Trong lịch sử nhân loại, bất kỳ tôn giáo hay hệ tư tưởng chính trị nào khi hình thành đều có giáo lý cốt lõi và nguyên tắc nền tảng để xây dựng, duy trì. Khi một cá nhân hoặc một nhóm người hiểu sai hoặc lệch lạc với giáo lý gốc, họ có thể vô tình (hoặc cố ý) lập ra một tôn giáo mới, một “hệ phái” không còn chung nền tảng giáo lý ban đầu. Điều này không chỉ xảy ra trong các tôn giáo lớn, như sự phân chia giữa Công giáo và Tin Lành, hoặc vô vàn nhánh khác nhau trong Tin Lành, mà còn có thể xảy ra trong chính trị – cụ thể, nếu một đảng viên Cộng sản đi ngược lại cốt lõi tư tưởng, đường lối của Đảng, tất yếu người đó không còn đi chung con đường cách mạng với Đảng nữa.
Thời Trung cổ, Công giáo (Catholic) là hệ phái chính thống, nhưng khi Martin Luther và Jean Calvin (thế kỷ XVI) nêu ra những bất đồng và cải cách, một số nguyên tắc bị hiểu lại, dẫn đến xuất hiện Tin Lành (Protestant). Sau đó, trong Tin Lành lại tiếp tục nảy sinh nhiều nhánh khác nhau (Baptist, Methodist, Pentecostal, v.v.), do họ mỗi lúc lại cắt nghĩa khác nhau về kinh thánh.
> Rõ ràng, họ vẫn gọi chung là “Kitô giáo”, nhưng thực chất không còn đứng trên cùng nền tảng hoàn toàn như Công giáo ban đầu.
Trong Phật giáo cũng từng có các chia rẽ tông phái: Nguyên Thủy (Theravāda) – Đại Thừa (Mahāyāna) – rồi hàng loạt tông phái Thiền, Tịnh Độ, Mật tông… Về sau, một số nhóm tu tự ý đưa ra cắt nghĩa khác biệt, cho rằng họ “thuộc” Phật giáo, nhưng thực chất lại pha trộn tín ngưỡng dân gian, thậm chí đôi khi “chế biến” thêm giáo lý mới, xa rời tinh thần Tứ Diệu Đế và Bát Chánh Đạo.
Đức Phật dạy: “Này các Tỳ-kheo, chớ tin chỉ vì nghe người khác nói; hãy tự quán chiếu và thể nghiệm.” (Kinh Tăng Chi Bộ). Thế nhưng, nếu một kẻ tự ý thêm bớt giáo lý, hoặc vận dụng tư tưởng lợi dụng tôn giáo để mê hoặc quần chúng, đó không phải con đường Ngài giảng dạy. Họ có thể mang danh xưng “Phật giáo”, nhưng tư tưởng đã trái với Phật giáo chân truyền.
>>> Trường hợp Thích Nhất Hạnh và tranh cãi hiện nay
Người ta ca ngợi Thích Nhất Hạnh là “cao tăng” vì những bài thiền kệ, pháp thoại hướng dẫn chánh niệm. Tuy nhiên, nhiều phát ngôn, hành vi chính trị của ông ta chống lại đất nước, vận động quốc tế gây sức ép lên Việt Nam, xuyên tạc chính sách tôn giáo của Nhà nước. Phải chăng, ông đã lợi dụng vỏ bọc tôn giáo để phục vụ mục đích chính trị?
Gần đây, Facebooker Thái Chí Dương đăng Status "Cảnh giác trước các đối tượng tự xưng là "yêu nước" đang tìm cách Chống Phá các vị Cao Tăng của Phật Giáo", cho rằng bất kỳ ai “phê phán và bạch hóa” hành vi, tư tưởng của Thích Nhất Hạnh đều là “đánh phá các vị cao tăng Phật giáo”. Nói như vậy là đánh đồng sai lệch vấn đề, bởi phê phán cá nhân không có nghĩa là chối bỏ Phật giáo. Phật giáo chân chính luôn dạy “từ bi – trí tuệ – vô ngã”, không chấp nhận ai “mượn đường đạo” để chia rẽ dân tộc hay bẻ cong sự thật.
Từ những ví dụ trên, có thể thấy: nếu anh không tuân thủ và thực hành đúng giáo lý gốc - chân truyền, mà lại biến tướng nó thành một bộ khung “niềm tin” mới, thì anh tự tách khỏi tôn giáo ấy, dù ngoài miệng vẫn xưng “thành viên” hay được "người hâm mộ" gọi là “cao tăng”. Với những kẻ cố chấp, họ chưa chắc ý thức được mình đang “thành lập giáo phái” hoặc “trụ cột cho ý đồ chính trị” chứ không hề thuộc về tôn giáo gốc nữa.
>>> Trong chính trị cũng thế: Đảng viên Cộng sản đi ngược đường lối – há còn cùng chí hướng?
Chủ nghĩa Mác – Lênin khẳng định: Đảng Cộng sản là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đại biểu cho lợi ích và ý chí của nhân dân lao động. Mỗi đảng viên phải kiên định nền tảng tư tưởng, đường lối cách mạng. Khi một cá nhân gia nhập Đảng, họ tự nguyện gắn bó lý tưởng “độc lập dân tộc, chủ nghĩa xã hội”, đi theo con đường mà Đảng đề ra để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Hồ Chí Minh luôn dạy: “Đảng ta là đạo đức, là văn minh”, mỗi đảng viên phải trung thành tuyệt đối với mục tiêu cách mạng, không thể “nửa vời”.
• Ví dụ, một số lãnh đạo một thành phố lớn phía Nam nêu ý kiến sai lệch về ngày 30/4: Khi Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định sự kiện 30/4/1975 là “Ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước”, chỉ đạo kỷ niệm 50 năm chiến thắng, giải phóng và thống nhất đất nước (2025) một cách trang trọng, coi đó là "đại thắng" của dân tộc.
Tuy nhiên, một vị lãnh đạo chủ chốt của thành phố lại phát biểu “30/4 không phải ngày giải phóng", "chỉ là ngày thống nhất", vì "có triệu người vui triệu người buồn”, tức là đã phản bác quan điểm cơ bản của Đảng về ý nghĩa “chiến thắng 30/4”. Chẳng khác nào đi ngược tư tưởng Hồ Chí Minh, đi ngược sự hy sinh xương máu của bao thế hệ để dành độc lập thống nhất.
Một đảng viên không tự giác tôn trọng và thực hiện nghị quyết, chủ trương của Đảng, biến ý kiến cá nhân thành lập trường trái ngược và truyền bá tư tưởng đó công khai trên truyền thông, vậy người ấy còn cùng chí hướng với Đảng nữa hay không? Trên nguyên tắc logic, một khi tư tưởng đã đối chọi, họ tự tách khỏi con đường chung, giống như “lập ra một giáo phái mới” trong tôn giáo – chỉ khác đây là lĩnh vực chính trị.
Cùng lý luận này, vào trường hợp Thích Nhất Hạnh, ta có thể nói:
Thích Nhất Hạnh tự nhận là một tu sĩ theo Phật giáo. Phật giáo Việt Nam, đặc biệt qua lịch sử, luôn gắn bó với dân tộc, với tinh thần “Hộ quốc an dân”. Đã là một vị xuất gia, nhất là “chân tu”, không thể nêu tư tưởng kêu gọi ngoại bang can thiệp, xuyên tạc chế độ, kích động thù hận.
> Chính vì thế, một số Phật tử và đông đảo người yêu nước đã phê phán và “bạch hóa” tư tưởng, hành động chống cộng của Thích Nhất Hạnh. Đây không phải chống phá Phật giáo, mà chống lại một kẻ “đội lốt” Phật giáo, thực chất đã tách ra khỏi tinh thần Phật giáo chân truyền - nguyên bản và truyền thống.
> Bác Hồ từng dạy: “Đảng ta là một Đảng cầm quyền, mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng...”. Điều này nghĩa là: nếu anh chống lại cốt lõi cách mạng, anh không thể nói mình “vẫn là đảng viên”, “vẫn là lãnh đạo” theo đúng nghĩa. Bác còn nêu rõ: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công.” Bất kỳ ai gieo rắc chia rẽ, làm phân hóa bên trong đội ngũ cách mạng thì phải bị xử lý, không thể cùng đường lối với Đảng.
> Mác – Lênin khẳng định: Muốn tập thể cách mạng thành công, tính thống nhất về đường lối và ý chí là điều kiện then chốt. Mỗi đảng viên nếu “lệch đường” sẽ làm suy yếu toàn bộ khối sức mạnh. Về mặt tổ chức, người ấy đứng ngoài quỹ đạo của Đảng.
> Khổng Tử đã nói: “Chính giả, chánh dã. Quân tử chính danh” – (Chính trị, cốt ở sự ngay thẳng, người quân tử phải làm đúng danh phận). Nếu một người nhận mình là đảng viên cộng sản nhưng nói và làm trái đường lối, ắt không “chính danh”.
> Đức Phật dạy trong kinh Nikaya dạy rằng: “Điều gì không phải chính pháp, sẽ sớm bại hoại...”. Kẻ vin vào danh nghĩa Phật giáo, gieo rắc hận thù, kêu gọi ngoại bang can thiệp, ấy là đi ngược chính pháp. Sớm muộn cũng lộ rõ họ không tuân theo giáo lý Phật đà.
Chính vì vậy, tôi cho rằng,
Logic tôn giáo và chính trị giống nhau ở nguyên tắc cốt lõi: Ai đi ngược với tư tưởng gốc thì xem như thoát ly khỏi tập thể đó, không thể biện minh “tôi vẫn là thành viên” được.
Trường hợp Thích Nhất Hạnh: Nếu ông đã chệch tinh thần Phật giáo chân truyền, đồng thời chống phá đất nước, lợi dụng tôn giáo cho mục tiêu chính trị, thì việc phê phán ông ta không phải “đánh phá cao tăng”. Thay vào đó, chính là bảo vệ Phật giáo chân chính và bảo vệ lợi ích dân tộc. Trường hợp vị lãnh đạo cấp cao phủ nhận 30/4 là ngày Chiến thắng – Giải phóng: Người này chống lại tư tưởng cốt lõi của Đảng Cộng sản Việt Nam. Cả dân tộc đã trải qua chiến tranh, hy sinh để có ngày thống nhất; gọi 30/4 là “Ngày Giải phóng” là chân lý lịch sử. Nói khác đi chính là đánh tráo khái niệm và xuyên tạc lịch sử cách mạng Việt Nam, đứng ngoài quan điểm chính thống của Đảng.
Tóm lại, như ai đó “theo đạo” nhưng hiểu sai lời giáo chủ, họ thực chất tự lập một đường lối mới; và một đảng viên mà tư tưởng chống lại đường lối Đảng, ắt không còn cùng lý tưởng. Dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và lời dạy của thánh hiền, mỗi chúng ta phải tỉnh táo, tránh u mê, nhận rõ ai là người chân chính đóng góp cho tôn giáo, cho dân tộc; ai là kẻ lợi dụng tôn giáo, phản bội lý tưởng cách mạng. Có như vậy, tập thể mới bền vững, đất nước mới ổn định, tôn giáo mới giữ được chân truyền và xã hội được hòa bình, phát triển./.
Khuyết danh ST.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét