Chúng ta vừa long trọng tổ chức kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10-10-1954 / 10-10-2024) với nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa sâu sắc, khẳng định tầm vóc mới của Thủ đô văn hiến - văn minh - hiện đại. Trong những ngày sôi nổi tinh thần cách mạng, hình ảnh người chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam, hình tượng Bộ đội Cụ Hồ càng thêm ngời sáng.

Lư Giang giản dị lắm. Ông luôn không đồng tình việc làm phiền người khác, nhất là việc riêng tư của mỗi người. Đó là điều đặc biệt của Trung tướng Lư Giang.

Ngày 16-1-1980, Bộ Chính trị Trung ương Đảng ra Quyết định số 1023/NQ-NS/TVV do đồng chí Lê Đức Thọ, Ủy viên Bộ Chính trị ký, bổ nhiệm Thiếu tướng Lư Giang, Phó tư lệnh Quân khu Thủ đô giữ chức Tư lệnh Quân khu Thủ đô.

Tiếp đó, ngày 21-1-1980, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Tôn Đức Thắng ký Sắc lệnh số 14-LCS, bổ nhiệm Thiếu tướng Lư Giang làm Tư lệnh Quân khu Thủ đô, thay Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên chuyển sang công tác ở Bộ Xây dựng.

Ban Bí thư Trung ương Đảng ký quyết định thành lập Đảng bộ Quân khu Thủ đô, dưới sự lãnh đạo trực tiếp về mọi mặt của Quân ủy Trung ương, đồng thời, đặt dưới sự lãnh đạo của Thành ủy Hà Nội về công tác quân sự địa phương. Đảng ủy Quân khu gồm 9 đồng chí: Phí Triệu Hàm, Lư Giang, Phạm Thạch Tâm, Nguyễn Tiệp, Tạ Đình Hiểu, Phạm Quang Vinh, Hà Văn Phúc, Hoàng Kim, Đỗ Văn Dũng.

Giai đoạn đó, đất nước ta, nhân dân ta đứng trước những khó khăn, thử thách chất chồng, sự bao vây, cấm vận ngặt nghèo, hai đầu biên giới phía Nam, phía Bắc, máu của đồng bào ta, chiến sĩ ta đang đổ xuống.

Từng là người chỉ huy trên các chiến trường ác liệt trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, trên cương vị mới - Tư lệnh Quân khu Thủ đô, Tư lệnh Lư Giang hiểu rất sâu sắc rằng, người chiến sĩ Thủ đô phải là trụ cột của niềm tin, nền tảng vững vàng của phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ trên các mặt công tác. Từ tư duy ấy, Tư lệnh Lư Giang đã cùng với Ban chỉ huy lãnh đạo, chỉ đạo những việc làm thiết thực, cấp bách.

Tình hình lương thực thiếu thốn trên toàn quốc khiến việc đảm bảo tiêu chuẩn bữa ăn của bộ đội là một vấn đề lớn và khó. Tư lệnh Lư Giang cùng Đảng ủy Quân khu Thủ đô đã ra nghị quyết về đẩy mạnh sản xuất, tự túc chỉ tiêu lương thực, thực phẩm và làm kinh tế trong lực lượng vũ trang Quân khu. Từng bị thiếu đói dài ngày ở chiến trường Khu 5 trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ, Tư lệnh Lư Giang rất thấm thía từng bữa ăn của bộ đội. Tuần sau có còn đủ gạo không? Ngày mai bộ đội có rau xanh ăn không? Trồng giống rau gì ngắn ngày nhất thì được thu hoạch? Mùa mưa nóng ẩm ngập lụt, mùa đông rét buốt khô hạn, việc tăng gia sản xuất phải thế nào? Ai cũng nghĩ, một Tư lệnh Quân khu Thủ đô quyền cao chức trọng, có hàng vạn quân trong tay, việc gì phải lo những chuyện cỏn con như vậy? Nhưng thực tiễn cách mạng của chúng ta, đời sống nhân dân và người chiến sĩ của chúng ta, đã đặt ra cho vị chỉ huy cao nhất của một Bộ tư lệnh Quân khu đã phải suy nghĩ và thực hành như thế.

Không chỉ những công việc cụ thể với đời sống bộ đội, mà với những việc xa hơn, căn cơ gốc rễ, Tư lệnh Lư Giang đều dành hết tâm huyết và trí tuệ của mình. Với tư cách Tư lệnh Quân khu Thủ đô, đại biểu Quốc hội của TP Hà Nội, tháng 12-1981, tại Hội trường Ba Đình, trong Kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa VII, ông cùng các đại biểu đã trình bày các sắc luật quan trọng và Quốc hội đã thông qua Luật Nghĩa vụ quân sự và Luật Sĩ quan trong Quân đội nhân dân Việt Nam. Đây là những dấu mốc có ý nghĩa hết sức quan trọng với quân đội, với người chiến sĩ.

Với quan hệ quốc tế, đầu tháng 2-1982, trong lễ đón Đoàn đại biểu quân sự cấp cao Liên Xô, do Nguyên soái N.U.Ô-ga-rơ-cốp, Ủy viên Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô, Tổng Tham mưu trưởng Các lực lượng vũ trang Liên Xô, Thứ trưởng Thứ nhất Bộ Quốc phòng Liên Xô thăm hữu nghị chính thức nước ta, Tư lệnh Lư Giang cùng Tư lệnh các quân chủng, binh chủng, Bộ đội Biên phòng dự tiếp phái đoàn. Đây là những khoảnh khắc khó quên của Tư lệnh Lư Giang và các vị tướng lĩnh.

Trong những năm 80, 90 của thế kỷ trước, khi kinh tế nước ta khó khăn, Tư lệnh Lư Giang rất trăn trở, cùng với toàn quân đẩy mạnh phong trào thi đua. Lễ ký kết giao ước thi đua giữa Quân khu Thủ đô với Quân khu 3 và Quân khu 4 được tổ chức vào đầu tháng 5-1982. 3 đồng chí: Thiếu tướng Lư Giang, Tư lệnh Quân khu Thủ đô; Trung tướng Nguyễn Quyết, Tư lệnh Quân khu 3; Thiếu tướng Nguyễn Thế Bôn, Tư lệnh Quân khu 4, đã ký Biên bản giao ước thi đua, trong đó có một nội dung là: “Đẩy mạnh sản xuất, tiết kiệm và tổ chức đảm bảo đời sống tinh thần, vật chất của các lực lượng vũ trang”.

Các vị tướng lĩnh, Tư lệnh lừng danh đã có những quyết định thiết thực như thế.

Trung tướng Lư Giang là người kế nhiệm Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên nhận trọng trách Tư lệnh Quân khu Thủ đô. Từ trong chiến trường, các ông đã thấu hiểu về nhau, nên khi đảm đương trọng trách mới, đều đem hết trí tuệ và nhiệt huyết của mình phục vụ Đảng, phục vụ Quân đội và nhân dân, trong đó có nhân dân Thủ đô Hà Nội. Người chiến sĩ Thủ đô phải luôn gương mẫu, đi đầu trong mọi công tác. Một trong những người mà Tư lệnh Lư Giang gắn bó, kính trọng từ những ngày đầu, là Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Những ngày đảm đương cương vị Tư lệnh Quân khu Thủ đô, nhất là cuối thập kỷ 80, khi Liên Xô và Đông Âu đã có dấu hiệu của sự tan rã, Tư lệnh Lư Giang thường xuyên đến với Đại tướng, như tìm đến trí tuệ và bản lĩnh lớn, sự tinh tường, sự kiên định vào con đường mà Đảng, Bác Hồ đã lựa chọn, để từ đó, có những tham mưu, hoạch định lớn, đúng đắn, lâu dài với lực lượng vũ trang Thủ đô Hà Nội và bộ đội trong toàn quân.

Trung tướng Lư Giang luôn có một niềm tin đặc biệt vào Đại tướng. Ngay từ những ngày đầu Nam tiến năm 1945, rồi dằng dặc hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, và sau này, suốt hơn 10 năm ở cương vị trọng trách tại Bộ tư lệnh Quân khu Thủ đô, lúc nào và ở đâu, ông cũng luôn nghĩ đến người Anh Cả của Quân đội, với những suy nghĩ sâu sắc, niềm tin mãnh liệt từ đạo làm người của vị tướng lừng danh.

Không biết bằng cách nào, có thể nói là một sự kỳ diệu khó giải thích, Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn truyền được ngọn lửa tất thắng cho các tướng lĩnh, binh sĩ của mình trong mọi hoàn cảnh, cho dù là ở những hoàn cảnh éo le, khốc liệt nhất. Trung tướng Lư Giang làm Tư lệnh Quân khu Thủ đô ở thời kỳ cực kỳ gian khó. Là một người lính chỉ quen đánh giặc, ông phải làm gì lúc ấy?

Có những lúc, ông im lặng rất lâu, dõi sâu vào lòng mình. Và khi ấy, ông luôn tìm đến Đại tướng. Thật kỳ diệu, mọi thứ được tháo cởi dễ dàng, khó khăn mấy rồi tất cả sẽ qua. Những lúc ấy, những người lính già, những vị tướng trận đã tựa vào nhau, vững chắc như thành đồng vách sắt. Có câu chuyện, hai vị tướng đã phải trăn trở và cân nhắc rất nhiều.

Trong các câu chuyện sau này kể lại, bà Hàn Thị Trang, vợ Trung tướng Lư Giang, luôn nhắc về Đại tướng Võ Nguyên Giáp với sự xúc động sâu sắc. Ngày Lư Giang sắp mất tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 (năm 1994), Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhiều lần đến thăm ông. Hai vị tướng nhiều lần nắm chặt tay nhau rất lâu trong im lặng.

Trong hơn 10 năm công tác tại Quân khu Thủ đô, nhiều năm giữ cương vị cao nhất, Trung tướng Lư Giang luôn là tấm gương sáng cho các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Thủ đô học tập, noi theo. Ông luôn là người đi đầu, không chỉ bằng trí tuệ và tâm huyết, mà còn bằng trái tim ấm nóng. Lư Giang từng vào sinh ra tử, nên rất hiểu giá trị của cuộc sống hòa bình hôm nay mà người chiến sĩ phải giữ gìn.

Từ khi tuổi trẻ có khả năng văn bút, từng sớm cầm súng lên đường Nam tiến buổi đầu tiên, khi ở cương vị Tư lệnh Quân khu Thủ đô, trước dòng sông Hồng ứa đỏ phù sa, Trung tướng Lư Giang rất thấm thía và biết tri ân tổ tiên, nguồn cội, như chim hồng hạc bay định phận giữa trời, như nguồn lệ của những người lính, lấy máu xương mình xây đắp tượng đài Tổ quốc.

Tâm niệm suốt cuộc đời mình, Trung tướng Lư Giang luôn chiến đấu vì sự nghiệp cách mạng của Đảng, ấm no, hạnh phúc của nhân dân, tin tưởng vào sự nghiệp chính nghĩa, vào thắng lợi của cách mạng, kiên quyết đấu tranh và chiến đấu dũng cảm trước mọi kẻ thù.

Trong thời bình, ông luôn trăn trở với công cuộc xây dựng, đổi mới đất nước, nêu cao truyền thống của Quân đội, không lùi bước trước hiểm nguy, đoàn kết và phát huy cao độ tinh thần đại đoàn kết trong mọi thời đoạn lịch sử. Một đời tâm niệm lời dạy của Bác Hồ: “Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”.

Đó luôn là suy nghĩ và hành động suốt đời của Trung tướng Lư Giang!