11/1/2007 - VIỆT NAM CHÍNH THỨC TRỞ THÀNH THÀNH VIÊN THỨ 150 CỦA TỔ CHỨC THƯƠNG MẠI THẾ GIỚI (WTO)
WTO (World Trade Organization) là Tổ chức Thương mại Thế giới
được thành lập vào ngày 15/04/1994. WTO được thành lập nhằm mục đích loại bỏ
hay giảm thiểu các rào cản thương mại để tiến tới tự do thương mại.
Ngày 7/11/2006, lễ kết nạp Việt Nam gia nhập WTO được tổ chức
tại trụ sở WTO ở Geneva, Thụy Sĩ. Sau đó, kể từ ngày 11/1/2007, Việt Nam chính
thức trở thành thành viên thứ 150 của tổ chức thương mại lớn nhất thế giới này
Sự kiện lớn nói trên đã để lại nhiều dấu ấn tích cực trên
hành trình đổi mới và hội nhập quốc tế của Việt Nam.
Dấu ấn sâu đậm nhất của việc tham gia WTO và hội nhập quốc tế
đối với Việt Nam là góp phần đổi mới tư duy chính sách, hoàn thiện chuẩn mực quản
lý nhà nước, quản trị doanh nghiệp, định hình khung khổ pháp lý và các chuẩn mực
phát triển các thể chế kinh tế-thương mại, tạo cơ sở pháp lý vững chắc làm cầu
nối và xung lực tích cực để đất nước từng bước mở cửa, mở rộng quy mô thị trường
hàng hóa và dịch vụ, cải thiện cơ cấu và nâng cao hiệu quả hoạt động thương mại
quốc tế theo các thỏa thuận đa phương và song phương đã cam kết.
Từ khi Việt Nam gia nhập WTO, đến năm 2008 Việt Nam đã đón một
lượng vốn FDI đăng ký lên tới 64 tỷ USD, cao gấp 3 lần so với năm 2007. Việt
Nam tích cực tham gia vào mạng lưới FTA thế hệ mới.
Tính đến năm 2024, Việt Nam đã có 15 FTA có hiệu lực gồm:
Khu vực thương mại tự do ASEAN (AFTA); FTA ASEAN - Trung Quốc (ACFTA); FTA
ASEAN - Hàn Quốc (AKFTA); Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện ASEAN - Nhật Bản
(AJCEP); Hiệp định Đối tác Kinh tế Việt Nam - Nhật Bản (VJEPA); FTA ASEAN - Ấn
Độ (AIFTA); FTA ASEAN - Australia - New Zealand (AANZFTA)…15 FTA đang thực thi
cho phép hàng xuất khẩu của Việt Nam được hưởng thuế suất ưu đãi khi tiếp cận
thị trường ở hơn 50 quốc gia. Việt Nam cũng là quốc gia duy nhất có FTA với gần
hết 10 nền kinh tế lớn nhất thế giới, ngoại trừ Mỹ.
Về ngoại giao, đến năm 2024, Việt Nam đã thiết lập quan hệ
ngoại giao với 193 nước, quan hệ thương mại với trên 220 đối tác. Quan hệ Đối
tác Chiến lược toàn diện với 9 quốc gia: Trung Quốc (2008), Nga (2012), Ấn Độ
(2016), Hàn Quốc (2022), Hoa Kỳ (9/2023) Nhật Bản (11/2023); Australia
(3/2024), Pháp (10/2024), Malaysia (11/2024).
Những kết quả về thương mại và ngoại giao nói trên cho thấy
Việt Nam là đất nước “mở” sau khi gia nhập WTO và thực thi nghiêm túc các cam kết
gia nhập. Những thành tựu đó là kết quả của quá trình nỗ lực, bền bỉ và kiên định
thực hiện đồng bộ nhiều chính sách đổi mới, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi
mới mô hình tăng trưởng; nâng cao năng suất và sửa đổi các quy định pháp luật;
thúc đẩy cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh theo hướng hiện đại, minh bạch,
tạo sự cạnh tranh công bằng, bình đẳng cho doanh nghiệp và tiệm cận với chuẩn mực
quốc tế theo tinh thần của WTO và các FTA thế hệ mới mà Việt Nam đã, đang và sẽ
tiếp tục tham gia.
WTO cùng với các hiệp định song phương và đa phương trên nhiều
lĩnh vực là những cánh cửa lớn, đa chiều để Việt Nam định hướng hoàn thiện
khung khổ thể chế phát triển kinh tế thị trường và tự tin hội nhập toàn cầu
ngày càng sâu, rộng, đầy đủ, hiệu quả hơn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét