
hành Trung ương Đảng và chịu trách nhiệm người đứng đầu theo các quy định của
Đảng và pháp luật của Nhà nước. Những vi phạm, khuyết điểm của đồng chí Vương
Đình Huệ gây dư luận xấu, làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, Nhà nước và cá
nhân. Nhận thức rõ trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và Nhân dân, đồng chí Vương
Đình Huệ đã có đơn xin thôi giữ các chức vụ được phân công và nghỉ công tác.
Căn cứ quy định hiện hành của Đảng, Nhà nước và xem xét nguyện vọng của đồng
chí Vương Đình Huệ, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đồng ý để đồng chí Vương Đình
Huệ thôi giữ các chức vụ: Uỷ viên Bộ Chính trị, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung
ương Đảng khoá XIII, Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam
khoá XV, nhiệm kỳ 2021 – 2026. Ngày 2/5/2024, Quốc hội Việt Nam họp bất thường
để bỏ phiếu kín miễn nhiệm chức vụ chủ tịch Quốc hội đối với đồng chí Vương
Đình Huệ.
Như vậy, công tác cán bộ có vào, có ra, có lên,
có xuống. Chỉ có những cán bộ có đủ phẩm chất năng lực, uy tín, hết lòng, hết
sức phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân mới được bổ nhiệm, đề bạt đáp ứng yêu
cầu của sự nghiệp cách mạng, nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Việc các thế
lực thù địch, xuyên tạc vai trò của Quốc hội và quan điểm của Đảng ta về công
tác cán bộ là đi ngược lại chủ trương, đường lối, quan điểm của Đảng; chính
sách, pháp luật của Nhà nước; lợi ích nguyện vọng chính đáng của nhân dân ta.
Chúng ta cần phải kiên quyết đấu tranh, vạch rõ bộ mặt xảo trá của chúng để
nhân dân hiểu rõ và nâng cao cảnh giác./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét