Thứ Bảy, 2 tháng 11, 2024

 Bóc trần luận điệu xuyên tạc của RFA về Nghị định 126/NĐ-CP .

Ngày 8/10/2024, Chính phủ đã ban hành Nghị định số  126/2024/NĐ-CP “Quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội”. Nghị định 126 ra đời không những đáp ứng nguyện vọng chính đáng của các tầng lớp nhân dân mong muốn được thành lập hội, mà còn tạo ra môi trường lành mạnh cho các hội phát triển, phù hợp với tình hình thực tiễn của Việt Nam. Ấy vậy nhưng, các đài truyền thông “rận chủ”, trong đó có Đài Á Châu Tự Do (RFA) - một gương mặt không còn xa lạ gì trong giới “rận chủ” - theo thói thường lại ra sức “góp ý”, “phản biện” về Nghị định này. Chúng cho rằng: Nghị định 126 của Chính phủ là sự gia tăng sự kiểm soát của Nhà nước, hạn chế sự phát triển của các tổ chức xã hội độc lập và quyền tự do lập hội, phản đối các quy định: Phải chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước, không được vi phạm “thuần phong mỹ tục”, “truyền thống văn hóa dân tộc”… Điểm qua vài “góp ý”, “phản biện” này của Rfa thì thấy rõ bản chất và năng lực “thượng thừa” của chúng trong việc xuyên tạc, vu khống, đánh tráo khái niệm.

Có thể khẳng định, Nghị định 126/2024/NĐ-CP là văn bản quan trọng nhằm tạo ra khung pháp lý cho việc tổ chức, hoạt động và quản lý các hội tại Việt Nam. Đây là bước tiến cần thiết để cải thiện tính minh bạch, trách nhiệm và hiệu quả trong hoạt động của các hội. Nghị định 126 cung cấp các quy định rõ ràng hơn về quyền hạn, trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước và ban lãnh đạo các hội. Điều này giúp giảm thiểu các hành vi tiêu cực, lạm dụng quyền lực và đảm bảo hoạt động hội diễn ra đúng với tôn chỉ, mục đích ban đầu. Với các quy định mới về việc công khai tài chính và nguồn tài trợ, nghị định giúp các hội duy trì sự minh bạch và tạo niềm tin với các bên liên quan. Qua đó giúp ngăn ngừa các hành vi tham nhũng, lợi dụng nguồn lực cộng đồng, đồng thời cũng mở ra cơ hội cho các hội tiếp cận với các nguồn lực từ nhà nước và quốc tế. Nghị định 126 tạo điều kiện thuận lợi cho các cá nhân, tổ chức tham gia vào các hoạt động hội, từ đó đóng góp cho sự phát triển cộng đồng, đặc biệt trong các lĩnh vực văn hóa, xã hội và môi trường. Nghị định cũng là công cụ để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của hội viên và giúp các hội phát triển bền vững. Có thể thấy rõ rằng, việc có khung pháp lý rõ ràng sẽ tạo niềm tin cho cộng đồng và nâng cao uy tín của các hội trong xã hội.

Thế nên, ý kiến cho rằng Nghị định 126 “hạn chế quyền tự do lập hội” là điều xuyên tạc, bịa đặt trắng trợn. Trên thực tế, nghị định này không cấm hoặc hạn chế quyền lập hội của công dân mà chỉ yêu cầu các tổ chức, cá nhân thực hiện quyền này một cách hợp pháp. Tới đây, thì lại có ý kiến phản đối quy định các hội phải chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước - một ý kiến thể hiện sự thiếu hiểu biết và sự “thiên vị” đến cùng cực của Rfa. Thử hỏi trên quả đất này, có tổ chức hay cá nhân nào sống và làm việc ở 1 đất nước lại không phải tuân thủ theo luật lệ của nước đó? Hay Rfa thích sống “hoang dã”, ngoài vòng pháp luật chăng? Việc chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước - bao gồm cả việc đảm bảo không vi phạm các chuẩn mực văn hóa, thuần phong mỹ tục của Việt Nam - là điều hiển nhiên đối với mỗi tổ chức, cá nhân hoạt động trong lãnh thổ Việt Nam. Việc đề ra những quy định về quản lý nhằm bảo đảm các hội hoạt động minh bạch, không vi phạm pháp luật và phù hợp với lợi ích chung của xã hội. Điều này vừa bảo vệ quyền lợi của công dân tham gia hội, vừa đảm bảo trật tự và an ninh quốc gia.

Thực tế, thời gian qua, các thế lực thù địch, các hội, nhóm phản động, chống đối triệt để lợi dụng mạng xã hội để đẩy mạnh các hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước. Chúng tạo lập các hội, nhóm trên danh nghĩa phản biện xã hội, đấu tranh vì dân chủ nhân quyền, chống tham nhũng như “Hội ACE Chống Tham Nhũng & Bất Công”, “Nhóm ACE yêu chuộng Tự - Do Dân - Chủ”, “Trại Cháu Bác Hồ”… với cách đặt tên các hội, nhóm… ly kỳ, giật gân để để thu hút người theo dõi, tham gia, nhất là đối tượng thanh thiếu niên, thực chất bên trong các hội, nhóm đó lại là những bài viết phản động, chống đối, hình ảnh, video có nội dung độc hại nhằm tuyên truyền, phá hoại tư tưởng, thúc đẩy tự diễn biến, tự chuyển hóa, gây chia rẽ đoàn kết nội bộ, tập hợp lực lượng, hình thành tổ chức chính trị đối lập, thúc đẩy âm mưu diễn biến hòa bình… chống phá Đảng, Nhà nước… Do vậy, Nghị định 126 đặt ra yêu cầu quản lý chặt chẽ, nhằm tránh tình trạng lợi dụng hội để hoạt động phi pháp, gây thiệt hại về kinh tế và an ninh cho xã hội. Đây là biện pháp cần thiết để bảo vệ quyền lợi của người dân và đảm bảo các hội nhóm hoạt động lành mạnh, công khai, đồng thời là một công cụ pháp lý giúp Nhà nước có căn cứ để xử lý các tổ chức, cá nhân có hành vi lợi dụng hội nhóm để hoạt động trái phép, chống phá chính quyền. Nghị định 126 được thiết kế không chỉ để quản lý, mà còn hỗ trợ các hội nhóm hoạt động hiệu quả. Các quy định giúp cho các hội hoạt động có tổ chức, chuyên nghiệp hơn, đồng thời bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các thành viên trong hội. Khi hội hoạt động đúng theo quy định, quyền lợi của các thành viên cũng được đảm bảo, tạo sự tin tưởng và khuyến khích người dân tham gia, đóng góp vào sự phát triển của xã hội. 

Có thể khẳng định, Nghị định 126/2024/NĐ-CP là bước tiến quan trọng để củng cố hệ thống quản lý xã hội tại Việt Nam, là văn bản quy phạm pháp luật cần thiết để góp phần giữ vững ổn định xã hội và đảm bảo cho các hội tại Việt Nam hoạt động theo khuôn khổ pháp luật, tuân thủ các giá trị văn hóa và truyền thống dân tộc. Những luận điệu của đám “rận chủ”, trong đó có Rfa, mãi là những tiếng kêu lạc lõng, chỉ để phô bày sự ngu dốt, thói lươn lẹo, phản động của chúng mà thôi./.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét