Chủ Nhật, 12 tháng 1, 2025

QUỐC TẾ ĐÁNH GIÁ: VIỆT NAM - “CÂU CHUYỆN THÀNH CÔNG” VỀ PHÁT TRIỂN

 Các chuyên gia và tổ chức quốc tế đã có những đánh giá tích cực về kinh tế Việt Nam. Với cơ cấu dân số vàng, tỷ lệ đô thị hoá cao, chính trị ổn định, cùng những chính sách tạo thuận lợi và thúc đẩy đầu tư, Việt Nam đang trở thành điểm đến hấp dẫn với các nhà đầu tư nước ngoài.

Ngân hàng thế giới (WB) đánh giá Việt Nam là một câu chuyện thành công đáng chú ý về phát triển. Các cải cách kinh tế kể từ khi khởi xướng Đổi Mới vào năm 1986, cùng với các xu hướng toàn cầu có lợi, đã giúp đưa Việt Nam từ một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới trở thành nền kinh tế có thu nhập trung bình chỉ trong một thế hệ. GDP thực tế bình quân đầu người tăng vọt từ dưới 700 USD vào năm 1986 lên gần 4.500 USD vào năm 2023, tăng hơn 6 lần. Tỷ lệ dân số ở Việt Nam sống trong cảnh nghèo đói với mức thu nhập dưới 3,65 USD/ngày (theo sức mua tương đương năm 2017) đã giảm mạnh từ 14% vào năm 2010 xuống dưới 4% vào năm 2023.

Với nền tảng chính trị vững chắc, nền kinh tế đã chứng minh được khả năng phục hồi qua các cuộc khủng hoảng khác nhau. Tăng trưởng kinh tế từ 5% vào năm 2023 và cao hơn vào năm 2024 nhờ nhu cầu toàn cầu tăng và niềm tin của người tiêu dùng trong nước được phục hồi.

Cơn bão Yagi tàn phá các tỉnh phía Bắc hồi tháng 9/2024 là minh chứng rõ nét cho thấy sức bật của kinh tế Việt Nam. Theo chuyên gia Fion Ng, Giám đốc điều hành của Công ty phát triển công nghiệp hàng dầu châu Á BW Industrial, niềm tin của các nhà đầu tư đối với kinh tế Việt Nam vẫn rất vững chắc.

“Việt Nam cung cấp rất nhiều lợi ích cho các đối tác thương mại như Mỹ hay Hàn Quốc. Việt Nam có đội ngũ kỹ sư trẻ mạnh mẽ với chi phí cạnh tranh và đây là một trong những lý do rất nhiều công ty tập đoàn bán dẫn lớn đã tìm đến Việt Nam, trong đó có các công ty đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc. Bão Yagi phần nào gây ảnh hưởng đến đà tăng trưởng của Việt Nam. Song tôi nghĩ điều này sẽ không không làm chệch hướng tăng trưởng của Việt Nam và triển vọng dài hạn của Việt Nam vẫn không thay đổi”. - Chuyên gia Fion Ng nói.

Trong báo cáo mới đây về cơ hội đầu tư tại Việt Nam, chuyên gia Jacqueline Broers, Phó giám đốc danh mục đầu tư tại Quỹ đầu tư Utilico có trụ sở tại Anh cũng đánh giá, Việt Nam là một trong 20 quốc gia phát triển nhanh nhất thế giới, với GDP dự kiến đạt 5,8% trong năm 2024 này và 6,9% vào năm 2025 so với mức trung bình 2,3% của thế giới. Theo chuyên gia Jacqueline Broers, một trong những động lực quan trọng cho sự tăng trưởng mạnh mẽ của Việt Nam chính là cơ cấu dân số vàng.

 “Việt Nam đã đặt mục tiêu trở thành nước có thu nhập trung bình cao vào năm 2035 và quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045. Chúng tôi nhận thấy Việt Nam đang được  hưởng lợi từ lực lượng lao động có trình độ học vấn cao và giá cả phải chăng, với tỷ lệ người trưởng thành biết chữ lên tới 98%. Đây là một trong những lý do giúp Việt Nam đang ngày càng trở nên hấp dẫn hơn với các nhà đầu tư nước ngoài đang muốn đa dạng hoá chuỗi cung ứng, ví dụ Apple. Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam là mạnh mẽ và bền vững. Dù còn những vấn đề về chuỗi cung ứng, song nếu chính phủ Việt Nam có thể điều hướng những yếu tố này, Utilico tin rằngViệt Nam có khả năng trở thành điểm đến ưa thích của các nhà đầu tư tại châu Á.” - Chuyên gia Jacqueline Broers cho biết.

Chuyên gia Sarah Marniesse, Giám đốc điều hành Trung tâm đào tạo của Cơ quan phát triển Pháp (Campus AFD) đặc biệt đánh giá cao nỗ lực đổi mới sáng tạo của Việt Nam. Theo chuyên gia này, Việt Nam là một trong những nước dẫn đầu về Đổi mới sáng tạo trong số các quốc gia thu nhập trung bình, với tốc độ tiến bộ đáng kinh ngạc. Điều này thể hiện rõ qua thứ bậc ngày càng tăng của Việt  Nam trên các bảng xếp hạng về Đổi mới sáng tạo, trong đó 3 chỉ số đứng đầu thế giới là chỉ số về nhập khẩu công nghệ cao, xuất khẩu công nghệ cao và xuất khẩu hàng hóa sáng tạo.

“Những nỗ lực đang được đền đáp và Việt Nam đang khẳng định mình là một trong những quốc gia dẫn đầu về đổi mới sáng tạo. Việt Nam đứng thứ hai về Chỉ số Đổi mới sáng tạo trong số 38 quốc gia có thu nhập trung bình. Có thể nói, công cuộc Đổi mới đã đưa đất nước vào quỹ đạo tăng trưởng. Kể từ năm 2022, Chính phủ Việt Nam đã coi phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới là một chính sách lớn của quốc gia và kể từ đó rất nhiều đột phá chiến lược đã được ghi nhận”. - Chuyên gia Sarah Marniesse nêu quan điểm.

S&P Global, một công ty nghiên cứu thị trường có trụ sở tại Mỹ mới đây cũng đã điều chỉnh tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm nay lên 6,2%., cao hơn so với 5,8% trong báo cáo tháng 6. Đối với năm 2024, con số điều chỉnh của Việt Nam nằm trong số những con số cao nhất đối với các nền kinh tế mới nổi, chỉ sau Ấn Độ với 6,8%./. 



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét