Họ cho rằng không cần phải làm CMT8 vì với xu thế chính trị sau Chiến tranh thế giới thứ hai, thực dân Pháp rất muốn và sẽ tự trao trả độc lập cho Việt Nam. Hơn nữa, họ còn cho rằng dân tộc Việt Nam cũng không cần độc lập mà cứ là một thuộc địa của Pháp thì sẽ phát triển hơn. Đáng buồn và đáng giận là vẫn có những người Việt Nam thuộc thế hệ sau được hưởng thành quả từ xương máu của thế hệ đi trước, nhưng vì thiếu hiểu biết, suy nghĩ nông cạn đã bị ảnh hưởng từ những thông tin sai trái, để rồi có những lời lẽ vô ơn khi nhắc tới CMT8. 

            Đầu tiên cần phải khẳng định, thắng lợi của CMT8 năm 1945 đã mở ra bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử của dân tộc ta, đất nước ta. Thắng lợi này đã chính thức chấm dứt ách đô hộ hơn 80 năm của thực dân Pháp đối với nước ta, mở ra kỷ nguyên độc lập, lần đầu tiên tên nước Việt Nam có trên bản đồ thế giới, với tư cách và vị thế của một quốc gia-dân tộc độc lập, có chủ quyền. Về ý nghĩa vĩ đại của CMT8, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh rằng: “Lịch sử dân tộc ta có nhiều thời kỳ rất vẻ vang. Nhưng trước ngày CMT8, dân tộc ta đã phải trải qua gần một thế kỷ vô cùng tủi nhục. Trên địa đồ thế giới, tên nước ta đã bị xóa nhòa dưới bốn chữ “Đông Dương thuộc Pháp”. Thực dân Pháp gọi đồng bào ta là lũ Annamít dơ bẩn. Thiên hạ gọi chúng ta là vong quốc nô... CMT8 thành công. Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời. Kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi. Nhân dân ta tự làm chủ vận mạng của mình. Tên tuổi của nước ta lại lừng lẫy khắp năm châu, bốn biển”(1). CMT8 cũng trở thành nguồn động viên to lớn để nhiều dân tộc thuộc địa đứng lên giành độc lập.

Cách mạng Tháng Tám và ý nghĩa của độc lập, tự do
Ngày 19-8-1945, sau cuộc mít tinh tại Quảng trường Nhà hát lớn, quần chúng nhân dân Thủ đô đã đánh chiếm Bắc Bộ phủ, cơ quan đầu não của chính quyền tay sai Pháp ở Bắc Bộ. Cách mạng Tháng Tám mở ra một thời đại mới ở Việt Nam - thời đại nhân dân Việt Nam làm chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của chính mình. Ảnh: TTXVN

          Thực tế là Việt Nam giành chính quyền từ tay phát xít Nhật chứ không phải từ thực dân Pháp. Bản Tuyên ngôn Độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc nêu rõ rằng, thực dân Pháp “đã bán nước ta hai lần cho Nhật”. Đó là "mùa thu năm 1940, phát xít Nhật đến xâm lăng Đông Dương... thì bọn thực dân Pháp quỳ gối đầu hàng, mở cửa nước ta rước Nhật. Từ đó dân ta chịu hai tầng xiềng xích: Pháp và Nhật". Rồi ngày 9-3-1945, phát xít Nhật đã đảo chính, hất cẳng thực dân Pháp không chỉ ở Việt Nam mà toàn cõi Đông Dương. Bọn thực dân Pháp hoặc là bỏ chạy, hoặc là đầu hàng. Sau đó, phát xít Nhật đã dựng lên một chính phủ bù nhìn do Trần Trọng Kim đứng đầu. Chính phủ này chỉ tồn tại trên giấy, không làm gì và cũng không thể làm gì. Mọi quyền hành đều trong tay phát xít Nhật.

           Như thế, câu chuyện thực dân Pháp trả độc lập, tự do cho Việt Nam là điều hoàn toàn nực cười cả về pháp lý, đạo lý và thực tế lịch sử. Vì người ta không thể “cho” hay “trả” cái mà người ta không có.

           Và thực dân Pháp có muốn trả độc lập, tự do dân tộc Việt Nam không? Thực dân Pháp không bao giờ muốn! Lịch sử đã cho thấy rõ ràng! Khi thế cuộc của Chiến tranh thế giới thứ hai đã rõ ràng với chiến thắng của phe Đồng minh, thực dân Pháp đã có mưu đồ quay trở lại xâm lược nước ta. Ngay sau khi nước ta giành độc lập, thực dân Pháp theo chân quân Mỹ, Anh vào Nam Bộ để giải giáp quân Nhật. Ngày 23-9-1945, quân Pháp bất ngờ tấn công để lật đổ chính quyền cách mạng non trẻ tại Nam Bộ. Nam Bộ bị quân Pháp dìm trong bể máu. Độc lập, tự do của nhân dân ta ở Nam Bộ chỉ không đầy một tháng lại bị thực dân Pháp tước đi. Cả Nam Bộ đứng lên kháng chiến để đánh đuổi quân Pháp. Sau khi tấn công chiếm Nam Bộ, Pháp tiếp tục đưa quân ra miền Bắc, liên tục khiêu khích, đòi tước vũ khí của Quân đội ta. Nhiều lần Chính phủ ta đã tỏ thiện ý thương lượng, đàm phán, với sự nhân nhượng vì mong muốn duy trì hòa bình, tránh đổ máu cho dân tộc nhưng không thể được trước tâm địa đen tối của thực dân Pháp quyết cướp nước ta một lần nữa. Quân Pháp quyết gây chiến tranh khi liên tiếp gây ra các vụ thảm sát tại Hải Phòng và Hà Nội. Sau đó, ngày 18-12-1946, thực dân Pháp gửi hai tối hậu thư liên tiếp, đòi tước vũ khí của Quân đội ta. Đến ngày 19-12-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến. Cả dân tộc đứng lên trường kỳ kháng chiến 9 năm để đánh đuổi thực dân Pháp, kết thúc bằng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, Hiệp định Geneva được ký kết. Thế nhưng thực dân Pháp rút đi thì đế quốc Mỹ cũng ngay lập tức thế chân tại miền Nam, với mưu đồ biến miền Nam nước ta thành thuộc địa kiểu mới và để từ đó tấn công phá hoại miền Bắc. Lịch sử đã chứng minh rằng, các nước thực dân, đế quốc luôn muốn đặt ách thống trị tại Việt Nam, không bao giờ muốn nước ta được độc lập, nhân dân ta được tự do. Từ khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, dân tộc ta đã phải anh dũng, kiên cường chiến đấu suốt 30 năm nữa, đổ bao xương máu mới có được độc lập, tự do, thống nhất trên cả nước.

          Ấy thế mà ngày nay, vẫn có những kẻ muốn lừa bịp giới trẻ, vẽ ra ảo tưởng thực dân, đế quốc tốt bụng, sẽ trao trả độc lập, tự do cho dân tộc ta, đem lại sung sướng, hạnh phúc cho nhân dân ta và chúng ta chẳng cần phải làm gì, chỉ trông chờ vào sự tốt bụng đó. Nguy hiểm hơn, có những người mang dòng máu Việt Nam lại gieo rắc luận điệu cho rằng, nước ta chẳng cần độc lập để làm gì, mà cứ giữ là thuộc địa của Pháp có khi lại phát triển hơn, đời sống người dân sung sướng hơn. Luận điệu ấy chắc chắn chỉ có trong đầu óc của những kẻ thiếu tử tế và thiếu nhân cách. Suy nghĩ ấy là của những kẻ luôn muốn ăn bám và tư duy lệ thuộc. Đó là những kẻ không xứng đáng đứng trước tổ tiên để nhận mình là con cháu Việt Nam. Lịch sử oanh liệt hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc cho thấy ý thức, khát vọng độc lập, tự chủ đã ăn sâu vào máu của mỗi người Việt Nam. Người Việt Nam, dân tộc Việt Nam sẵn sàng chiến đấu, hy sinh chứ quyết không chịu đặt dưới ách cai trị của dân tộc khác. Dân tộc Việt Nam cũng không chịu để kẻ thù cướp đi bất cứ tấc đất nào của cha ông để lại.

Khi đọc những lời lẽ hùng hồn trong bản Tuyên ngôn Độc lập ngày 2-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh bất ngờ dừng lại và hỏi: “Tôi nói, đồng bào nghe rõ không?”. Và cả triệu người đồng thanh đáp lại vang dội: “Có!”. Trong giờ phút ấy, chắc hẳn từ vị Chủ tịch nước cho tới từng người dân đều xúc động nghẹn ngào, nhiều giọt nước mắt đã rơi... Tại Sài Gòn (nay là TP Hồ Chí Minh), do hạn chế về kỹ thuật, không thể tiếp sóng phát thanh trực tiếp lời Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Lễ tuyên ngôn độc lập từ Quảng trường Ba Đình, do đó, ông Trần Văn Giàu, Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ, Chủ tịch Ủy ban Khởi nghĩa Nam Bộ, Chủ tịch Ủy ban Hành chính lâm thời Nam Bộ đã được đề nghị lên phát biểu. Trong phát biểu của mình, ông Trần Văn Giàu cũng nêu rõ: “Việt Nam từ một xứ thuộc địa đã trở thành một nước độc lập... Việt Nam đương tiến bước trên đường sống”. Ông cũng đã chỉ rõ mưu toan của thực dân Pháp: “Kẻ địch toan tính một cuộc âm mưu gác lại ách nô lệ trên cổ 25 triệu đồng bào”. Ông đã hỏi những người dự lễ: “Đồng bào ở đây có ai thừa nhận một quan toàn quyền cai trị xứ ta không? Có ai chịu bó tay để cho chế độ thực dân-ra mặt hay giấu mặt-trở lại không?”. Sau mỗi câu hỏi của ông, cả triệu người đồng thanh đáp lại: “Không! Không! Không!” vang dội cả góc trời. Thay mặt hàng triệu người dân Nam Bộ, ông Trần Văn Giàu nói lên quyết tâm bảo vệ Tổ quốc: “Chúng ta thề cương quyết đứng bên cạnh Chánh phủ, chống mọi sự xâm lăng, dầu chết cũng cam lòng”(2).

              Chính vì ý thức, khát vọng độc lập, tự do rất mãnh liệt như vậy nên dù trải qua bao thăng trầm của lịch sử, dân tộc ta vẫn giữ được bản sắc của mình, không bị đồng hóa như rất nhiều dân tộc khác trên thế giới này đã từng tồn tại và biến mất.

Cái ý nghĩ, mong muốn nhờ vào ngoại bang để có được hạnh phúc, phồn vinh đã bị không chỉ lịch sử Việt Nam mà còn là lịch sử nhân loại chứng minh sự sai lầm. Suy nghĩ sai lầm tai hại ấy không chỉ làm cho nhiều thế hệ hào kiệt, nhiều nhà cách mạng tiền bối của Việt Nam phải sa cơ, thất bại mà còn làm cho con đường cứu nước, giải phóng dân tộc của chúng ta kéo dài. Phải đến khi nhà cách mạng Nguyễn Ái Quốc tìm được con đường cứu nước chân chính, đến khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời và lãnh đạo cách mạng Việt Nam thì sự nghiệp giải phóng dân tộc mới đi đúng hướng. Trong Thư kêu gọi Tổng khởi nghĩa tháng 8-1945, lãnh tụ Hồ Chí Minh đã viết: “Hỡi đồng bào yêu quý! Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”.

            “Đem sức ta mà tự giải phóng cho ta” chính là thể hiện tinh thần, ý thức tự chủ, tự lực, tự cường của cuộc CMT8. Đó chính là phương thức cứu nước đúng đắn mà thế hệ trước đã tìm ra, đã thực hiện thành công và trao truyền lại cho thế hệ những người Việt Nam tiếp theo. Ngày nay, bài học vô giá phải trả bằng máu đó phải được tiếp tục khắc cốt ghi tâm trong những người con mang dòng máu Việt Nam. Dân tộc ta không thể phó mặc, không thể trông chờ vào bất cứ dân tộc nào, quốc gia nào để bảo vệ chủ quyền đất nước, để được độc lập, tự do. Dân tộc ta cũng không thể trông chờ vào bất cứ dân tộc, quốc gia nào để được hạnh phúc, phồn vinh, phát triển. Chúng ta trước hết phải dựa vào sức mình! Bằng tinh thần đoàn kết, bằng trí tuệ, ý chí, sức lực, lòng dũng cảm của mình, chắc chắn chúng ta sẽ làm được điều đó! Dân tộc Việt Nam, đất nước Việt Nam sẽ trường tồn!

               Kể từ ngày lời Tuyên ngôn Độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh vang vọng trên Quảng trường Ba Đình, Việt Nam của chúng ta ngày nay đã rất khác xưa, đã là một đất nước độc lập, tự do, thống nhất, hòa bình, hạnh phúc và đang ngày càng phát triển. Với vị thế quốc gia của mình, Việt Nam có tiếng nói ngày càng có trọng lượng trên trường quốc tế, được bạn bè quốc tế lắng nghe, tin tưởng và nể trọng. Tất cả thực tế đó đã chứng minh những luận điệu xuyên tạc về CMT8 là hoàn toàn sai trái, không thể có chỗ đứng trong lòng những người Việt Nam chân chính và nhân loại có lương tri.